Thứ 5, 09/05/2024 12:15:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 09:12, 07/06/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ NGHỀ BÁO "ĐAM MÊ VÀ CỐNG HIẾN"

Tuổi xuân tươi đẹp

Lâm Hữu Tặng
Thứ 3, 07/06/2022 | 09:12:57 1,240 lượt xem
BPO - Tuổi trẻ là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người. Là tháng ngày chúng ta sống với khát khao, hoài bão, với nhiệt huyết và làm nên những điều đáng nhớ. Bản thân tôi cũng vậy, tôi đã có những tháng ngày tuổi trẻ dưới mái nhà chung Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) với những đam mê và để lại nhiều kỷ niệm. Tôi vẫn viết tiếp những điều đặc biệt cho tuổi trẻ của mình ở một môi trường mới, nhưng quá trình đến với nghề báo và tháng ngày làm báo là những trang đời đầy tự hào của tôi.

Niềm đam mê của Tặng

Khi còn nhỏ, tôi đam mê cải lương và mong ước sau này làm một công việc gì đó gắn bó với bộ môn nghệ thuật này. Bởi tôi được sinh ra và lớn lên nơi miền Tây sông nước, tuổi thơ gắn liền với các bài ca như: Chuyến xe Tây Ninh, Dòng sông quê em… những lớp trích đoạn trong các vở cải lương: Bạch Hải Đường, Người tình trên chiến trận… do ba tôi hát.

Lên lớp 8, tôi được Ban giám hiệu nhà trường chọn vào đội tuyển học sinh giỏi môn Văn. Khi đó, tôi cũng chưa mặn mà lắm với môn Văn, nhưng tôi may mắn gặp được người thầy tận tình chỉ dạy, truyền cho tôi nguồn cảm hứng với môn Văn. Thầy nói nếu muốn học giỏi môn Văn thì phải đam mê và siêng năng đọc sách, báo. Đối với chúng tôi là học sinh vùng sâu, vùng xa, lúc đó có được những cuốn sách đọc tham khảo là vô cùng xa xỉ. Tôi chợt nghĩ, nếu không có điều kiện đọc báo, sách thì cách học hỏi về văn phong tiện lợi nhất là qua truyền hình. Vậy là tôi say mê xem các chương trình của đài truyền hình, đặc biệt chương trình thời sự. Đồng thời, tôi thường xuyên xem cải lương qua băng video thời ấy. Mỗi tuần, tôi thuê 2 vở về để cả gia đình cùng xem. Tôi đã học hỏi được văn phong trong các vở cải lương, bài ca vọng cổ bằng cách như thế.

Đại diện Chi đoàn BPTV, tác giả (bên trái) mang những món quà ý nghĩa đến với trẻ em vùng sâu, vùng xa còn khó khăn trên địa bàn huyện Bù Đốp nhân dịp tết Trung thu năm 2020

Tình yêu cải lương cộng với tình yêu văn chương đã cho tôi định hướng trong tương lai sẽ trở thành một người làm báo ở mảng văn nghệ. Những năm tháng học THPT, tôi dành tiền hằng tuần để mua đĩa (video CD) có những bài ca vọng cổ về cho cả gia đình cùng thưởng thức. Thời gian rảnh tôi lại đến thư viện để đọc sách, báo, đặc biệt là báo Sân khấu TP. Hồ Chí Minh (tiếng nói của Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh)… Niềm đam mê viết lách thôi thúc tôi sáng tác bài ca vọng cổ. Nhưng khi đó, tôi chỉ viết và tự ca một cách ngẫu hứng bởi bản thân chưa biết về cấu trúc, nhịp của bài ca vọng cổ.

Niềm hạnh phúc đến với tôi cũng như niềm hãnh diện của gia đình, dòng họ khi tôi thi đậu vào Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, với số điểm thi môn Văn 8,25. Những năm tháng học đại học, tôi thể hiện năng khiếu nghệ thuật của mình trong các môn học và bắt đầu tập viết bài để gửi cho báo Sân khấu ở mục “Lời trái tim”… Cảm giác cầm tờ báo có đăng bài của mình hạnh phúc biết bao. Cứ thế, tôi học hỏi thêm ở những mục chuyên sâu hơn, có điều kiện tôi mua vé đến rạp để xem cải lương và sau đó tôi viết cảm nhận về vở diễn.

Tác giả cùng ê-kíp quay hình chương trình ca cổ “Đời vui dệt khúc xuân ca” mừng xuân Tân Sửu 2021 

Năm 2009, tôi có cơ may được biên tập viên Võ Tử Uyên (Ban Văn nghệ Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh) giới thiệu tham gia chuyến thực tế sáng tác do Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước tổ chức tại thị xã Phước Long. Là một sinh viên, lần đầu được gặp gỡ các soạn giả tài năng đã cho tôi những bài học quý. Sau chuyến đi đó, tôi sáng tác bài ca cổ “Ngoại ơi!”. Hạnh phúc hơn khi bài ca này được Ban tổ chức chọn trình diễn trong chương trình “Những dòng sông hò hẹn” tại thị xã Phước Long, do Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước đăng cai. Như có duyên với Bình Phước, sau khi ra trường vì muốn tìm một nơi làm việc đúng với sở trường, sở thích của bản thân, tôi đã xin và được nhận vào làm tại Phòng Văn nghệ Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước. Đó là niềm hạnh phúc, động lực để tôi cố gắng học hỏi và mong đóng góp được nhiều hơn vào sự phát triển chung của cơ quan.

Thanh xuân tôi ở đó

Tại cơ quan, tôi được Ban giám đốc, lãnh đạo phòng, anh em đồng nghiệp tạo điều kiện để thực hiện những chương trình phát thanh, truyền hình về mảng sân khấu cải lương. Đi đến đâu tôi cũng được đồng nghiệp giới thiệu là “soạn giả”. Tôi càng tự hào và lấy đó để tiếp tục nuôi dưỡng đam mê của mình… Những chuyến đi TP. Hồ Chí Minh ghi hình rồi về lại trong đêm lúc 2 giờ sáng thêm gắn kết anh em với nhau và cho tôi những bài học quý.

Tháng 10-2019, một sự kiện quan trọng đánh dấu sự thay đổi của bản thân tôi và tất cả đồng nghiệp Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước và Báo Bình Phước, khi chúng tôi về chung một nhà. Nhân sự kiện quan trọng đó, với sở trường của bản thân, tôi đã sáng tác bài ca cổ “Bình Phước tự hào người làm báo hôm nay” để trình diễn trong buổi lễ công bố ra mắt cơ quan mới.

Bằng nhiệt huyết với nghề, tôi luôn mong ước bản thân thực hiện được một tác phẩm để tham gia Liên hoan truyền hình toàn quốc với vai trò là biên tập. Năm 2016, tôi đã đạt được ước nguyện của mình khi tác phẩm ở thể loại dành cho thiếu nhi do tôi viết kịch bản, biên tập mang tên “Tìm lại cội nguồn” đạt được bằng khen. Đối với tôi, đó là kỷ niệm đáng nhớ trong bước đường làm báo của mình.


Gần 10 năm làm công tác biên tập ở lĩnh vực phát thanh, truyền hình, tôi có nhiều bỡ ngỡ khi học hỏi ở lĩnh vực báo in, báo điện tử. Nhờ sự hướng dẫn của anh chị đồng nghiệp, tôi đã có “sân chơi mới” thỏa mãn đam mê của mình với công việc viết báo in, báo điện tử. Đồng thời, tôi được phân công giữ vai trò Bí thư chi đoàn. Dẫu 2 năm đảm nhiệm vai trò Bí thư chi đoàn là thời gian xã hội gặp nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19 nhưng tôi đã động viên anh em đồng nghiệp cùng cố gắng vượt qua tất cả, cùng đoàn kết để mang về vinh dự cho BPTV cũng như mang về thành tích đáng quý cho Đoàn thanh niên của BPTV.

Cùng góp công sức nhỏ của thanh niên trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2020 

Đến nay, vì bản thân luôn khát khao chinh phục những chân trời mới nên tôi tạm dừng công việc tại BPTV. Khoảng thời gian công tác tại BPTV là cả thanh xuân của tôi với biết bao kỷ niệm và cái tên Lâm Hữu Tặng có được như ngày hôm nay cũng nhờ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của lãnh đạo cơ quan và đồng nghiệp. Thanh xuân tôi ở đó và tôi tự hào về những tháng ngày tươi đẹp đó.

  • Từ khóa
143961

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu