Thứ 5, 09/05/2024 21:28:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:38, 02/06/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ NGHỀ BÁO "ĐAM MÊ VÀ CỐNG HIẾN"

Duyên phận với nghề dẫn chương trình

Hồng Trang
Thứ 5, 02/06/2022 | 08:38:52 1,342 lượt xem
BPO - Có những khoảnh khắc lịch sử đã đem đến sự thay đổi hoàn toàn vận mệnh cuộc đời của bạn!

Với tôi, đó là ngày 13-8-1999.

Ngày mà anh Ba Thảo - tức anh Phan Văn Thảo, Phó giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) còn là Trưởng phòng Tổ chức Hành chính của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước, đã đến nhà tôi ở phường An Lộc, thị xã Bình Long để trao tận tay giấy trúng tuyển kỳ thi phát thanh viên mà tôi dự thi trước đó vào ngày 5-8-1999.

Còn nhớ ngày ấy vừa ra trường, tôi có ý định về nhà thăm gia đình rồi trở lại TP. Hồ Chí Minh tìm việc, vô tình xem Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước thấy tuyển phát thanh viên, tôi liền thử vận may xem sao. Từ ngày nộp đơn dự thi, tôi dành toàn bộ thời gian có thể để xem tivi nhằm học hỏi các anh chị đi trước, rồi sau đó lại ngồi trước gương tập đọc. Tôi lo lắng chuẩn bị trang phục để dự thi, không biết mình sẽ trang điểm như thế nào cho phù hợp? Một đêm trước khi đi thi, tôi thậm chí hồi hộp không ngủ được, chỉ sợ sáng mai thi mà mình khan tiếng hay mất giọng thì nguy to.

Thế rồi, chuyện gì đến cũng đã đến…

Cuộc thi diễn ra trong 1 ngày với 2 vòng thi và rất nhiều phần thi, đọc cả bản tin tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Với sự ngượng ngùng, bối rối và cả những run rẩy khi lần đầu ngồi trước ống kính, tôi nghĩ chắc lúc đó khuôn mặt mình chẳng có một chút biểu cảm gì, vì tôi cũng không quen biết một ai ở đây. Thôi đành hồi hộp chờ đợi kết quả chứ tôi không dám hy vọng gì nhiều.

Với vai trò biên tập viên, MC, giao lưu cùng nghệ sĩ trong một chương trình văn nghệ do Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước sản xuất

Và cái ngày định mệnh cũng đã đến. Vào một buổi sáng đẹp trời ngày 13-8-1999, anh Ba Thảo xuất hiện tại nhà tôi như một vị thần may mắn. Anh trao cho tôi một bức thư thông báo tôi đã trúng tuyển. Anh còn chia sẻ tôi là người có số điểm cao nhất trong buổi thi hôm ấy.

Niềm vui vỡ òa sau 8 ngày chờ đợi trong âu lo. Tôi biết mình còn phải nỗ lực nhiều hơn thế nữa, bởi chặng đường phía trước không chỉ là hoa hồng. Với nghề phát thanh viên, nếu vượt qua được kỳ thi tuyển đầy cam go đòi hỏi cả thanh và sắc rồi mà bạn vẫn không đáp ứng nổi yêu cầu khi thu hình để phát sóng chính thức thì đồng nghĩa với việc bạn tự loại mình ra khỏi cuộc chơi. 

Tôi hạ quyết tâm trau dồi, học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đi trước. Tôi còn nhớ sự ân cần chỉ bảo của chú Tư Trung, anh Phan Minh Hoàng, anh Ba Thảo, anh Hưng Cát, chị Minh Thùy, anh Hữu Luận để tôi lại bén duyên với công việc của một biên tập viên kiêm dẫn chương trình.

Còn nhớ ngày ấy chúng tôi làm việc trong điều kiện vô cùng khó khăn và thiếu thốn. Mỗi lần lên hình là các biên tập viên, phát thanh viên phải học thuộc lòng bản tin ngắn để hạn chế nhìn xuống giấy (vì không có máy đọc như bây giờ). Không chỉ vậy, biên tập viên, phát thanh viên mỗi lần bước vào phòng thu còn vô cùng áp lực khi không cho phép mình đọc sai hay đọc vấp nhiều, vì lúc đó phải thu bằng băng cassette (mảng phát thanh) và băng video (mảng truyền hình). Nếu mỗi lần đọc bị lỗi là kỹ thuật viên phải ngừng băng để quay trở về đoạn trước đó, xong mới đọc nối vào, mỗi lần thao tác như vậy rất lâu. Khó khăn như vậy nên biên tập viên, phát thanh viên chúng tôi ngày ấy hiếm khi đọc vấp. Mỗi lần nhận được tin hoặc bài, chúng tôi phải ngồi đọc thật kỹ rồi dùng viết đỏ để ngắt câu rõ ràng trước khi vào phòng thu. 

Những ai từng bước vào nghề phát thanh viên sẽ hiểu, ngày mà mình được chính thức lên sóng của đài đó là một ngày vô cùng trọng đại. Chương trình sẽ được Ban giám đốc, Ban biên tập duyệt để quyết định bạn có được lên sóng chính thức hay chưa. Đó cũng là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp khi lần đầu chúng tôi ra mắt khán, thính giả. Ngày đầu tiên xuất hiện trên sóng của BPTV tôi vẫn còn nhớ như in. Đó chính là Bản tin thế giới phát sóng vào lúc 19 giờ 45 phút ngày 24-8-1999. Một bản tin còn nhiều vụng dại và lúng túng của một gương mặt phát thanh viên mới toanh trong chiếc áo vest màu đỏ. Tôi nhớ lúc ấy mình quyết định chọn màu đỏ lên sóng với mong muốn có một khởi đầu may mắn và tốt đẹp.  

Rồi những khó khăn, bỡ ngỡ cũng dần trôi qua. Tôi thấy mình cần phải tiếp tục học tập nâng cao chuyên môn để làm tốt hơn nữa công việc của một biên tập viên lẫn người dẫn chương trình. Cuối tuần nào tôi cũng chạy xe máy bất chấp mưa, nắng về TP. Hồ Chí Minh để học dẫn chương trình, học trang điểm truyền hình, học tất cả những gì có thể để phục vụ công tác chuyên môn, để cố gắng không phụ lòng Ban giám đốc - Ban biên tập đã dành cho mình. Phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của tôi đã được bù đắp với giấy chứng nhận xuất sắc của lớp dẫn chương trình cùng điểm 10 tròn trĩnh đã được Nhà văn hóa Thanh niên trao cho vào những ngày đầu của năm 2000. 

Với những khán, thính giả yêu mến làn sóng BPTV thì chỉ thấy hình ảnh của những biên tập viên, người dẫn chương trình luôn xinh đẹp, vui vẻ, tràn đầy năng lượng trong một “bộ cánh” hoàn hảo. Thế nhưng, ít ai biết rằng, để có thể làm tốt vai trò của mình, chúng tôi đã phải trải qua biết bao mồ hôi, nước mắt, kể cả những đêm lo lắng, mất ngủ, hồi hộp để chuẩn bị cho kịch bản trực tiếp ngày mai. Một tháng trước khi dẫn những chương trình trực tiếp trên sân khấu lớn, chúng tôi đã phải tính toán, chuẩn bị xem mình sẽ mặc trang phục nào cho phù hợp với nội dung chương trình. Trong quá trình làm việc, các MC phải tập trung cao độ khi lên sóng bởi chỉ cần lỡ lời, hay nói sai một điều gì đó thì bao công sức, cố gắng trước đó của chúng tôi đều “đổ sông đổ biển”. Cái khó của một biên tập viên, người dẫn chương trình là không cho phép mình nói sai, nói lắp, nói vấp trong các chương trình trực tiếp, mà nếu không đủ bản lĩnh sân khấu thì biên tập viên, người dẫn chương trình sẽ vô cùng bối rối trước áp lực có hàng trăm, hàng ngàn khán, thính giả, nhà tài trợ và cả rất nhiều lãnh đạo các cấp tham dự. 

Chưa kể, dẫn chương trình còn được xem là một nghề khó nhằn, bởi chúng tôi phải “làm dâu trăm họ”. Một biên tập viên, phát thanh viên phải chấp nhận nghe lời khen, tiếng chê từ hàng trăm ngàn khán, thính giả khác nhau. Và điều quan trọng là chúng tôi phải biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ những khán, thính giả của mình thì mới có thể trụ vững với nghề.

Giờ đây, quãng thời gian 23 năm gắn bó với chiếc mic và ống kính với biết bao kỷ niệm vui buồn, kể cả những lần phải đối mặt với tai nạn nghề nghiệp, tôi thấy mình rất may mắn khi có duyên phận với nghề báo và tiếp tục được phát huy vai trò của một biên tập viên, một người dẫn chương trình. Tôi luôn trân trọng những khoảnh khắc mỗi ngày được trò chuyện với các khán, thính giả trên sóng BPTV và làn sóng FM tần số 89,4 Mhz. Tôi luôn thấy mình rất hào hứng khi được chia sẻ những kinh nghiệm nghề nghiệp với các đồng nghiệp trẻ mới vào nghề. Bởi tôi biết, điều khắc nghiệt nhất của một người dẫn chương trình phát thanh - truyền hình đó chính là thời gian. Một khi thanh xuân đã qua đi thì cũng là lúc biên tập viên, phát thanh viên phải chấp nhận lui vào hậu trường để nhường chỗ cho lớp trẻ kế thừa.

  • Từ khóa
143586

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu