Thứ 5, 09/05/2024 20:57:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 14:00, 09/02/2024 GMT+7

MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

Giờ trừ tịch

Lê Thảo
Thứ 6, 09/02/2024 | 14:00:38 2,436 lượt xem
BPO - Chiều 30 tết, trời chập choạng tối. Bữa cơm của gia đình tôi vừa bày ra thì thằng con nhìn chén nước thịt kho trộn củ kiệu đỏ ớt, hít ha, hít hà...

Tôi vừa lên tiếng “Mình ăn thôi”, thằng con tôi vội ngồi xuống cầm miếng bánh tráng, vừa cuốn vừa khen chén nước chấm ba làm hấp dẫn quá! Vợ tôi cười tủm tỉm, nói: 

- Con cứ khéo nịnh ba mầy! Mà nay ba mầy kho nồi thịt ngon thiệt! Thịt thơm, mềm, nước thịt thì sóng sánh, màu đỏ au...

Được nước, tôi tự tâng bốc mình: 

- Bí quyết hết đó nhe! Nồi thịt thơm, đỏ thì năm mới gia đình mình sẽ đỏ, may mắn cả năm đó!

Bữa cơm chiều cuối năm trong gia đình nhỏ của tôi thật đầm ấm, đoàn viên. Hạnh phúc, đơn giản chỉ là vậy! Cuộc sống hiện đại ít nhiều đã làm mất dần những bữa cơm gia đình mà trên mâm cơm đó là để “học ăn, học nói, học gói, học mở” ông bà xưa kia từng răn dạy con cháu. Mâm cơm chiều 30 tết càng mang nhiều ý nghĩa về văn hóa và triết lý nhân sinh hơn từ hình ảnh người mẹ ngóng trông đứa con xa nhà chưa thấy về...

Trời se lạnh, bày mâm cúng giao thừa trước nhà, tôi chợt nhớ về những tết xưa...

* * *

Nhà có mấy cái giỗ trong năm, nhưng giỗ ông nội là bà con xa, gần về đông đủ nhất. Sau giỗ nội là tết, nên đây cũng là dịp gia đình tôi và bà con dòng họ bàn nhau về ngày tết, trước hết vẫn là chọn ngày giẫy cỏ mả...

Mâm cúng giao thừa

Tảo mộ, ở Nam Bộ có cách gọi nôm na là giẫy cỏ mả. Thường từ tết ông Táo 23 âm lịch là lúc mọi người tiến hành giẫy cỏ mả cho mộ phần người thân. Những dòng họ đông con cháu, thường do một vị trưởng tộc, có vai vế lớn đứng ra quy định ngày giờ để con cháu tụ hội về tham gia. Đây cũng là dịp để bà con dòng họ biết thêm những người con, người cháu hay dâu rể trong dòng tộc và nghe những lời răn dạy từ người trưởng tộc ngay trước mộ phần tổ tiên... 

Ngồi trong bàn giỗ chính giữa nhà, ông Bảy từ tốn nói: 

- Tết này, ông tính 25 tháng Chạp giẫy cỏ mả. Sài Gòn ông dìa sớm để mình làm cho mát. Tụi con báo cho con cháu mình sắp xếp về đông đủ nhe. Sáng mùng 1 ông sẽ đi thăm nhà bà con mình. Ông cũng lớn tuổi rồi, một hai năm nữa ông không đi nổi nữa thì giao trách nhiệm này cho thằng Năm nhe...

- Dạ!

Ba tôi nhẹ nhàng tiếp nhận những lời căn dặn của ông... Khi đó, tôi biết anh em tôi cũng có thêm phần trách nhiệm trong những ngày tết đến...

30 tết, anh em tôi quây quần cùng má gói bánh. Má tôi dặn:

- Ông Bảy khó tính nhưng rất thương mấy đứa bây. Ông nuôi mấy đứa bây từ nhỏ đó. Mấy đứa làm nếp, làm bột nhiều nhiều để gói thêm vài đòn bánh... Mùng 1 tết ông dìa thì có gửi biếu ông. Bánh ít thì làm nhân dừa nhiều chút, “xé râu” làm dấu, để dành cho thằng Ba. Nó thích bánh nhân dừa.

...Bánh chín, ba tôi bưng xửng bánh ít ra rồi vớt những cặp đòn bánh tét nóng hổi, thơm lừng đem vô đưa cho má chuẩn bị mâm lễ cúng giao thừa...

Mâm lễ cúng giao thừa ở miền Nam không cầu kỳ, chỉ là một ít giấy tiền vàng bạc, muối, gạo, thèo lèo, bánh mứt, dĩa trái cây, vài khoanh bánh tét, 3 chung rượu, chung trà và không thể thiếu 1 trái dừa được chọn lựa sao cho tươi, cho đẹp. Má tôi nói, nước dừa vừa ngọt vừa mát mang lại điều tốt lành trong năm mới, chữ dừa đọc trại kiểu miền Nam còn có ý cầu mong một năm mới mọi việc đều vừa ý, vừa lòng... Má tôi còn nói, lễ vật chỉ là hình thức, không cần cao sang, nhưng phải tươm tất, đàng hoàng và thành tâm. 

...Ngoài sân trước nhà, bàn hương lễ cúng giao thừa đã chuẩn bị tươm tất. 

Giờ trừ tịch đã điểm, ba tôi bước ra rót mấy chung rượu cất tiếng gọi: 

- Má mầy đâu rồi! Ra cúng nè bà ơi…!

Má tôi vội bước ra mà mắt vẫn ngóng trông ngoài cổng nhà...

- Vậy là thằng Ba tết này đã không về!...

 * * *

...Lần lượt đến từng máy phát thanh, phát hình để kiểm tra các thông số và tín hiệu phát ra... Tôi lại ghi chép cẩn thận về tình hình ca trực đêm giao thừa...

Thằng Sáu ngồi bên, mắt vẫn dán vào từng chiếc monitor vừa theo dõi chương trình phát sóng vừa hỏi tôi: 

- Anh Ba đã bao giờ đón giao thừa xa nhà chưa?

- Đây là năm đầu tiên, mình không ở nhà để đón giao thừa cùng gia đình. Cũng là lần đầu tiên đón tết trên đỉnh núi này. Còn Sáu?

- Em đã từng có những cái tết xa nhà khi còn ở bộ đội. Nhưng cũng là lần đầu tiên đón giao thừa trên núi. Cảm giác nghe lạ và nhớ nhà nhiều hơn anh à.

Tiếng rột rẹt, ồ ồ từ cái máy bộ đàm vang lên, thằng Sáu nhanh tay cầm máy, vừa nói: 

- Hôm nay sếp gọi trễ hơn mọi ngày.

“Dạ, tụi con nghe đây chú Bảy! Chú chuẩn bị tết tới đâu rồi?".

Thằng Sáu chuyển máy cho tôi nói chuyện với chú Bảy, cứ mỗi lần: “Bấm nói, nhả nghe” là kèm theo tiếng rít rẹt rẹt xen lẫn giọng nói trầm trầm, ấm áp chú Bảy dặn dò, động viên anh em ở lại trực tết trên ngọn núi này.

Kết thúc cuộc gọi với chú Bảy, tôi lại chuyển tần số để gọi ca trực ở dưới đồi - nơi cũng còn 5, 6 anh em kỹ thuật không nghỉ tết, ở lại để làm nhiệm vụ.

- Anh em ở đó nhớ thường xuyên theo dõi nguồn điện, kiểm tra tín hiệu thu nhe… 

Anh Hai, người có tuổi lớn nhất trong số các anh em trả lời:

- Anh Ba yên tâm! Anh em đều đủ mặt ở đây. Mâm cỗ cúng giao thừa cũng đã chuẩn bị xong.

Lần đầu tiên, anh em tụi tui đón tết ở núi, trong ngôi nhà chung ở giữa đồi này. Đón tết đầu tiên ở núi, tụi tui cũng đã cùng nhau quét dọn và trang trí cho đẹp hơn, cũng có cặp dưa đỏ bên mâm ngũ quả, cũng có “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”. Và cũng không quên cắm những cành mai vàng người dân dành tặng.

...Gác chiếc máy bộ đàm, tôi quay sang thằng Sáu dặn theo dõi giờ, để lấy đầu băng video, chuẩn bị cho chương trình phát sóng đặc biệt đón giao thừa.

...Giờ trừ tịch đã đến gần, tôi bưng mâm lễ cúng giao thừa ra ngoài sân...

Đêm 30 trên đỉnh núi, có lẽ càng tối hơn bởi cây rừng và màn sương bao phủ. Đất và trời có lẽ cũng gần nhau hơn, như đang hòa quyện, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Giờ trừ tịch đã điểm, trong tiết trời lạnh buốt và tĩnh lặng của núi rừng, bên mâm cúng giao thừa giữa ngọn núi cao, tôi thắp 3 nén hương trầm khấn lễ mà lệ rưng rưng bên khóe mắt.

Tôi biết, giờ này má vẫn đang ngóng đợi và trách thầm “Vậy là tết này thằng Ba đã không về!...".

* * *

- Ba ơi, khi nào cúng giao thừa, ba kêu con nhe!

Giọng thằng con trên gác vọng xuống làm ngắt đi dòng hồi tưởng của tôi về những tết xưa. Chữ “trừ tịch” giờ cũng đã xưa, khi ít nghe tụi nhỏ nói, mà có lẽ tụi nó cũng không biết rõ nguồn gốc của những câu chuyện dân gian xưa trong giờ trừ tịch.

Hồi đó, cứ mỗi khi tết đến, cả nhà thường quây quần để gói bánh. Ba tôi và thằng Út là chuyên gia đào lỗ để làm lò đất đặt nồi bánh. Má tôi thì chỉ huy mấy đứa con cắt lá chuối, vo nếp, nạo dừa, ướp thịt làm nhân bánh... Tất cả công đoạn công phu đó phải chuẩn bị từ sáng 30 tết để kịp nấu và canh sao cho trước giờ giao thừa thì bánh chín, để lấy ra cúng. Mỗi lúc ngồi quây quần như vậy, tôi lại được nghe kể...

Tục xưa rằng, mỗi năm có các vị thần của thiên đình là ông Hành khiển (quan văn), Hành binh (quan võ) và Phán quan (như thẩm phán tòa án) được Ngọc Hoàng cử trông coi việc nhân gian. Hết năm, vào giờ trừ tịch (trong giờ Tý, khoảng từ 23 giờ 30 phút đến 0 giờ 30 phút), các vị thần mới sẽ đến trông coi. Nên các gia đình ở chốn trần gian phải chuẩn bị nghi lễ và vật phẩm để cúng tế tiễn đưa các vị thần cũ và nghênh đón những vị thần mới.

Chuyện xưa nghe có vẻ tâm linh, nhưng trong sâu thẳm thật thiêng liêng và là nét đẹρ văn hóa cội nguồn dân tộc.

Giờ trừ tịch đã điểm, đâu đó có vài tiếng pháo nổ làm ngắt dòng suy nghĩ miên man của tôi về những câu chuyện tết xưa.

...Cùng với gia đình, bên mâm cúng giao thừa, thắp nén hương trầm, chúng tôi nguyện cầu những điều may mắn, tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

...Đâu đó, trong làn gió xuân nhẹ đến, có tiếng thì thầm của má tôi: “Tết này, trước ngõ nhà, chỉ mình ba mầy khấn nguyện!”.


Xuân Giáp Thìn 2024

  • Từ khóa
188270

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu