Thứ 6, 05/07/2024 14:12:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 04:26, 11/08/2023 GMT+7

CHÀO MỪNG HỘI NGHỊ VĂN HÓA TỈNH BÌNH PHƯỚC NĂM 2023

Triết lý phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn Bình Phước

Thứ 6, 11/08/2023 | 04:26:42 1,942 lượt xem

TS. Nhị Lê
Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

BPO - Càng tiến vào thế kỷ XXI, khi lịch sử phát triển của thế giới là lịch sử ngắn hạn. Lịch sử phát triển của thế giới (và đất nước hiện nay) là lịch sử của sự phát triển ngắn hạn, nhất là về kinh tế. Một ngày kinh tế có thể thăng tiến bằng cả mười năm, thậm chí cả trăm năm, với tốc độ vũ bão. Người ta có thể đạt được sự tăng trưởng, thậm chí nhảy vọt về kinh tế, chỉ trong vài chục năm. Nhưng, để có một nền văn hóa lại đòi hỏi nhiều trăm năm, thậm chí cả ngàn năm. Một dân tộc sẽ không thể gọi là dân tộc hoàn thiện khi không có văn hóa dân tộc, dù kinh tế có thể đạt được mức tăng trưởng kinh ngạc nhất thời nào đó. Bài học lịch sử của những quốc gia hoạch phát, hoạch tàn về kinh tế và xã hội đều cho thấy, họ thường thiếu một triết lý văn hóa về phát triển, cụ thể hơn là một nền văn hóa của sự phát triển bền vững.

Trước bối cảnh mới, thực tiễn mấy chục năm qua và đặc biệt 37 năm đổi mới càng cho thấy, trong quá trình phát triển, phải bảo đảm sự cân bằng và hài hòa một cách toàn diện giữa các phương diện phát triển chính trị - kinh tế - văn hóa và xã hội, chưa bao giờ như bây giờ, chúng ta cần một triết lý phát triển Việt Nam. Tất cả công việc đổi mới, sáng tạo, chúng ta phải nhằm tới kiến tạo triết lý văn hóa của sự phát triển bền vững Việt Nam. Nghĩa là, chúng ta phải vươn tới xác lập một nền văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn, với nền tảng là bản sắc văn hóa dân tộc và hiện đại - và xung lực là kinh tế tri thức, kinh tế số - và môi trường sinh thái phát triển hài hòa, bảo đảm sự ổn định toàn vẹn nền chính trị đất nước trên con đường phát triển xã hội chủ nghĩa, trong thời đại ngày nay.

Bình Phước không nằm ngoài xu thế ấy.

Có thể khái lược, địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa, địa ngoại giao và địa quân sự mà linh hồn là văn hóa rừng - văn hóa lịch sử - văn hóa tâm linh - văn hóa đa sắc tộc - văn hóa giữ nước - văn hóa ngoại giao kết tinh và hội tụ làm nên một nền văn hóa Bình Phước mở, cầu thị, tiếp biến, thích ứng, thống nhất trong đa sắc thái độc đáo trở thành cái nôi làm nên tư chất, tầm nhìn, vị thế và sức mạnh  của Bình Phước xưa nay, với nhân tố căn bản và trung tâm là con người Bình Phước mềm dẻo, tinh tế, hài hòa, kiên cường, khẳng khái, khoan dung, nhân văn và hòa mục.

Đó là những nhân tố làm nên vị thế, lợi thế, sức mạnh mà sâu hơn là tiền đề kiến tạo và phát triển văn hóa chính trị, văn hóa dân tộc, trực tiếp là văn hóa kinh tế, văn hóa ngoại giao, văn hóa trong chính văn hóa… để xây dựng và thực thi triết lý phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn Bình Phước.

Thực tiễn đã và đang chứng minh, trước yêu cầu phát triển cấp thiết từ những năm 90 của thế kỷ XX, Bình Phước không thể không thay đổi, bắt đầu từ tư duy, tầm nhìn, quyết định chính trị và tổ chức hành động phát triển. Nghĩa là, bắt đầu từ văn hóa để đổi mới tư duy, tầm nhìn, lựa chọn phương thức và giải pháp giải quyết tổng thể; lấy văn hóa, trước hết là văn hóa chính trị làm quyết sách đột phá chiến lược và đồng thời lấy văn hóa cộng đồng 41 dân tộc anh em làm nền móng và lòng tin của nhân dân làm nền móng và động lực cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội…

Do đó, càng rõ ràng, kiên định quan điểm văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển, những năm qua Bình Phước kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn.

Trước yêu cầu phát triển mới, sau hơn 26 năm tái lập, càng đòi hỏi Bình Phước tiếp tục đổi mới về tầm nhìn và định vị phát triển chiến lược.

Văn hóa ngày càng là cội nguồn của mọi mục đích và động cơ phát triển kinh tế, ngày càng trở thành nền tảng tinh thần - xã hội; đến lượt nó, sự phát triển của kinh tế trở thành tiền đề vật chất quan trọng, một điều kiện cơ bản để văn hóa phát triển với xu hướng ngày càng thống nhất và hiệu quả; và văn hóa có sức đề kháng, trước sự xâm lăng văn hóa từ bên ngoài, phù hợp với yêu cầu phát triển của Bình Phước. Việc phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế, nhất là tăng trưởng kinh tế, luôn được xem là một quá trình có tính chính trị và văn hóa trước khi là một quá trình kinh tế và công nghệ hay văn hóa đơn thuần, cục bộ, để tránh quy luật “kinh tế vì kinh tế”, “tiền vì tiền”, “vì kinh tế, bất chấp đạo lý”, “vì lợi nhuận, chà đạp tất cả”; hay văn hóa chỉ là “cái đuôi của kinh tế”, “ăn theo kinh tế”, hay là thứ “văn hóa vay mượn”, “văn hóa nhập khẩu”, “văn hóa lai căng”…

Diễn đạt một cách hình ảnh, mọi quyết sách kinh tế luôn được xem xét trước hết là một quyết sách có tính văn hóa, chính trị và xã hội, trước khi là một quyết sách kinh tế đơn thuần; và đến lượt văn hóa cũng vậy, mỗi quyết sách phải thấm đẫm tính chính trị, tính kinh tế và tính nhân văn xã hội.

Thực tiễn 37 năm đổi mới càng cho thấy, con người phải là trung tâm của sự phát triển và mọi sự phát triển phải xoay quanh con người, chứ không phải ngược lại. Đây phải là tư tưởng phát triển kinh tế, phát triển văn hóa và phát triển xã hội Bình Phước. Vì, suy cho cùng, chính trị hướng tới phụng sự con người, kinh tế phải vì con người, văn hóa chính là con người, cho nên con người vừa là chủ thể vừa là trung tâm vừa là mục tiêu của mọi sự phát triển.

Theo đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm thúc đẩy thực hiện 3 đột phá chiến lược. Đặc biệt, chủ động chăm lo phát triển con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Bình Phước, đảm bảo công tác an sinh, phúc lợi xã hội, giảm nghèo, nhân lên sức mạnh lòng tin của nhân dân làm nền tảng căn bản, là động lực chủ yếu của mọi sự phát triển. Hơn lúc nào hết, hiện nay cần nhấn mạnh, mọi quyết sách nếu không bắt đầu từ văn hóa, từ con người và không vì văn hóa, vì con người thì chắc chắn nhất định thất bại. Nếu trái thế, đó chính là tầm nhìn thiếu văn hóa, là vô hình hạ thấp văn hóa và khi đó chắc chắn thất bại, ngay từ trong phát triển kinh tế, phát triển xã hội với vai trò trung tâm là phát triển con người; và, càng không thể nói tới văn hóa vừa là nền tảng vừa là động lực của phát triển xã hội và con người, càng không thể kiến tạo xứng đáng triết lý của sự phát triển chiến lược mạnh mẽ, bền vững và nhân văn Bình Phước hiện tại và tương lai.

Do đó, gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, ở mỗi chính sách và trong suốt quá trình phát triển.

Nhưng, toàn bộ đời sống của con người và sự phát triển của đất nước không chỉ có vậy và cũng không phải chỉ thuần túy có quan hệ con người với con người về mặt xã hội. Vì, với cả xương, thịt và bộ não của chúng ta, là thuộc về giới tự nhiên và chúng ta nằm trong giới tự nhiên, không thể “sống bên ngoài giới tự nhiên”. Quan hệ giữa con người với tự nhiên là đặc tính thứ hai tất yếu cùng với quan hệ về mặt xã hội của con người, trên con đường phát triển. Trong phát triển, các yếu tố xã hội, mối quan hệ giữa con người với con người có ý nghĩa quan trọng không kém các yếu tố tự nhiên, mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Nhưng, không thể giải quyết tốt mối quan hệ giữa con người với tự nhiên nếu không giải quyết tốt mối quan hệ giữa con người với con người.

Đó là hai mặt của vấn đề phát triển hiện đại mà Bình Phước cần nắm lấy và phát triển sáng tạo.

Bình Phước muốn phát triển bền vững phải vì nhân dân và do nhân dân; kết hợp yêu cầu của sinh thái tự nhiên với yêu cầu của sinh thái văn hóa, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo đảm chất lượng cuộc sống cho mọi người và công bằng xã hội. Nghĩa là, phải nhằm tới bảo đảm tính công bằng (về phương tiện và cơ hội tìm việc làm, thu nhập, sử dụng tài nguyên và mức sống), bảo đảm tính bền vững (bảo vệ tài nguyên sinh thái) và vì mọi người (không gây phân cách và xung đột xã hội, mọi người được lao động và hưởng thụ thành quả lao động của mình, được tôn trọng nhân cách...). Nghĩa là, kết hợp hữu cơ giữa “cái kinh tế” và “cái xã hội” với “cái môi trường sinh thái”, trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phải bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và sinh thái vì lợi ích của mỗi người và của toàn xã hội hiện nay và mai sau, nhằm tránh cuộc tái khủng hoảng kinh tế - xã hội hoặc các cuộc khủng hoảng có tính cục bộ trên con đường phát triển.

Qua đổi mới, kinh nghiệm lớn ở đây là, càng tôn trọng sự phát triển một cách độc lập, sáng tạo và tự do bao nhiêu vì mục tiêu bảo vệ và phát triển lợi ích cộng đồng thống nhất thì chừng đó càng đạt được sự phát triển chung một cách mạnh mẽ, bền vững và nhân văn bấy nhiêu. Do đó, việc nghiên cứu xây dựng và phát triển Hệ giá trị con người Bình Phước cần giữ vị trí trung tâm trong chỉnh thể xây dựng và phát triển môi trường văn hóa kinh tế, văn hóa chính trị, văn hóa và con người văn hóa, ở mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, gia đình và mỗi cộng đồng.

Để khẳng định vị thế, tư chất và phát huy sức mạnh văn hóa Bình Phước, phải chăng cần tiếp tục khẳng định và phát triển hệ giá trị gồm 8 nhân tố là rường cột và linh hồn của văn hóa phát triển Bình Phước: Cầu thị - Mềm dẻo - Tinh tế - Hài hòa - Khẳng khái - Khoan dung - Danh dự - Hòa mục?

Kinh nghiệm thành công của các nước phát triển càng chỉ rõ và khẳng định, bất cứ một quốc gia, dân tộc nào muốn phát triển bền vững, không thể đi bằng một đôi chân khập khiễng, mà suy cho cùng, chỉ bằng văn hóa hoặc bằng kinh tế, dù xét theo nghĩa rộng nhất hay hẹp nhất của những vấn đề này. Không thể nói tới sự phát triển cân bằng, bền vững nếu chỉ khi đạt được sự thành công về văn hóa (dù một cách độc lập hay giữ vị thế đi tiên phong xã hội) hoặc chỉ khi kinh tế tăng trưởng ngoạn mục (dù mang tính quyết định hay cơ bản và quan trọng tới đâu) và ngược lại.

Về hành động, trong rất nhiều công việc lớn mang tầm chiến lược phải làm cần tiếp tục:

Trước hết, phát triển văn hóa chính trị nhằm đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm khắc và nhân văn cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Mỗi người là một nhân cách văn hóa và mỗi cán bộ, đảng viên phải là một tấm gương văn hóa.

Thứ hai, đẩy mạnh quy mô và tốc độ chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với chuyển đổi phương thức phát triển từ bề rộng sang chiều sâu, từ cạnh tranh sang xác lập ưu thế trong các chuỗi giá trị; xác lập và bảo vệ tính tiên phong của các doanh nghiệp; nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu bất trắc một cách mạnh mẽ và nhân văn của nền kinh tế song hành với phát triển xã hội và hội nhập quốc tế.

Thứ ba, gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu phát triển kinh tế với phát triển xã hội với hạt nhân là con người, chăm lo và phát triển văn hóa bản sắc; đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần xã hội theo các tiêu chí của “hạnh phúc”.

Có thể khái lược 5 nhân tố: Viễn kiến - Tiếp biến - Bản sắc - Dung hợp và Phát triển, vì sự phồn vinh của Bình Phước và hạnh phúc của nhân dân là triết lý văn hóa phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn Bình Phước từ hiện tại hướng tới tương lai trong tầm nhìn năm 2045.

Tất cả tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo; phát triển nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; xây dựng Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, có quy  mô kinh tế khá; và năm 2030, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, là “điểm đến hấp dẫn”, một trong những động lực phát triển của vùng Đông Nam Bộ; trong tầm nhìn hướng tới năm 2045, trở thành tỉnh phát triển, giàu mạnh, văn minh, nhịp bước cùng cả nước.

Đó chính là con đường phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn Bình Phước.

  • Từ khóa
175035

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu