Thứ 2, 20/05/2024 06:05:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:08, 05/07/2023 GMT+7

CHÀO NHÉ YÊU THƯƠNG!

Mẹ tôi dưới hàng cây cao su

Lương Ngọc Anh
Thứ 4, 05/07/2023 | 08:08:38 4,804 lượt xem
BPO - Ký ức tuổi thơ tôi về mẹ là một khoảng trời rợp bóng mát. Ở đó có rừng cây cao su bạt ngàn, còn mẹ thì cần mẫn khơi thông “dòng sữa” tạo hóa ban cho. Không chỉ là những giọt mủ tí tách rơi mà còn là mồ hôi của mẹ!

Mùa hè, mẹ hay chở tôi bằng chiếc xe Honda cũ đến vườn cây. Chặng đường dài mười mấy cây số, tôi ngồi sau lưng mẹ, cố gắng tập trung cao độ nhất để đếm từng hàng cây mà không thể nào đếm xuể. Bụi đỏ mù mịt. Ở Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) quê tôi ngày ấy, phần lớn người dân làm các công việc liên quan đến cây cao su, còn mẹ tôi là công nhân nông trường cao su.

“Đặc sản” của nghề cạo mủ cao su là dậy sớm, cái giờ mà người ta đang ngon giấc nhất trong chăn ấm. Mẹ tôi thường dậy lúc 3 rưỡi sáng, lục đục chuẩn bị dao cạo, thùng, đèn đội đầu, nhang muỗi, cơm sáng… nhẹ nhàng dắt xe ra xa rồi mới nổ máy để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của mọi người trong nhà. Tôi còn nhớ, có lần vừa nghe tiếng xe nổ máy, tôi bật dậy chạy theo khóc, đòi mẹ cho ra lô. Mẹ bảo vào nhà thay đồ lao động rồi mẹ cho đi, tôi vào thay xong thì mẹ đã đi từ lúc nào. Vậy là tôi hờn giận mẹ cả mấy ngày.

Mẹ không cho đi theo vì ở lô cao su lúc đêm là một màu đen như mực, chỉ lốm đốm ánh đèn của công nhân đang cạo mủ. Rắn, rết, bọ cạp, muỗi, côn trùng... nếu không cẩn thận, công nhân rất dễ gặp nguy hiểm… Lớn hơn một chút, tôi mới cảm nhận được việc cạo mủ vất vả như thế nào. Đêm hôm sương gió mà lưng áo mẹ ướt đẫm mồ hôi. Cạo mủ không đơn thuần đưa dao vào cạo là xong, người công nhân phải có kỹ thuật để cạo không bị phạm sâu vào da cây, cũng không được quá nông, đường cạo phải đều, “ngọt”, láng mịn, như vậy cây mới cho nhiều mủ. 

Năm tôi lên lớp 7, vì một vài lý do, mẹ không còn làm công nhân trong nông trường nữa. Mẹ đi cạo thuê cho các vườn cao su tư nhân, công sức bỏ ra cũng vậy nhưng thu nhập thấp hơn nhiều, lại không có các chế độ, chính sách như ở nông trường… Lúc đó, tôi đã đủ sức giúp mẹ bóc mủ tô, trút mủ. Có đổ mồ hôi lao động mới thấy rõ kiếm đồng tiền không dễ dàng chút nào. Mỗi lần ra lô phụ mẹ, tôi luôn đau đáu làm sao để gia đình thoát khỏi cảnh khó khăn; làm sao để đền đáp, bù đắp những vất vả, cực nhọc mà mẹ đã trải qua. Đó chính là động lực giúp tôi thi đỗ đại học.

Bốn năm học đại học ở thành phố tốn kém không ít. Số tiền gửi lên cho tôi mỗi tháng đều chắt chiu từ đồng lương mẹ đi cạo mủ thuê. Chưa bao giờ mẹ chậm đóng học phí cho tôi, hay than phiền gì về chi phí ăn học của tôi. Thực sự rừng cao su mênh mông, bạt ngàn đôi khi không còn là vẻ đẹp nên thơ, mộng mơ trong tôi nữa, mà nhiều thời điểm, tôi lại sợ nó. Tôi sợ bệnh nghề nghiệp làm hao mòn mẹ hơn nữa. Điều đó càng khiến tôi quyết tâm học tập. Kết quả là sau bốn năm ở giảng đường đại học, tôi tốt nghiệp thủ khoa. Đây là món quà ý nghĩa tôi dành cho mẹ. 

Thời gian thấm thoắt, mới ngày nào còn nhõng nhẽo theo mẹ ra lô, hiện tôi đã là thượng úy trong quân đội. Bộ quân phục tôi vinh dự khoác trên người có cả mồ hôi, công sức, sự kỳ vọng của mẹ trong suốt nhiều năm qua. Tóc mẹ đã có sợi bạc, khớp tay, khớp chân đôi khi đau nhức... Tôi hiểu rõ, bản thân càng trưởng thành thì bố mẹ càng già đi. Dù số lần về thăm nhà khá ít ỏi, song tôi luôn hướng về và dành sự yêu thương nhất đối với gia đình. 

Sau mấy chục mùa lá cao su rụng, mẹ tôi hiện đã nghỉ ngơi, chỉ làm công việc nội trợ và chăm sóc vài luống rau trước nhà. Ký ức tuổi thơ tôi về sự tảo tần của mẹ trong hàng cây cao su, là một mảnh ghép cuộc sống mang đến cho bản thân những bài học sâu sắc. Mỗi khi đi ngang qua lô cao su, hình ảnh mẹ lại hiện lên như nhắc nhở tôi hãy sống tốt từng giây phút mình đang có!

  • Từ khóa
172002

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu