Thứ 2, 20/05/2024 01:32:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:37, 23/05/2023 GMT+7

CHÀO NHÉ YÊU THƯƠNG!

Mấy đời bánh đúc có xương…

Lê Thị Nam Phương
Thứ 3, 23/05/2023 | 09:37:42 4,519 lượt xem
BPO - Cơn mưa chiều xối xả như trút đi mọi ngột ngạt và bức bối của những ngày nắng nóng vừa qua. Hôm nay đi làm tôi lại chẳng đem theo áo mưa. Giờ này, chắc mẹ đang ngồi bó gối nhìn ra sân để ngóng tôi, rồi chép miệng, con gái lớn rồi mà đểnh đoảng, bao giờ mới lấy được chồng. Nghĩ tới câu nói cửa miệng của mẹ, bất giác tôi phì cười.

Mẹ tôi chính hiệu một bà mẹ quê, quê từ cách ăn mặc, nói chuyện, đối đãi với mọi người. Quê ở đây không phải “quê cục” như người ta hay nói mà là cái nét của người ở quê, chân chất thật thà, nặng nghĩa tình… Ngày còn nhỏ, chúng tôi sống ở vùng quê miền Trung quanh năm nắng gió, mưa bão liên miên. Nhớ mãi năm ấy khi tôi 10 tuổi, vào tháng 7 âm lịch, mùa bão về, cả làng chống chọi được 3 cơn, đến cơn thứ 4 thì oằn lưng không gánh nổi.

Mưa dầm dề kèm theo gió giật suốt 10 ngày liên tục, nước dâng đến nửa nhà, cả nhà xúm nhau leo lên gác mái đờ đẫn nhìn dòng nước nhấn chìm, cuốn trôi mọi thứ hoa màu đến vật dụng sinh hoạt trong nhà. Tài sản ít ỏi mà ba mẹ tôi kịp mang theo là chiếc đài để nghe tin bão. Suốt mấy ngày liền cả nhà ăn mì sống thay cơm. Tôi thấy nỗi buồn dâng đầy mắt mẹ, nhưng tuyệt nhiên mẹ không hề tuyệt vọng, vẫn động viên cả nhà cố gắng rồi mọi chuyện sẽ qua.

Nước rút, dân làng lại bắt đầu cuộc sống với nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đàn ông trong làng sau khi thu vén ngôi nhà sau cơn bão đã lần lượt kéo nhau vào miền Nam làm thuê đủ mọi công việc để có tiền gửi về quê trang trải việc nhà, lo cho con cái đi học. Nhà tôi rất nghèo, nhưng mẹ luôn ưu tiên việc học của các con lên hàng đầu. Việc đầu tiên mẹ làm sau bão là lo sắm sửa lại sách vở, quần áo cho chị em tôi đến trường.

Những ngày cha đi làm xa, mẹ gánh vác tất cả công việc nhà, rồi việc đồng áng. Mảnh vườn nhỏ được mẹ trồng đủ thứ cây ăn trái, toàn thứ quà quê nhưng với chúng tôi lúc ấy là cả một bầu trời mơ ước. Mẹ đặc biệt yêu quý cây chanh giấy, đó cũng là nguồn thu đáng kể của nhà tôi. Trái chanh giấy to, vỏ mỏng và mọng nước hơn các loại chanh thường lúc ấy nên rất được mọi người ưa chuộng. Nhờ cây chanh ấy mà chị em tôi có thêm tấm áo mới ngày tết.

Cha tôi đi làm xa được 3 năm thì bệnh nặng rồi về hẳn. Mẹ chăm sóc cha được thêm 2 năm nữa thì cha mất trong một ngày mưa dầm đầu hạ. Mẹ lo cho cha chu toàn mọi thứ, suốt những ngày cuối cùng của cha, mẹ tuyệt nhiên không rơi nước mắt. Có lẽ mẹ đã chuẩn bị tâm lý cho sự chia xa và cũng có lẽ mẹ không muốn các con gục ngã nên phải gồng mình cứng rắn.

Mẹ đã thay cha chăm sóc, nuôi dạy 2 chị em tôi nên người. Tôi là con riêng của cha và chị là con riêng của mẹ. Cha mẹ tôi "rổ rá cạp lại" khi cả hai từng gãy gánh giữa đường. Ấy vậy mà chẳng ai nghi ngờ gì về mối quan hệ của chị em tôi. Bởi mẹ luôn dành tình yêu thương vô bờ bến với chúng tôi, không bao giờ có sự phân biệt đối xử.

Mẹ kể rằng, khi quyết định gá nghĩa cùng cha, mẹ đã suy nghĩ rất nhiều. Nhưng sau khi nhìn thấy đôi mắt tròn xoe của tôi nấp sau vạt áo cha rón rén, thì từ giây phút ấy trái tim mẹ như tan chảy vì mẹ cũng có một người con gái. Mẹ đã quyết định coi tôi là con của mẹ và mẹ đã làm tất cả có thể để dung hòa mối quan hệ và tình cảm 4 người trong gia đình. Và tôi, một cách rất tự nhiên đón nhận mẹ.

Dân gian có câu “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”. Với tôi, câu nói đó hoàn toàn không đúng, mẹ con tôi đã bên nhau suốt hơn 30 năm với bao kỷ niệm. Tôi không có khái niệm về mẹ ghẻ, mẹ chỉ là mẹ thôi, một bà mẹ quê với tâm hồn thánh thiện, miệng vẫn nhai trầu đỏ quạch, tóc quấn khăn nhung thành vành và đặc biệt luôn yêu thương chúng tôi bằng tình cảm không thể nào diễn tả hết bằng lời.

  • Từ khóa
168386

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu