Thứ 2, 20/05/2024 01:32:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 06:38, 22/05/2023 GMT+7

CHÀO NHÉ YÊU THƯƠNG!

Ðôi áo chàm của mé (*)

Thứ 2, 22/05/2023 | 06:38:08 4,339 lượt xem

Bắc Kạn có suối đãi vàng

Có hồ Ba Bể có nàng áo xanh

Câu ca dao đó, tôi không biết đã thuộc từ bao giờ. Ngày còn bé, mỗi khi nghe trên đài phát thanh chương trình “Then Tày Bắc Kạn”, tôi lại thấy bố lẩm nhẩm đọc câu ca đó. Có lần, tôi bất giác hỏi: “Nàng áo xanh là ai hả bố?”. Đang cầm khúc tre non trên tay, bố thoăn thoắt chẻ lạt, vừa mỉm cười nói: “Nàng áo xanh chỉ người con gái mặc áo chàm đó con”. Tôi thích thú khi nghe câu trả lời và chạy ngay vào buồng mang chiếc áo chàm còn nguyên nếp gấp dưới đáy hòm của mẹ ra. “Phải áo này là áo chàm không bố?”. Bố vội vàng bỏ con dao và cây lạt đang chẻ dở xuống đất đỡ lấy chiếc áo: “Cất ngay đi, mé về biết con đem ra sẽ bị ăn đòn đấy”. Tôi mau mắn cất vào vị trí cũ và thầm lo lắng nếu biết mé có đánh đòn không?

Mé tôi là người Tày ở Cao Bằng. Về làm dâu ở Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn đến giờ cũng đã bốn mươi năm, nhưng nỗi nhớ quê chưa bao giờ vơi trong lòng mé. Mé không nói ra nhưng những lần mé tư lự hoặc nhờ tôi mở chương trình hát then Cao Bằng, khi làn điệu then vang lên, khóe mắt mé ngấn lệ… Những lúc như vậy, tôi cảm thấy nghẹn ngào và thương mé vô cùng. Rồi có lần đột nhiên mé bảo: “Hôm nào mé mặc áo chàm, con nhớ chụp ảnh cho mé nhé!”. Vừa dứt lời, mé vào buồng lấy ra chiếc áo còn thơm mùi chàm. Cầm áo trên tay, mé run run xúc động. Đôi bàn tay gầy guộc, đầy những vết đồi mồi, nhăn nheo, đôi bàn tay hay lam hay làm ấy vuốt ve, nâng niu chiếc áo chàm. Tôi hiểu nỗi nhớ quê trong mé ăm ắp đến nhường nào.

Mé kể, thuở thiếu thời ở sơn cước vùng Cao Bằng, nơi mé sinh ra, lớn lên và gắn bó, mỗi lần theo bà ngoại đi chợ phiên, mé thường sà vào các hàng bán đồ khâu, thêu thùa. Mười tám tuổi, mé đã tự khâu cho mình đôi áo chàm, một chiếc màn và đôi gối bằng vải tơ tằm cũng tự tay mé dệt vải. Bà ngoại thường nói, con gái người Tày mà không biết khâu áo chàm truyền thống thì sẽ không ai lấy làm vợ. Khâu áo không chỉ thể hiện sự khéo léo qua từng đường kim, mũi chỉ mà còn nói lên được tính cách của người con gái đó. Không có hoa văn điệu đà, điểm xuyết như trang phục cổ truyền của các dân tộc khác như Dao, Nùng… nhưng áo chàm của người Tày vẫn mang nét đẹp duyên dáng riêng.

Mé tư lự, ngày trước làm cái gì cũng khó, thiếu thốn, tất cả đều nhờ vào đôi tay, nhất là việc nhuộm chàm. Vậy nên, người con gái nào có đôi tay màu chàm sẽ dễ được con trai để ý. Bởi đôi tay đó thể hiện sự đảm đang, khéo léo và nếu lấy được làm vợ sẽ biết thu vén gia đình. Nước chàm khi ngấm vào tay thì bám chặt các kẽ ngón không dễ ra, giống như cây chàm bám chặt vào quê hương. Cũng giống như người con gái cả đời quẩn quanh mùi chàm. Đôi bàn tay ấy mỗi khi xòe ra trông giống như hình lá sâu xâu năm cánh.

Ngày cưới em tôi, thay vì mặc áo cưới như bao cô dâu khác, mé lại khoác cho em bộ áo chàm. Mé bảo: “Ngày mé xuống sàn, không được mặc áo này. Bây giờ mé mặc cho con”. Nói xong, không cầm được nước mắt mé quay vào buồng khóc.

Ngày tôi được kết nạp vào hội văn học nghệ thuật của tỉnh, mé vui sướng như ngày biết tin mé có tôi. Mé yêu thơ ca, nhất là hát then. Ngày tôi đi nhận quyết định, mé đưa bộ áo chàm cho tôi và dặn: “Dù sau này có bao nhiêu áo quần mới, con nhớ đừng bỏ chiếc áo này đi. Con hãy cất giữ như cất những gì tốt nhất về mé”. Tôi nghẹn ngào nhận lấy. Mở ra trong túi nải là chiếc áo chàm, một quần sa tanh, chiếc khăn vuông vấn đầu, đai áo dệt bằng tơ tằm và đặc biệt chiếc vòng cùng bộ xà tích bằng bạc trắng. Tôi như thấy cả thời thanh xuân của mé. Hẳn mé ngày xưa cũng đẹp lắm. Nhìn từng đường kim, mũi chỉ, tôi cảm nhận được bao tâm sức mé dành cho chiếc áo. Bộ cúc bằng đồng càng cho thấy sự tỉ mỉ và coi trọng bộ áo Tày truyền thống đến chừng nào.

Giờ đây, mỗi khi có dịp, tôi lại tự hào khoác lên mình chiếc áo chàm thân thương và in đậm dấu tay mé; dường như vẫn ngửi thấy mùi chàm, mùi của núi rừng vương vấn đâu đây. Mặc áo chàm, lúc nào tôi cũng có cảm giác mé luôn bên cạnh, mỉm cười và khích lệ tôi viết nhiều hơn nữa về những điều mé đã dạy, những sắc màu văn hóa quê hương, để vươn cao, vươn xa đi đến mọi phương trời như ngọn gió đưa hương đi muôn nơi…

Muồng Hoàng Yến

(*) mé là cách gọi mẹ của người Tày

  • Từ khóa
168321

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu