Thứ 6, 17/05/2024 21:55:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:11, 03/12/2013 GMT+7

Nỗi niềm nhà văn hóa thôn, ấp

Thứ 3, 03/12/2013 | 16:11:00 867 lượt xem

Bình Phước hiện có 581 nhà văn hóa thôn, ấp nhưng chưa có nhà văn hóa nào đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. 95% trong số đó không có diện tích để sinh hoạt thể dục - thể thao, thiếu tường rào, không có chỗ vui chơi giải trí cho trẻ em. Riêng 20 xã điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có xã Tân Thành (TX. Đồng Xoài) và xã Thanh Phú (TX. Bình Long) có nhà văn hóa nhưng vẫn chưa đạt chuẩn.

NỖI NIỀM TỪ THÔN, ẤP

Năm 2003, già làng Điểu P Rang hiến 1,5 sào đất cùng 50 nọc tiêu để xây dựng nhà văn hóa cộng đồng thôn 1, xã Minh Hưng (Bù Đăng). Đây là một trong 214 nhà văn hóa cộng đồng được tỉnh đầu tư xây dựng từ năm 2003 đến 2005 với tổng kinh phí 100 triệu đồng. Với già làng Điểu P Rang, nhà văn hóa là nơi để thanh niên đến ca hát, người già uống rượu cần, đánh đồng la, là nơi trẻ em vui chơi. Xuất phát từ suy nghĩ ấy, gia đình ông không tính thiệt hơn, đã hiến 1,5 sào đất làm ngôi nhà chung cho thôn 1.


Đồng bào Xêtiêng ở xã Long Giang (TX. Phước Long) khát khao được bảo tồn, trưng bày các vật dụng mang tính truyền thống tại nhà văn hóa cộng đồng

Sau gần 10 năm xây dựng và đưa vào hoạt động, nhà văn hóa cộng đồng thôn 1 không còn phát huy tác dụng như già làng Điểu P Rang mong muốn. 10 triệu đồng đầu tư trang thiết bị như âm li, loa, bục phát biểu không còn sử dụng được. Nền nhà bị bong tróc. Bàn ghế và cửa ra vào cũng biến dạng. Hệ thống điện không thể sử dụng. Mỗi năm nhà văn hóa cộng đồng chỉ phục vụ 4 lần sinh hoạt của người dân trong thôn.

Xã Minh Hưng có 8 thôn, trong đó 2 thôn có nhà văn hóa, còn lại là hội trường thôn. Mặc dù là xã điểm trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng 8/8 thôn, ấp của xã Minh Hưng hiện chưa có nhà văn hóa nào đạt chuẩn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cấp xã cũng chưa có nhà văn hóa và trung tâm thể thao như tiêu chí nông thôn mới. Theo ông Trần Văn Tuyển, Phó chủ tịch UBND xã, cái khó của Minh Hưng là quỹ đất và kinh phí xây dựng nhà văn hóa, trong khi các tiêu chí dành cho nhà văn hóa thôn, ấp vừa nhiều, vừa cao nên khó thực hiện.

Đức Liễu là một trong 2 xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Bù Đăng. Thế nhưng toàn xã chưa có nhà văn hóa thôn, ấp nào đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. Cũng giống như 214 nhà văn hóa cộng đồng trên địa bàn tỉnh, nhà văn hóa cộng đồng thôn 9 đã xuống cấp trầm trọng. Nguồn điện phải câu nhờ từ hộ dân. Tuy nhiên, nhà văn hóa này đang duy trì hoạt động khá hiệu quả ở công việc khác. Đó là trường học dành cho con em thôn 9 ở tuổi mầm non. Để có chỗ cho con em đến trường, phụ huynh phải đóng góp 100 ngàn đồng/em sửa nền nhà. Do ở địa hình cao, sân đầy sỏi đá nên không thể làm sân thể thao. Từ đầu năm 2013 đến nay, ban điều hành thôn vận động được 16 triệu đồng, chỉ đủ đầu tư bàn ghế phục vụ hội họp trong thôn.

Cả thôn có 300 hộ thuộc 5 thành phần dân tộc Kinh, Xêtiêng, Tày, Nùng và người Hoa. Người Xêtiêng của thôn 9 vẫn còn lưu giữ cồng chiêng để phục vụ các dịp lễ hội trong năm. Tuy nhiên, văn hóa cồng chiêng của người Xêtiêng ở thôn 9 đang đứng trước nguy cơ mai một, bởi không có đất để diễn xướng - ông Trần Văn Sỹ, Trưởng thôn 9 trăn trở.

CẤP XÃ CŨNG THIẾU NHÀ VĂN HÓA

Giống như nhà văn hóa thôn 9 của xã Đức Liễu, nhà văn hóa thôn 7, xã Long Giang (TX. Phước Long) cũng gánh vai trò là trường học dành cho trẻ mầm non. Mặc dù lớp học này chưa được 10 học sinh nhưng có đến 3 độ tuổi mầm, chồi, lá ngồi chung. Long Giang hiện vẫn chưa có trường mầm non. Con em trong độ tuổi mầm non của xã đều phải học trái tuyến.

10 năm nhà văn hóa đi vào hoạt động là 10 năm già làng Điểu Lúc, Bí thư Chi bộ thôn 7 khát khao bộ cồng chiêng cho ngôi nhà chung của thôn. Thế nhưng đời sống người dân còn khó khăn nên không thể quyên góp đủ kinh phí để mua cồng chiêng. Đã đôi lần già làng Điểu Lúc kiến nghị với chính quyền xã hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân có cồng chiêng, giúp họ giữ lại không bán. Thế nhưng kiến nghị trên chưa được chấp nhận.

Ngoài cồng chiêng, các vật dụng mang tính truyền thống như gùi, nỏ, dao người dân có thể làm được. Nhưng một số nguyên liệu để làm nên những vật dụng mang tính truyền thống ấy hiện rất khó tìm. Điều đó làm cho việc trưng bày các vật dụng truyền thống của người Xêtiêng càng khó hơn. Xã Long Giang có 5 thôn, duy nhất thôn 7 có nhà văn hóa nhưng đang xuống cấp. Đây là xã điểm xây dựng nông thôn mới của thị xã Phước Long giai đoạn 2011-2015.

Xã Tân Thành (Bù Đốp) có 8 thôn, ấp, trong đó 3 ấp đã xây được nhà văn hóa. Ở cấp xã vẫn chưa có quỹ đất và kinh phí để xây nhà văn hóa. 3 nhà văn hóa ấp hiện vẫn dừng lại ở việc hoàn thành “cái khung”. Các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt của người dân gần như trống không. Nhà văn hóa ấp Tân Hội được xây dựng cách đây 5 năm với tổng kinh phí 325 triệu đồng. Sau 5 năm hoạt động vẫn chỉ có mỗi “vỏ”. Trước tình trạng trên, trưởng ấp đã vận động người dân đóng góp 113 cái ghế để phục vụ hội họp. Thế nhưng kẻ xấu lại đột nhập lấy trộm 100 cái nên mỗi khi họp, người dân phải tự mang theo ghế. Các hoạt động văn hóa, thể thao gần như không được tổ chức tại đây, nếu có chỉ vào dịp tết cổ truyền dân tộc - ông Trần Văn Dũng, Trưởng ấp Tân Hội buồn bã kể.

Bình Phước hiện có 851 nhà văn hóa, hội trường thôn ấp. 80% trong số đó không đạt chuẩn hoặc không đúng tên gọi. Riêng 214 nhà văn hóa cộng đồng được tỉnh đầu tư xây dựng năm 2003-2005 đã xuống cấp khá trầm trọng. Thậm chí nhiều nhà văn hóa không thể tiếp tục hoạt động vì không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng. Đây là những khó khăn trong thực hiện tiêu chí của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, rất cần được các cấp chính quyền, ngành chức năng tháo gỡ, giải quyết.              

Đông Kiểm

  • Từ khóa
47624

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu