Thứ 4, 01/05/2024 00:23:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:11, 09/11/2018 GMT+7

Thơm ngát những đóa hoa Trường Sơn

Thứ 6, 09/11/2018 | 06:11:00 1,005 lượt xem
BP - Chiến tranh đã lùi xa, các nữ thanh niên xung phong (TNXP) năm xưa nay đã ở tuổi xế chiều. Thế nhưng khi nhắc đến Trường Sơn cùng những năm tháng gian khó, hào hùng, họ vẫn khôn nguôi bao kỷ niệm cùng đồng đội đi vào tuyến lửa, vượt lên cái chết, chiến đấu vì hòa bình đất nước.

Tháng 8-1968, cô thôn nữ Bùi Thị Hoa (nay sống tại xã Tân Lập, huyện Đồng Phú), xã Thái Thành, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, mới 15 tuổi. Dáng người nhỏ nên khi bà xin đi TNXP bị người tiếp nhận quân là ông Nguyễn Văn Sình, ở cùng xã, đi TNXP năm 1965, đuổi về. Bà Hoa quyết định ở lại chờ tới khi được anh đồng ý. Khuyên nhủ “cô thiếu niên cùng xã” mãi không được, ông Sình đành tiếp nhận. Dọc đường hành quân từ Thái Bình đến Hà Tĩnh, vào ban đêm, anh Sình mang giúp bà Hoa ba lô đựng gạo, tư trang... để bà dần quen môi trường TNXP.

2 cựu TNXP Phạm Thị Sưởi (trái), Bùi Thị Hoa cùng ôn lại những kỷ niệm một thời hoạt động trên dãy Trường Sơn

Đến năm 1969, trước khi cùng đồng đội hành quân vào Km50 Trường Sơn (Quảng Trị) thực hiện nhiệm vụ, bà Hoa được biên chế vào đơn vị 44, Ban Xây dựng 67. “Khỏi nói chúng tôi tự hào như thế nào. Trên dãy Tường Sơn không có người ở, thiếu thốn, gian khó, bom đạn có thể rơi trúng đầu bất cứ lúc nào. Nhưng được nối tiếp các thế hệ đi trước xẻ dọc Trường Sơn, giúp xe bộ đội vào chiến trường miền Nam nhanh nhất có thể nên ai cũng muốn tiên phong” - bà Hoa nhớ lại. Cả đơn vị có 300 người, vào đến nơi lúc chập choạng tối. Sáng hôm sau, cả đội thực hiện nhiệm vụ thông đường. Do mở rộng đường rừng gặp trời mưa to, 6 chị em trong đội bà Hoa  bị rơi xuống vực do sạt lở núi. “Chúng tôi khóc vì thương đồng đội, vì căm thù giặc! Vừa bện dây rừng lần xuống vực đưa chị em lên vừa đào mộ đá ngay chỗ đơn vị đóng chân, ghép những thanh giường lại làm hòm..., lúc ấy chị em lại động viên càng phải kiên cường hơn. Xót xa nhất là đến nay, 6 ngôi mộ đá nằm gần nhau vẫn chưa tìm ra” - bà Hoa xúc động.

Tháng 5-1972, theo gương người cô của mình, thanh niên Phạm Thị Sưởi khi đó mới 17 tuổi cũng xin đi TNXP, sau đó được biên chế vào Đội 89, đơn vị 892, Ban Xây dựng 67, Sư đoàn 559. Đơn vị của bà Sưởi có 4 nữ TNXP hy sinh khi đi tuần tra đường bị vướng bom bi. Sau trận đánh bom ngày 19-8-1972, đơn vị (cùng một đơn vị pháo khác) bị trúng bom, 17 người hy sinh... Nay họ đã được các đồng đội lập bia tưởng niệm tại xã Lâm Sung, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Bà Sưởi bồi hồi: “Đối với mỗi TNXP, sợ nhất là khi nghe 5 tiếng súng báo hiệu, cho biết vừa có đồng đội hy sinh. Lúc ấy, chúng tôi càng phải kiên dạ hơn và ra sức làm việc để góp sức vào công cuộc giải phóng đất nước”.

Mở đường Trường Sơn, đóng quân ngay tại “cổng trời”, nơi giáp nước bạn Lào, bà Sưởi cùng đồng đội sớm quen cảnh: hái rau rừng làm thực phẩm hằng ngày, chia nhau từng lít nước suối, hoặc cảnh từng ngọn đồi cháy trụi do địch rải chất hóa học... Ngày nấp dưới hầm, hoặc sống trong hang núi. Đêm đến, khi nghe 3 tiếng súng hiệu lệnh, họ lại khoác dù phòng không, cầm đèn ló, lật đá (do bom giặc nổ quật xuống cửa hầm) ra ứng cứu đường, làm tiền tiêu cho xe bộ đội vượt núi...

Không thể kể hết những gian khó mà các cựu nữ TNXP đã trải qua trong những năm tháng mở đường trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Và nay, chúng tôi càng thêm tự hào về họ, bởi ngoài giúp đỡ cựu TNXP nghèo khó, mỗi năm các cựu TNXP không quản tuổi cao sức yếu, hoàn cảnh gia đình, trở về thăm lại Trường Sơn dịp các ngày lễ của đất nước. “Chúng tôi không mong muốn gì hơn là hằng năm được cùng nhau thắp nén nhang thơm tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh trên dọc dài dãy Trường Sơn. Còn sống ngày nào, chúng tôi còn tìm về an ủi hương hồn các đồng đội. Bởi đâu đây dưới gốc cây, bụi cỏ Trường Sơn, vẫn còn nhiều chị nằm lại, chưa về được với đất mẹ” - bà Đinh Thị Minh, Chủ tịch Hội Cựu nữ TNXP huyện Đồng Phú, xúc động cho biết.

Thơ Nhung

  • Từ khóa
24144

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu