Thứ 3, 30/04/2024 20:48:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:50, 29/01/2019 GMT+7

Linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện Đề án 999 ở Lộc Ninh

Thứ 3, 29/01/2019 | 06:50:00 1,740 lượt xem
BP - LTS: Ngày 10-4-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 999-QĐ/TU (Đề án 999) về thực hiện Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Tiếp đó, ngày 17-5-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 1017-QĐ/TU về những nội dung thực hiện Quyết định số 999-QĐ/TU của Tỉnh ủy đối với Huyện ủy Lộc Ninh - đơn vị điểm về sắp xếp tổ chức bộ máy. Sau gần 1 năm triển khai, với những bước đi thận trọng nhưng quyết liệt, huyện Lộc Ninh cơ bản thực hiện đầy đủ, toàn diện các nội dung Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao và đạt được những kết quả bước đầu rất khả quan, thiết thực, đáng mừng.

Về nhất thể hóa chức danh cấp trưởng, cấp phó

Đối với cấp trưởng, đến nay huyện đã thực hiện việc Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện; Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy kiêm Trưởng phòng Nội vụ - Lao động, Thương binh và Xã hội; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy kiêm Chánh thanh tra huyện; Trưởng ban Dân vận Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBMTTQVN; Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện kiêm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Lộc Ninh Trần Thị Ánh Tuyết và Chủ tịch UBND huyện Hoàng Nhật Tân trao quyết định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các cơ quan hợp nhất - Ảnh: P.T

Đối với cấp phó, huyện đã thực hiện sắp xếp 1 phó trưởng ban phụ trách công tác tuyên giáo; 1 phó trưởng ban là Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin; 1 phó trưởng ban kiêm Phó trưởng phòng phụ trách công tác đảng - thi đua khen thưởng, kỷ luật; 1 phó trưởng ban kiêm phó trưởng phòng phụ trách công tác tổ chức cán bộ; 1 phó trưởng ban kiêm phó trưởng phòng phụ trách công tác lao động, thương binh, xã hội và các lĩnh vực khác; 1 phó chủ nhiệm phụ trách công tác kiểm tra, giám sát; 1 phó chủ nhiệm phụ trách công tác thanh tra; 1 phó ban phụ trách công tác dân vận kiêm phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện; 1 phó ban là Phó chủ tịch UBMTTQVN; cơ cấu thêm 1 trưởng đoàn thể (Chủ tịch Hội Nông dân huyện) làm phó ban. Như vậy, sau sắp xếp, Lộc Ninh đã tinh giản 21 chức danh cấp trưởng, cấp phó.

Về sắp xếp các tổ chức cơ sở đảng, sau khi sắp xếp tổ chức, bộ máy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã sắp xếp lại đầu mối tổ chức cơ sở đảng. Cụ thể: Giải thể Chi bộ Phòng Y tế; Chi bộ Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Đồng thời, sáp nhập các tổ chức cơ sở đảng gồm: Chi bộ Ban Tổ chức, Chi bộ Phòng Nội vụ và Chi bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện thành Chi bộ Ban Tổ chức - Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội huyện; Chi bộ Phòng Văn hóa - Thông tin, Chi bộ Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Chi bộ Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện thành Chi bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện; Chi bộ Ban Dân vận, Chi bộ UBMTTQVN, Chi bộ Hội Nông dân - Chữ thập đỏ huyện thành Chi bộ Ban Dân vận - UBMTTQVN huyện; Chi bộ Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy và Chi bộ Thanh tra thành Chi bộ Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra huyện. Do đó, đến nay Lộc Ninh đã giảm được 9 tổ chức cơ sở đảng.

Sắp xếp lại cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp

Thực hiện Đề án 999, huyện đã sắp xếp, sáp nhập, thành lập, bãi bỏ các cơ quan, gồm: Hợp nhất Phòng Nội vụ và Phòng Lao động - Thương binh, Xã hội huyện thành Phòng Nội vụ - Lao động, Thương binh và Xã hội. Hợp nhất Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Đài Truyền thanh - Truyền hình, Nhà Thiếu nhi huyện thành Phòng Văn hóa - Thông tin. Sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện vào Trung tâm Y tế huyện. Thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện trên cơ sở sáp nhập Trạm Khuyến nông huyện, Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Trạm Chăn nuôi - Thú y. Tiếp nhận, thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện. Thành lập Văn phòng khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện; xã hội hóa Đội quản lý công trình đô thị huyện. Bãi bỏ Phòng Y tế, chuyển chức năng quản lý nhà nước lĩnh vực y tế về Văn phòng HĐND - UBND huyện. Sau khi hợp nhất, sáp nhập một số đơn vị, huyện Lộc Ninh đã tinh giản 7 đầu mối, gồm 2 cơ quan chuyên môn và 5 đơn vị sự nghiệp.

Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Lộc Ninh trao quyết định nghỉ hưu trước tuổi cho lãnh đạo Đài TT-TH, Phòng LĐ-TB&XH, Trạm Thú y và Khuyến nông - Ảnh: Phương Thảo

Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp giáo dục, các trạm y tế: Đến nay, huyện Lộc Ninh đã thực hiện sáp nhập 8 trường tiểu học, THCS thành 4 trường tiểu học và THCS ở các xã: Lộc Khánh, Lộc Phú, Lộc Hòa, Lộc An. Sắp xếp lại về mặt tổ chức và biên chế Trạm Y tế thị trấn Lộc Ninh và xã Lộc Thái theo hướng chuyển số người làm việc tại các trạm về Trung tâm Y tế huyện, phân công mỗi trạm 2 nhân viên làm công tác dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Như vậy, với việc sắp xếp này, huyện Lộc Ninh đã tinh giản 4 đơn vị sự nghiệp giáo dục và 2 trạm y tế.

Đối với xã, thị trấn, Lộc Ninh đã thực hiện mô hình bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch HĐND ở 2/16 đơn vị là xã Lộc Thái và Lộc Hòa; bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch UBND ở 2/16 đơn vị là xã Lộc Thành và Lộc Hiệp. Theo lộ trình đến năm 2020, Lộc Ninh sẽ thực hiện mô hình bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch UBND xã ở 5 đơn vị. Như vậy, huyện Lộc Ninh hiện đã tinh giản được 82/275 cán bộ không chuyên trách, bằng 29,81% (vượt 13,14% so với đề án yêu cầu). Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, huyện sẽ tiếp tục thực hiện tinh giản 56 cán bộ không chuyên trách còn lại, đồng thời bố trí công chức dự bị sang cán bộ không chuyên trách và hiện đã thực hiện được 7/7 trường hợp.

Đối với ấp, khu phố, Lộc Ninh đã thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng ban điều hành ở 32/131 khu dân cư, đạt 24,42%, đồng thời sắp xếp mỗi khu dân cư không quá 7 chức danh ở 29/131 khu dân cư, đạt 22,13%. Đặc biệt, qua việc sắp xếp này Lộc Ninh đã tinh giản 634 cấp phó các chi hội đoàn thể ở khu dân cư (đề án đề ra mục tiêu giảm 613/663 cấp phó các chi hội đoàn thể ở khu dân cư, trừ 50 khu dân cư đặc thù đông dân cư, đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn rộng). Hiện nay, huyện cũng đã xây dựng xong kế hoạch và báo cáo Sở Nội vụ để cho ý kiến trước khi thực hiện sáp nhập các ấp, khu phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định.

Cách làm mới, linh hoạt, sáng tạo

Trong quá trình thực hiện Đề án 999, cụ thể là trong quá trình sắp xếp lại nhân sự, tổ chức bộ máy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo thông qua việc triển khai thực hiện đồng bộ nhiều phương pháp. Đối với sắp xếp nhân sự, đây là khâu khó nhất, quan trọng nhất, quyết định sự thành công, hiệu quả của đề án, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xem xét, đề ra 6 nguyên tắc ưu tiên để sắp xếp: (1) Cấp ủy, trưởng phòng, cán bộ luân chuyển; 2) Thâm niên giữ chức vụ lãnh đạo; 3) Có 3 năm hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên tại thời điểm xem xét; 4) Xem xét các điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp với chức danh dự kiến bổ nhiệm; 5) Trong trường hợp tương đồng thì lấy phiếu tín nhiệm của tập thể cơ quan theo quy định; 6) cán bộ dôi dư được quan tâm, ưu tiên xem xét bố trí khi có nhu cầu về công tác cán bộ. Sau đó, Ban Thường vụ Huyện ủy mới đưa ra xem xét từng vị trí để lựa chọn nhân sự cụ thể, nhằm đảm bảo tính khách quan, dân chủ, minh bạch để đạt mục đích cuối cùng là lựa chọn đúng người, bố trí đúng việc.

Đối với sắp xếp các chức danh ở khu dân cư, Ban Thường vụ Huyện ủy đã định hướng chung cho các xã, thị trấn triển khai thực hiện, đảm bảo không quá 7 chức danh/khu dân cư và giảm số lượng cấp phó. Cụ thể, bí thư chi bộ kiêm trưởng ban điều hành. Riêng các chức danh sau tùy điều kiện của từng ấp, khu phố sẽ bố trí kiêm nhiệm thêm các chức danh đoàn thể ở khu dân cư, gồm: Trưởng ban công tác mặt trận, phó ban điều hành, ấp đội trưởng và công an viên. Mục đích của việc này là nhằm vừa đảm bảo các công việc ở khu dân cư đều có người đảm nhiệm, chịu trách nhiệm, vừa đảm bảo được các chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách (lấy chức danh được hưởng phụ cấp kiêm chức danh không được hưởng phụ cấp).

Đối với sắp xếp tổ chức đảng, công đoàn cơ sở, sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tiến hành kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức cơ sở đảng (giải thể, sáp nhập) để tinh giản 9 tổ chức cơ sở. Qua thực tế nhận thấy, việc sáp nhập đảm bảo phù hợp với cơ cấu tổ chức bộ máy, cơ cấu nhân sự; đảm bảo sự tập trung, thống nhất của tổ chức đảng trong công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Đối với việc thực hiện tinh giản 50% cán bộ không chuyên trách, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phê duyệt theo định hướng chung, thực hiện công chức cấp xã và bố trí công chức dự bị kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách. Việc làm này vừa đảm bảo mục tiêu giảm 50% cán bộ không chuyên trách vừa giữ được nguồn cán bộ chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ tiếp theo.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện đề án, Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên quan tâm thực hiện công tác chính trị tư tưởng, như: Trực tiếp gặp gỡ cán bộ, công chức; tổ chức hội nghị đối thoại với viên chức để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải đáp thắc mắc và tháo gỡ khó khăn; tổ chức hội nghị quán triệt nội dung sắp xếp tổ chức bộ máy có liên quan đến khối mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội. Do đó, từ khi thực hiện đề án đến nay chưa phát sinh các điểm nóng, chưa có đơn thư khiếu nại liên quan đến bố trí, sắp xếp nhân sự, tinh giản cán bộ không chuyên trách cấp xã, nhân viên các đơn vị sự nghiệp giáo dục.

Hiệu quả bước đầu thực hiện đề án

Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tăng lên thông qua thực hiện nhất thể hóa chức danh cấp trưởng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua lựa chọn, sắp xếp những cán bộ có năng lực cao, đạt trình độ, tiêu chuẩn và có uy tín, kinh qua thực tiễn ở cơ sở. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, giải quyết chuyên môn, giảm thủ tục hành chính, các bước, các khâu trùng lắp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Việc thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch HĐND hoặc UBND góp phần đưa quá trình ban hành nghị quyết lãnh đạo của Đảng và nghị quyết của HĐND nhanh gọn, thống nhất; thực hiện đồng bộ chức năng giám sát của Đảng và giám sát của HĐND đối với chính quyền cùng cấp. Bên cạnh đó, việc triển khai nghị quyết cấp ủy; kế hoạch, chương trình công tác của UBND được nhanh và sát với nghị quyết cấp ủy đề ra.

Đối với việc nhất thể hóa các chức danh cấp trưởng, cấp phó các cơ quan, đã giảm khâu thẩm định nội dung, chương trình bồi dưỡng cán bộ, đảng viên; giảm khâu thẩm định, tổng hợp hồ sơ điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch... công chức, viên chức; thống nhất trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra đối với cán bộ, công chức, đảng viên và rút ngắn quy trình xử lý kỷ luật và khắc phục tình trạng phân tán, chồng chéo, mạnh ai nấy làm trong công tác tuyên truyền, vận động.

Về giảm đầu mối, so với trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đến nay huyện Lộc Ninh đã tinh giản 21 đầu mối. Về giảm biên chế, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách đã tinh giản được 111 biên chế giáo viên, nhân viên đơn vị sự nghiệp giáo dục; 12 đồng chí nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ chờ đủ tuổi nghỉ hưu; 82 cán bộ không chuyên trách cấp xã; 29 chức danh cán bộ không chuyên trách ở khu dân cư. Về giảm chi thường xuyên: Từ thực hiện tinh giản biên chế đã góp phần giảm chi thường xuyên từ ngân sách để chi trả lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở các khu dân cư khoảng  11.056.104.000 đồng.

L.N

  • Từ khóa
1496

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu