Thứ 6, 10/05/2024 13:23:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:25, 08/03/2022 GMT+7

Đặc điểm tổ chức, hoạt động của tổ chức cơ sở đảng thuộc đảng bộ cấp huyện

Thứ 3, 08/03/2022 | 13:25:00 1,905 lượt xem

Ông NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - Làm tốt công tác xây dựng tổ chức đảng ở cơ sở là yếu tố quan trọng để Đảng trong sạch, vững mạnh. Tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), đảng bộ cấp xã thuộc một số đảng bộ cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bình Phước nói riêng là hạt nhân chính trị ở cơ sở, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng cấu thành hệ thống tổ chức và hoạt động của Đảng; nơi trực tiếp tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và lãnh đạo quần chúng, nhân dân, tổ chức thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là cầu nối giữa Đảng với nhân dân.

Trong tình hình mới, yêu cầu đặt ra phải tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi, đảng bộ cấp xã thuộc một số đảng bộ cấp huyện bảo đảm trong sạch, vững mạnh. Ngoài những đặc điểm của TCCSĐ nói chung, chi bộ, đảng bộ cấp xã thuộc một số đảng bộ huyện trên địa bàn Bình Phước còn có những đặc điểm mang tính đặc thù.

Một là, TCCSĐ là hệ thống chân rết của Đảng ở thôn, ấp nên cấp ủy viên, cán bộ, đảng viên thường phải kiêm nhiều chức danh, đảm nhiệm nhiều công việc cả trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành. UBND cấp xã là cơ quan chấp hành của HĐND, là cơ quan hành chính nhà nước thuộc nhánh quyền lực hành pháp thấp nhất tại địa phương, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý trực tiếp của UBND cấp huyện. Chính quyền địa phương cấp xã quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn xã trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và theo sự phân công chỉ đạo thực hiện của UBND cấp huyện. Qua đó nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm quyền và nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng đời sống vật chất, tinh thần trong sáng, vững mạnh cho người dân.

Đảng bộ cấp xã có nhiệm vụ lãnh đạo xây dựng chính quyền cấp xã tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong ảnh: Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra tại Bộ phận một cửa UBND thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp - Ảnh: M.L

Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19-6-2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 25-11-2019; Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 5-12-2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn và Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 6-11-2019 của Bộ Nội vụ   hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, chính quyền địa phương cấp xã gồm HĐND và UBND xã, chịu sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của TCCSĐ, đảng bộ cấp xã. Như vậy, cơ cấu, tổ chức của TCCSĐ, đảng bộ cấp xã ngoài đảng viên là cán bộ, công chức còn có các đảng viên đang sinh hoạt, công tác trên địa bàn. Trong quá trình lãnh đạo, TCCSĐ, đảng bộ cấp xã ở một số huyện trên địa bàn tỉnh luôn được kiện toàn theo cơ cấu, đảm bảo chất lượng, tính chiến đấu. Điều này tạo sự đa dạng, toàn diện trong công tác lãnh đạo của Ban Chấp hành trên các mặt công tác, các lĩnh vực của xã.

Hai là, TCCSĐ, đảng bộ cấp xã thường xuyên giải quyết tốt các mối quan hệ theo quy định của Đảng. Đảng bộ cấp xã thuộc một số đảng bộ huyện trên địa bàn tỉnh chịu sự lãnh đạo thường xuyên, toàn diện của Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy của đảng bộ các huyện về công tác xây dựng Đảng và việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trên cơ sở các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của các Huyện ủy, TCCSĐ, đảng bộ các xã quán triệt, cụ thể hóa thành các nghị quyết, hướng dẫn của cấp ủy cấp mình trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, bảo đảm xây dựng đảng bộ, chi bộ vững mạnh về tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức; cụ thể hóa và triển khai các chủ trương, biện pháp lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, thôn, ấp phù hợp với thực tiễn; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; triển khai đồng bộ, kịp thời trong kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện của các ban, ngành, đoàn thể cấp xã; chủ động phối hợp với các tổ chức khác có trụ sở đóng trên địa bàn để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; tham gia các phong trào thi đua yêu nước của địa phương.

Ba là, đội ngũ đảng viên của TCCSĐ, đảng bộ cấp xã thuộc một số huyện trên địa bàn tỉnh hiện nay phong phú, đa đạng cả về nghề nghiệp, dân tộc, tôn giáo, độ tuổi, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ: bao gồm cán bộ, công chức cấp xã, viên chức các đơn vị sự nghiệp (trường học, trạm y tế) và đảng viên là công dân sinh sống trên địa bàn. Đội ngũ đảng viên đa dạng về độ tuổi: đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu; cựu chiến binh và đảng viên là thanh niên, công dân địa phương ưu tú được các tổ chức đoàn thể giới thiệu Đảng kết nạp. Ngoài ra, trong những năm gần đây, đảng bộ cấp xã ở một số huyện trên địa bàn tỉnh tỷ lệ đảng viên làm kinh tế tư nhân và người dân tộc thiểu số, người theo đạo có xu hướng tăng. Đa số đảng viên ở các chi bộ, đảng bộ xã không đồng đều về trình độ, lứa tuổi, ngành nghề. Trong đó, đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức cấp xã và một số đơn vị sự nghiệp (trường học, bệnh viện, trạm y tế) trên địa bàn được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, họ đồng thời giữ các chức vụ trong hệ thống chính trị xã và các đơn vị sự nghiệp. Đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị tương đối cao, có uy tín, trách nhiệm trong công tác xây dựng Đảng và hoạt động tại địa phương, là chỗ dựa rất vững chắc cho cấp ủy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo. Đặc biệt, trong những năm gần đây, thực hiện các quy định của Đảng về phát triển đảng, nhiều công dân là người dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo được đoàn thể các cấp giới thiệu, kết nạp vào Đảng. Đây là những đảng viên có tuổi đời, tuổi đảng tương đối trẻ, có nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện các chủ trương, chính sách của địa phương; thường xuyên, trực tiếp giữ mối liên hệ công tác với nhân dân, có vai trò rất quan trọng trong thực hiện các phong trào thi đua ở địa phương.

Theo thống kê đến tháng 12-2021, tỷ lệ đảng viên nam ở các TCCSĐ, đảng bộ cấp xã thuộc đảng bộ huyện trên địa bàn tỉnh là 80,8%; nữ 12,02%; đảng viên là cán bộ hưu trí 29,7%; đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức cấp xã và các đơn vị sự nghiệp 30,6%; đảng viên là người dân tộc 18,6%, đảng viên là người có đạo 0,81% và có xu hướng tăng trong thời gian tới.

Về trình độ học vấn: tốt nghiệp THCS 14,6%; tốt nghiệp THPT 58,3%; trung cấp, cao đẳng và đại học 26,67%; trên đại học 1,03%. Trình độ lý luận chính trị: cao cấp 1,12%, trung cấp 36,47%, sơ cấp 22,38%, số còn lại là chưa qua trường lớp đào tạo lý luận chính trị. Về tuổi đời: dưới 30 tuổi trở xuống chiếm 16,1%, từ 31-40 tuổi 24,22%, từ 41-50 tuổi 21,17%, từ 51-60 tuổi 17,46%, số còn lại từ 61 tuổi trở lên.

Số liệu nêu trên cho thấy trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị của hầu hết các đảng viên thuộc chi bộ, đảng bộ cấp xã trên địa bàn tỉnh còn thấp; có tỷ lệ đồng đều giữa các nhóm tuổi; số lượng đảng viên nữ, đảng viên là người dân tộc thiểu số còn ít. Ngoài ra, một lượng đảng viên không nhỏ là cán bộ, công chức đang công tác trong các cơ quan đảng, nhà nước và các tổ chức quần chúng cư trú trên địa bàn các xã nên có điều kiện nắm chắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cập nhật thông tin nhanh chóng. 

Bên cạnh đó, các số liệu cũng cho thấy, hầu hết đảng viên ở các TCCSĐ, chi bộ, đảng bộ xã thuộc một số đảng bộ cấp huyện là những người trẻ, sinh ra và trưởng thành trong thời bình, một số trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Những đặc điểm này ít nhiều ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các chi, đảng bộ cấp xã thuộc một số đảng bộ huyện trên địa bàn tỉnh hiện nay.

  • Từ khóa
138138

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu