Thứ 7, 06/07/2024 02:15:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:28, 27/09/2021 GMT+7

Từ 0 đến I: Bước nhảy vọt! (Bài cuối)

Ngân Hà - Thanh Phương
Thứ 2, 27/09/2021 | 09:28:17 775 lượt xem

BPO - Quyết tâm hoàn thành chính quyền điện tử, đô thị thông minh, từng bước chuyển dần sang chính quyền số được nhấn mạnh tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, gắn với tầm nhìn chiến lược xuyên suốt cả nhiệm kỳ. Cùng với những chủ trương, giải pháp phù hợp, Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số sẽ là động lực cho khát vọng phát triển Bình Phước trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và thu hút việc làm chất lượng cao thuộc nhóm 15 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước.

CHUYỂN ĐỔI SỐ -“CHÌA KHÓA” CỦA TĂNG TRƯỞNG

Giai đoạn 2021-2026 là thời cơ để Bình Phước phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước bằng các chương trình hành động cụ thể. Cùng với Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X về “Tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bình Phước đến năm 2030, tầm nhìn 2050”, Nghị quyết số 04-NQ/TU ban hành kịp thời được xem là động lực to lớn thúc đẩy khát vọng phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước sớm thành hiện thực.

Tiên phong dẫn dắt chuyển đổi số

Nếu như 2020 là năm khởi động chuyển đổi số thì 2021 là năm tăng tốc với những hành động, giải pháp triển khai cụ thể đối với từng sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Ngày 18-5-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về chuyển đổi số đến năm 2025. Ngay sau khi ban hành, nghị quyết này đã nhận được sự đồng thuận cao của các cấp, ngành và cán bộ, đảng viên cùng nhân dân trong tỉnh. Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 04 đã triển khai thực hiện ngay 23 nhiệm vụ, giải pháp bám sát vào 9 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số trước, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cơ quan, đơn vị.

Trung tâm Phục vụ hành chính công đã thực hiện thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia đối với thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai ở cả 3 cấp giúp giảm bớt thời gian đi lại của người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục về đất đai

Lãnh đạo tỉnh xác định, nghị quyết khi triển khai phải tạo sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh. Để tạo những bước đi vững chắc, tập trung các nguồn lực đầu tư nhằm đem lại hiệu quả chuyển đổi số cao nhất, Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy đưa ra quan điểm, mục tiêu là thực hiện chuyển đổi “từng lĩnh vực” tiến tới chuyển đổi “tổng thể và toàn diện”. Doanh nghiệp, người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình chuyển đổi số; lĩnh vực nào doanh nghiệp, người dân cần thì tập trung chuyển đổi trước; chọn một số ngành, địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi toàn diện, làm điểm để rút kinh nghiệm.

Bước đột phá mạnh mẽ trong Nghị quyết 04-NQ/TU là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chọn 9 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số trước, bám sát tình hình thực tế của tỉnh gồm: quản lý dân cư, tài nguyên, giáo dục, y tế, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông, năng lượng, sản xuất công nghiệp. Nhóm 5 mô hình thí điểm chuyển đổi số toàn diện, gồm: Mô hình doanh nghiệp với 5 công ty; mô hình hợp tác xã với 2 đơn vị; mô hình cơ quan hành chính với 12 cơ quan; mô hình cấp huyện với 3 địa phương (Đồng Xoài, Phước Long, Lộc Ninh), mô hình cấp xã với 20 xã, phường, thị trấn.


Chuyển đổi số tại tỉnh không còn là cụm từ hô hào suông mà đã, đang triển khai làm thực chất, hiệu quả gắn liền với cải cách hành chính và trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện và lấy tiêu chí số hóa để đánh giá cán bộ hằng năm.

Sau một thời gian triển khai, kết quả chấm điểm chuyển đổi số cấp tỉnh dự kiến lần 1 của Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bình Phước xếp thứ 25/63 tỉnh, thành trong cả nước (trong đó, xếp hạng chính quyền số 24/63; kinh tế số 37/63; xã hội số 15/63). Những điểm số ban đầu này tiếp tục khẳng định niềm tin, sự đánh giá hài lòng ngày càng cao của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về sự phục vụ của các cơ quan hành chính tỉnh, phản ánh hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Ông Nguyễn Minh Quang,
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông


Theo ông Ngô Diên Hy, Tổng giám đốc Công ty công nghệ thông tin VNPT-IT, Bình Phước được đánh giá là một trong những tỉnh tiên phong trong xây dựng chính quyền điện tử, được ghi nhận từ những dự án đầu tư bài bản, mang lại hiệu quả rõ nét như “bộ não số” IOC, Trung tâm Phục vụ hành chính công... Tỉnh đang đi đúng hướng theo lộ trình của Chính phủ và được xem là dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia.

Hành trình không có điểm dừng

Bình Phước bắt đầu thực hiện xây dựng chính quyền điện tử ở xuất phát điểm gần như số 0. Thế nhưng, sau lộ trình dài với chiến lược đầu tư đúng đắn cho từng giai đoạn, đến nay tỉnh đã bứt phá trong cải cách hành chính để xây dựng chính quyền điện tử và đang bắt tay chuyển đổi số trên 3 trụ cột là: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tỉnh cũng trở thành điểm sáng về xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh để nhiều tỉnh, thành khác đến học tập kinh nghiệm. Kết quả này đã đánh giá sự cầu thị để vươn lên của cả hệ thống chính trị tỉnh Bình Phước.

“Công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh là việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, mang tính đổi mới căn bản mọi hoạt động. Do đó cần sự quyết tâm cao của người đứng đầu, lãnh đạo các cấp và sự đồng thuận của nhân dân. Việc nâng cao nhận thức và kỹ năng tiếp cận công nghệ số là một yêu cầu bắt buộc đối với người dân trong kỷ nguyên số này, giảm bớt thiệt thòi trong tương lai” - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Quang nhận định.

Để có bước nhảy vọt về kết quả xây dựng chính quyền điện tử, quan trọng nhất chính là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đảng viên, từ đó quyết liệt đổi mới và hành động. Từ 0 đến 1 là một khoảng cách cực ngắn xét về mặt số học thuần túy, nhưng để từ “vùng trũng” vươn lên nhóm dẫn đầu toàn quốc về xây dựng chính quyền điện tử rõ ràng là một bước tiến rất dài.

Trong điều kiện kinh tế khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng năm 2021 Bình Phước vẫn tiếp tục dành 126 tỷ đồng, tương đương 1% chi ngân sách tỉnh cho chuyển đổi số. Điều đó cho thấy quyết tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh xây dựng chính quyền số phải là động lực, đóng vai trò dẫn dắt phát triển kinh tế số, xã hội số. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là hướng đi đúng đắn thể hiện tầm nhìn xa và khát vọng vươn lên của Bình Phước. Đồng thời khẳng định, Bình Phước không chỉ vượt lên chính mình mà phải nỗ lực gấp nhiều lần để có thể sánh kịp với các tỉnh, thành khác, như khẳng định của Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh: Bình Phước đang và sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn nữa, để xây dựng chính quyền kiến tạo, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính trong tỉnh.

Chính chủ trương đúng đắn coi cải cách hành chính cùng với chuyển đổi số là một trong các đột phá chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên liên tục, chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc đã giúp tỉnh tiến những bước vững chắc, bài bản, chạm đến lợi ích của từng người dân trước khi tạo ra sự phát triển đột phá, bền vững trong tương lai.

  • Từ khóa
130419

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu