Thứ 3, 09/07/2024 07:03:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:45, 23/09/2021 GMT+7

Từ 0 đến I: Bước nhảy vọt! (Bài 2)

Ngân Hà - Thanh Phương
Thứ 5, 23/09/2021 | 15:45:55 1,373 lượt xem

BPO - Năm 2018, Bình Phước xếp vị trí 47/63 tỉnh, thành phố về xây dựng chính quyền điện tử, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến chỉ đạt khoảng 10%. Thế nhưng chỉ sau gần 3 năm thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ xây dựng chính quyền điện tử, tỉnh đã vươn lên dẫn đầu cả nước với việc kết nối thành công 1.224 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia, dịch vụ công mức độ 4 xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Nỗ lực này minh chứng cho khát vọng vươn tới một chính quyền số phục vụ nhân dân và doanh nghiệp (DN).

ĐỨNG YÊN LÀ TỤT HẬU

Đạt được thành tích đã khó, giữ được thành tích lại càng khó hơn, vì vị trí số 1 nếu cứ đứng yên thì tỉnh, thành khác sẽ vượt lên và chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau. “Không ngủ quên trên chiến thắng”, với tâm thế, khát vọng đổi mới, sau khi đạt được những con số ấn tượng, lãnh đạo tỉnh nhanh chóng nhìn nhận, phân tích những kết quả đạt được và đưa ra các mục tiêu mới với khát vọng vươn xa hơn. 

Cải cách hành chính làm thước đo 

Với những chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng chính quyền điện tử, đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, Bình Phước đã xây dựng hình ảnh một địa phương năng động với môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, an toàn. Trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tỉnh quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính với khâu đột phá là thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công (TTPVHCC) từ tỉnh đến huyện với những quy trình, quy định chặt chẽ đối với cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ công. Trung bình các thủ tục hành chính (TTHC) đưa vào TTPVHCC đều được rà soát, đơn giản về thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục và cắt giảm từ 35-40% thời gian giải quyết so với quy định của Trung ương. Đặc biệt, một số thủ tục đã cắt giảm 70% thời gian so với quy định và đảm bảo rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết và được cập nhật công bố, niêm yết công khai, minh bạch.

Hệ thống thiết bị công nghệ mới được số hóa của Chi nhánh 2 Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình, TP. Đồng Xoài đã thay thế vị trí của 30% công nhân lao động thủ công

Ông Su Yang Tao, Xưởng trưởng Công ty TNHH Chuang Yuan (Việt Nam), Khu công nghiệp Nam Đồng Phú, huyện Đồng Phú chia sẻ: “Khi đến tỉnh đầu tư kinh doanh, chúng tôi được chính quyền giải quyết thủ tục rất nhanh gọn, chính sách ưu đãi tốt. Lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn của DN. Vì là DN chế xuất nên công ty không phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu. Đây là hỗ trợ lớn của lãnh đạo tỉnh Bình Phước đối với DN. Chính môi trường đầu tư thuận lợi nên công ty đang triển khai xây thêm nhà xưởng, mở rộng sản xuất ở cơ sở 2”.

Bình Phước là tỉnh có tốc độ cải cách hành chính nhanh và liên tục. Điều đó thể hiện rõ nhất ở chỉ số xếp hạng PCI năm 2020, tỉnh đã có bước lội ngược dòng ngoạn mục về vị trí xếp hạng. Tỉnh còn dư địa rất lớn để cải thiện điểm số, lãnh đạo tỉnh cần nỗ lực hơn nữa trong triển khai các nhóm giải pháp khắc phục những điểm thành phần còn thấp như: Tiếp cận đất đai, khởi sự DN và tính công khai, minh bạch của chính quyền... Từ đó tiếp tục cải thiện chỉ số PCI, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trong năm 2021 và những năm tiếp theo. 

Tiến sĩ NGÔ HẢI PHAN,
Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ

Trước đây, để giải quyết TTHC, DN phải đi lại ít nhất 2 lần, đến nhiều cơ quan khác nhau thì nay, với việc giải quyết TTHC “4 tại chỗ” ở TTPVHCC, gồm: Tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xét duyệt và trả kết quả tại chỗ ở 18 lĩnh vực với 126 TTHC và nhiều TTHC có thể được giải quyết ngay trong ngày và trong giờ. “Đây là điều trước kia chưa từng có” - ông Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Sở Công Thương khẳng định. Không dừng lại với những kết quả đạt được, ông Dũng cho biết thêm: “Sở cũng thường xuyên rà soát, trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng; công bố công khai, minh bạch các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, đơn giản hóa trong năm; không đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định. Đồng thời, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đúng, đầy đủ quy định mới về điều kiện kinh doanh, thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho người dân và DN”. 

Theo kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020, Bình Phước xếp thứ 50/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2019.

Tiến tới điều hành trên dữ liệu số

Bình Phước là một trong những địa phương tiên phong của cả nước thực hiện đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ thông tin để phục vụ cải cách hành chính. Quá trình cải cách diễn ra liên tục và bám sát chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ. 

Ngày 19-5-2020 là dấu mốc khởi động tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trên môi trường điện tử của tỉnh. Đến nay, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đã tích hợp 1.880 TTHC. Hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai đồng bộ tại 100% UBND cấp xã, huyện. Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử được nâng cao, thống kê hằng ngày đạt trên 95%. Đến nay có hơn 80% DN tham gia nộp hồ sơ trực tuyến, minh bạch hóa quá trình giải quyết TTHC của các cơ quan có thẩm quyền. 

Sau nỗ lực kết nối thành công 1.224 dịch vụ lên Cổng dịch vụ công quốc gia, tỉnh cũng đã rà soát và hoàn thiện toàn bộ quy trình xử lý hồ sơ điện tử trên phần mềm dịch vụ công. Điều hành dựa trên dữ liệu số thể hiện rõ nhất ở Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh và 3 IOC của thành phố Đồng Xoài, thị xã Phước Long, Bình Long và đã được kết nối liên thông với Trung tâm giám sát, điều hành thông minh của Chính phủ.

Trong các cơ quan hành chính nhà nước, văn bản hồ sơ đều được xử lý và thực hiện trên môi trường điện tử thông qua ứng dụng chữ ký số, phần mềm không giấy. Tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi trên môi trường mạng đạt 96%. Tỉnh đã cấp 7.792 hộp thư công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, đạt tỷ lệ 100%... Đây là bước đi quan trọng để xây dựng bộ khung cho quá trình phát triển, hướng đến đô thị thông minh, chính quyền số vào năm 2025.

Trong năm nay, tỉnh đã triển khai thực hiện được “2 không”, đó là nộp hồ sơ và trả kết quả không gặp mặt, thanh toán nghĩa vụ tài chính không dùng tiền mặt. Bắt đầu từ ngày 1-6-2021, trung tâm đã thực hiện thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với TTHC lĩnh vực đất đai ở cả 3 cấp. Trung tâm đã triển khai ứng dụng chatbox để giải quyết các vấn đề hành chính qua internet. Từ đó giúp người dân, DN giải quyết kịp thời, nhanh chóng các vấn đề liên quan đến TTHC mà không phải đi lại.

Ông BÙI GIA KHÁNH,
Phó giám đốc TTPVHCC tỉnh Bình Phước

Trong những năm tới, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản của chính phủ điện tử, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để chuyển sang xây dựng Chính phủ số. Hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng trên phạm vi toàn quốc 2 cơ sở dữ liệu quốc gia lớn là dân cư và đất đai. Để cùng Chính phủ hoàn thành mục tiêu này, tiến sĩ Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ gợi ý: Bình Phước cần chuẩn bị nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu để hướng tới điều hành dựa trên dữ liệu số, người dân và DN giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, đảm bảo minh bạch và chống tham nhũng vặt. 

Từ những kết quả nêu trên cho thấy, nỗ lực đạt thứ hạng cao rất quan trọng nhưng lãnh đạo tỉnh xác định phải làm thực chất, tạo được nền tảng vững chắc và người dân chính là đối tượng được thụ hưởng lớn nhất khi các chương trình này được thực hiện thành công.

  • Từ khóa
130308

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu