Thứ 6, 10/05/2024 07:07:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc ảnh 15:21, 25/11/2023 GMT+7

Huế - giữ gìn quá khứ để hướng tới tương lai

Thứ 7, 25/11/2023 | 15:21:14 702 lượt xem
Thời gian và chiến tranh để lại cho Thừa Thiên Huế đống di sản hoang tàn và đổ nát nhưng cũng từ đó mảnh đất này đã bền bỉ vươn lên trở thành biểu tượng nổi bật trong công tác bảo tồn di sản và hợp tác quốc tế, và giờ đang tự tin nỗ lực hướng tới việc sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương bằng chính “sức mạnh mềm” văn hóa riêng có của mình.

Trong thông điệp chúc mừng gửi đến Lễ kỉ niệm 30 năm (1993-2023) Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm (2003 - 2023) Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam (thường gọi Nhã nhạc Cung đình Huế) được UNNESCO vinh danh là Di sản Thế giới, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO Lazare Eloundou Assomo đã nhấn mạnh: “Kể từ khi Huế được công nhận là Di sản Thế giới cách đây 30 năm, thế giới đã vô cùng ấn tượng với hành trình của Huế, nơi minh chứng không chỉ thành tựu quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển Di sản Thế giới, mà còn là biểu tượng cho sự tái sinh của Việt Nam. Bước ra từ gian khổ và những tàn phá sau hàng thập kỉ chiến tranh, Cố đô Huế đã chuyển mình từ một kho báu di sản bị tàn phá trở thành một biểu tượng nổi bật của bảo tồn di sản và hợp tác quốc tế”.

Toàn cảnh kinh thành Huế thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1993. Ảnh: CTV Lê Huy Hoàng Hải

Cho đến tận bây giờ, khi nhắc lại chuyện cũ, ông Thái Bá Dinh, một người dân sống trong khu vực nội thành Huế từ trước 1975, vẫn không khỏi bồi hồi, xót xa: “Nhà tôi ở gần Đại Nội, ngày nào mở cửa cũng thấy cảnh cung vàng điện ngọc đổ nát ở khắp nơi mà cầm lòng không đậu. Ai đi qua thấy cảnh ấy cũng không khỏi ngậm ngùi xót xa cho Huế!”.

Sau năm 1975, Huế bước ra khỏi cuộc chiến tranh với đống di sản đổ nát, hoang tàn vì đạn bom, vì thiên tai bão lũ và vì cả sự thờ ơ của chính con người. Hàng loạt công trình kiến trúc, đền đài, cung điện, lăng tẩm… từ thời Nguyễn để lại bị san phẳng, đổ nát; cây cối bị chặt trụi, những đoạn tường thành kì vĩ đổ rạp ám khói đạn bom. Chỉ tính riêng khu vực Hoàng thành, 136 công trình kiến trúc ban đầu chỉ còn lại chưa đầy phân nửa. Riêng Tử Cấm Thành thì gần như bị xóa sổ hoàn toàn. Và còn rất nhiều công trình khác cũng cùng chung số phận.

Không những thế, nhiều di sản phi vật thể như hệ thống lễ hội hoàng gia; các hình thức diễn xướng cung đình như nhã nhạc, tuồng cung đình, múa cung đình; và nhiều cổ vật, sách vở, tư liệu quý của triều Nguyễn, kể cả hệ thống ngành nghề thủ công truyền thống Huế… cũng bị phá hủy, mất mát hoặc lưu lạc biến tướng trong dân gian.

Phải đến năm 1993, khi Quần thể Di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, rồi tiếp đến năm 2003 Nhã nhạc Cung đình Huế được công nhận là Kiệt tác Di sản Văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (nay là Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của nhân loại) thì công cuộc phục hưng di tích Huế mới thực sự bước sang một trang mới.


Nét vàng son lộng lẫy của Trường lang, hệ thống hành lang đi bộ dài kết nối giữa các tòa nhà trong Tử Cấm thành. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Kể từ đây, được sự hỗ trợ tích cực của UNESCO, các tổ chức quốc tế và đặc biệt là sự vào cuộc đầy quyết liệt của Chính phủ, sự quyết tâm không ngừng nghỉ của chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, công cuộc bảo tồn di tích Cố đô Huế đã được triển khai và đạt kết quả to lớn. Di sản văn hoá Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đến nay đang từng bước được hồi sinh, trả lại vẻ vàng son lộng lẫy như thuở nào.


Cùng với sự phát triển, Huế cũng đang nỗ lực bảo tồn nét văn hóa truyền thống bằng đề án xây dựng Huế thành “kinh đô áo dài” của Việt Nam.
Ảnh: Công Đạt/Báo ảnh Việt Nam

Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh và khu vực miền Trung, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ.

30 năm nhìn lại có thể thấy công cuộc bảo tồn, phục hưng văn hóa của Huế đang đi đúng định hướng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đó là: “Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hoá" của thời đại. Phát triển "sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới”.

Điện Kiến Trung, nơi làm việc và sinh hoạt của hai vị vua triều Nguyễn là Khải Định và Bảo Đại, đang trong giai đoạn gần hoàn thiện sau quá trình phục hồi. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam


Diện mạo đô thị Huế đang thay đổi từng ngày theo chiều hướng hiện đại và trẻ trung hơn so với trước. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải

Theo TS Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Huế là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử phát triển đô thị Việt Nam. Và theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, cho đến nay, Cố đô Huế là một trong những đô thị có quỹ kiến trúc di sản giàu có nhất không chỉ trong phạm vi khu vực Đông Nam Á và Đông Á. Vì vậy, Thừa Thiên Huế xứng đáng được xây dựng trở thành một thành phố di sản đặc thù, trực thuộc Trung ương.

Trên cơ sở Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực tập trung hoàn thành các quy hoạch, đề án quan trọng, hướng tới xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Để thực hiện định hướng này, Thừa Thiên Huế cần phải có một chiến lược đúng để vừa phát triển trở thành một đô thị hiện đại mà vẫn bảo tồn và phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa. Có thể nói đây là một hướng đi riêng mang tính đặc thù, bởi Thừa Thiên Huế sẽ không thể phát triển như các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ hay thành phố Hồ Chí Minh với các tòa nhà cao tầng, khu công nghiệp dày đặc và mật độ dân cư đông đúc, mà sẽ phải phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, hạn chế can thiệp, ảnh hưởng đến các di tích và cảnh quan kiến trúc truyền thống...

Với chủ trương đó, Huế đang nỗ lực bảo tồn nguyên vẹn khu vực phía Bắc, nơi có kinh thành Huế được xác định là vùng lõi của Quần thể Di tích Cố đô Huế; tập trung phát triển mở rộng khu vực phía Nam và các vùng phụ cận, nơi ít có sự hiện diện của các di tích; chỉnh trang, nâng cấp hệ thống đường sá, công viên, cây xanh, ánh sáng và các công trình phụ trợ phục vụ dân sinh. Nhờ đó mà bộ mặt đô thị Huế đổi thay nhanh chóng theo hướng hiện đại, năng động, cởi mở nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống và lãng mạn riêng có của mình.

Huế tăng cường quảng bá hình ảnh và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa với nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Chị Phan Thanh Hà, một du khách người Hà Nội thường xuyên có dịp đến Huế, chia sẻ: “Huế ngày xưa buồn, thành phố thường đi ngủ sớm, còn người Huế sống khép mình, nhưng Huế giờ đã khác xưa, vẫn mộng mơ, đằm thắm, dễ thương nhưng năng động, trẻ trung và tươi mới hơn rất nhiều”.

Nét trẻ trung, sôi động của giới trẻ Huế hôm nay. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Việc bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa Huế đã góp phần to lớn tư duy định hướng chiến lược phát triển của Thừa Thiên Huế. Theo đó, di sản văn hóa trở thành hạt nhân và động lực cho cho sự phát triển mọi mặt đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội, đưa Huế trở thành "Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam", "Thành phố văn hóa ASEAN", "Thành phố bền bững môi trường ASEAN", "Thành phố Xanh quốc gia".

Huế nỗ lực trở thành thành phố Festival, thành phố văn hóa của ASEAN. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 không còn dài và “sức mạnh mềm” văn hóa sẽ là một điểm tựa giúp Huế vững bước tiến nhanh về đích.

Nội dung: Thanh Hòa
Ảnh: Thanh Hòa, Công Đạt/Báo Ảnh Việt Nam, Đỗ Trưởng, Lê Huy Hoàng Hải, Minh Giang
Kỹ thuật, đồ họa: Trang Nhung

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu