Thứ 6, 26/04/2024 17:26:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:51, 26/04/2020 GMT+7

Dân số và Sức khỏe

Y học cổ truyền “bắt tay” y học hiện đại

Thanh Nga
Chủ nhật, 26/04/2020 | 15:51:00 1,386 lượt xem
BPO - Là một trong những phương pháp đổi mới của Bộ Y tế, việc điều trị bệnh kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại đã ngày càng thể hiện hiệu quả trong chăm sóc, điều trị cho người bệnh.

SỰ KẾT HỢP HIỆU QUẢ CAO

Y học hiện đại với những ưu điểm như máy móc tối tân, kỹ thuật hiện đại đã từng ngày thể hiện vai trò giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời các trường hợp bệnh cấp tính. Trong khi đó, với những bệnh mạn tính hoặc các di chứng do tai biến thì y học cổ truyền lại có những lợi ích nhất định. Và sự kết hợp cái ưu giữa 2 loại hình y học này đã mang lại nhiều hiệu quả trong việc khám, chữa bệnh.

Nhân viên điều dưỡng Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh thực hiện phương pháp xoa bóp cho bệnh nhân bị thoái hóa xương vai, cổ

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Duy Thạnh, phụ trách Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, cho biết: Hoạt động của Khoa Phục hồi chức năng hiện nay dựa trên sự kết hợp giữa phương pháp điều trị đông và tây y. Với mỗi bệnh nhân đến khám, chúng tôi chẩn đoán bằng các phương pháp tây y, sau đó điều trị theo hướng của y học cổ truyền như: điện châm, laser châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt (loại không dùng thuốc); thuốc thang, thuốc cao đơn hoàn tán (loại dùng uống). Y học hiện đại hay y học cổ truyền đều có những ưu điểm riêng, khi kết hợp với nhau mục đích nhằm mang lại tính hài hòa, hiệu quả, lợi ích tốt và giảm các tác dụng phụ cho người bệnh.

Từ những lợi ích khi kết hợp giữa 2 nền y học, trong nhiều năm qua, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã đầu tư nhiều máy móc để giúp việc chẩn đoán, điều trị tốt hơn những bệnh về cơ, xương, khớp, di chứng sau chấn thương... Qua đó, tạo được niềm tin và là địa chỉ tin cậy của người bệnh. Anh Nguyễn Văn Chi ở khu phố Suối Cam, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài cho biết: Tôi bị đau lưng, tê mỏi chân tay đã nhiều năm nay. Mặc dù đã uống nhiều loại thuốc nhưng bệnh vẫn không đỡ. Được sự giới thiệu của hàng xóm, tôi đến Bệnh viện Y học cổ truyền vừa kết hợp điều trị đông và tây y. Điều trị được 3 tuần, tôi được các bác sĩ chụp phim, X-quang kết hợp với châm cứu, điện châm, điện xung, xoa bóp nên thấy đỡ nhiều.

Còn bà Nguyễn Thị Hồng Trang ở thị trấn Tân Khai (Hớn Quản) là bệnh nhân “thân thiết” tại bệnh viện hơn 1,5 năm. Mang trong mình các bệnh mãn tính: thoái hóa đệm, chèn ép dây thần kinh, thoái hóa xương khớp vai, tay và chân, trước đây bà Trang đi lại khó khăn và phải điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa ở TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hơn 1,5 năm nay bà chọn Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh để điều trị. Bà Trang cho biết: Khi đến đây khám bệnh, tôi được các bác sĩ dùng máy móc của y học hiện đại để chẩn đoán bệnh, sau đó dùng các phương pháp của đông y điều trị. Mỗi ngày mất khoảng 2 giờ để điều dưỡng dùng các thủ thuật nhằm giúp giảm cơn đau trên người. Từ ngày điều trị ở đây, tôi thấy sức khỏe đỡ hơn. Giờ đi lại nhanh nhẹn, tay chân cử động linh hoạt hơn trước rất nhiều.

Năm 2019, có trên 80 ngàn lượt bệnh nhân đến khám và chữa bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Một số chứng bệnh đã được bệnh viện điều trị theo hướng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại như: tai biến mạch máu não, cao huyết áp, đau thần kinh tọa, liệt VII, các bệnh lý cơ xương khớp (thoái hóa khớp, đau khớp, thoát vị đĩa đệm)...

HƯỚNG ĐẾN SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI BỆNH

Với quy mô 150 giường bệnh và 8 khoa chuyên môn, nhiều năm qua, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại cả về y học hiện đại và y học cổ truyền như: máy sinh hóa, máy sinh hóa miễn dịch, máy X-quang, máy ôxy cao áp, máy laser công suất thấp, máy điện xung, các loại máy thực hiện kỹ thuật phục hồi chức năng châm cứu, điện châm... Bên cạnh đó, bệnh viện cũng đầu tư máy sắc thuốc và đóng gói tự động để thuốc được sắc, đóng gói đúng liều lượng, chính xác. Ngoài đầu tư thiết bị, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ y, bác sĩ luôn được lãnh đạo bệnh viện quan tâm. Hiện bệnh viện có 2/25 bác sĩ chuyên khoa II, 1 dược sĩ đang học chuyên khoa I, 8 cử nhân điều dưỡng, 3 dược sĩ đại học...

Là một trong những khoa mũi nhọn của bệnh viện, các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Phục hồi chức năng luôn chủ động học tập và nâng cao tay nghề. Hiện khoa có 1 bác sĩ chuyên khoa II, 1 bác sĩ đang theo học chuyên khoa I, các y, bác sĩ, điều dưỡng đều được luân phiên đào tạo theo chương trình của Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH); các lớp tập huấn, đào tạo ngắn ngày, các lớp hướng dẫn cộng đồng. Ngoài ra, cứ 2 năm, bệnh viện sẽ thành lập hội đồng để tổ chức thi tay nghề đánh giá, rèn luyện kỹ năng, kỹ thuật cho các điều dưỡng. “Đối với các bác sĩ, chúng tôi hướng đến việc đưa đi đào tạo sau đại học để bổ sung và nâng cao kiến thức chuyên môn. Riêng hệ điều dưỡng sẽ đào tạo nâng cao và chuyên môn hóa, sắp xếp công việc theo các hướng hoạt động trị liệu, âm ngữ trị liệu, vật lý trị liệu trẻ em và điện, laser trị liệu và ôxy” - bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Duy Thạnh cho biết.

Thực tế cho thấy, điều trị bằng phương pháp đông y hay tây y thì đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh kết hợp giữa đông y và tây y tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Để làm được điều này, ngoài thiết bị hiện đại, chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi để các y, bác sĩ được đi học nâng cao chuyên môn, ứng dụng vào khám, chữa bệnh.

Bác sĩ chuyên khoa I Lương Xuân Việt,
Phó giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh

  • Từ khóa
59140

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu