Thứ 4, 24/04/2024 14:57:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Khoa học - Công nghệ 17:02, 30/09/2020 GMT+7

Những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đời sống xã hội - Bài cuối

Thứ 4, 30/09/2020 | 17:02:00 5,024 lượt xem
BPO - Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) đều mang những nét đặc trưng theo từng giai đoạn; trong đó, bản chất của cuộc CMCN lần thứ 4 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất với các công nghệ. Với lợi thế về công nghệ, cuộc CMCN 4.0 tác động sâu sắc đối với nền kinh tế - xã hội của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là ngành ngân hàng.

4.0 TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

>> Bài 1: Chính quyền điện tử trong cuộc cách mạng 4.0

Tác động của hệ thống ngân hàng tại Bình Phước trong 4.0

Các ngân hàng (NH) Việt Nam đang có sự chuyển động tích cực theo các xu hướng công nghệ mới. Đó là sự chuyển dịch từ NH truyền thống sang NH số, phát triển các dịch vụ NH điện tử, dịch vụ NH trên các thiết bị di động, chuyển đổi mô hình kinh doanh, tăng trải nghiệm khách hàng với những sản phẩm, giải pháp dịch vụ mới về nghiệp vụ; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, quản lý dữ liệu trong điều kiện sử dụng dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo... Các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn Bình Phước cũng đang triển khai các dự án công nghệ mới của hội sở chính, thực hiện trong toàn hệ thống. Việc triển khai này đang tạo ra những cú hích đối với các ngành có liên quan, như thu thuế điện tử qua NH, thu ngân sách qua NHTM; điện lực, viễn thông, nước sạch, truyền hình cáp trong việc thu tiền điện, phí dịch vụ qua tài khoản của khách hàng dựa trên nền tảng thanh toán điện tử. Các dịch vụ thanh toán điện tử, thanh toán qua NH khác của các ngành bưu chính - viễn thông, nước sạch, truyền hình cáp, học phí, viện phí, thu cước phí giao thông đường bộ không dừng trên địa bàn tỉnh cũng đang chuyển động theo yêu cầu chung.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh đến lĩnh vực nông nghiệp - Ảnh: Hiền Lương

CMCN 4.0 sẽ tạo thêm nhiều cơ hội, động lực cho các NH Việt Nam nói chung, các chi nhánh NHTM trên địa bàn Bình Phước nói riêng phát triển mảng NH bán lẻ, thu hút và mở rộng khách hàng nhưng không cần phát triển mạng lưới tương ứng, đặc biệt trong việc tăng cường ứng dụng những giải pháp kinh doanh sáng tạo và công nghệ đột phá... nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách hàng, nhất là đối tượng khách hàng nhạy bén với công nghệ mới. Người dân tại các vùng nông thôn Bình Phước không cần phải tốn thời gian, chi phí, cùng với nhiều rủi ro trong điều kiện thời tiết, giao thông mang tiền mặt đến giao dịch tại NH, trong đó kể cả các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số khó khăn, hộ neo đơn giao dịch với ngân hàng chính sách xã hội, trong trả nợ, trả lãi, chuyển tiền thanh toán, nhận tiền, nhận thay đổi số dư và số nợ.

CMCN 4.0 sẽ có nhiều tác động chính tới ngành NH Việt Nam và các chi nhánh NHTM ở Bình Phước nói riêng là sẽ giúp hệ thống tiết giảm chi phí từ 30-80% tùy công việc. Thứ hai, hệ thống NH sẽ nâng năng lực cạnh tranh, kiểm soát chất lượng chính xác hơn, đặc biệt là quản trị rủi ro. Thứ ba, công nghệ tạo điều kiện để NH tiếp cận cơ hội kinh doanh mới, tạo nhiều cơ hội việc làm mới như công nghệ thông tin, an ninh bảo mật. Thứ tư, tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, tham gia hệ sinh thái kinh tế điện tử kết hợp tài chính, y tế, bảo hiểm, du lịch, giáo dục, thương mại và kinh doanh bất động sản. Hiện nay, khách hàng muốn giao dịch với NH đều thông qua hệ thống ATM và phòng giao dịch. Tuy nhiên, trong thời gian tới các giao dịch sẽ được thực hiện bằng công nghệ số và người máy, 60% được thay thế các tác nghiệp thực hiện bằng tự động hóa và người máy.

Việt Nam hiện trong top 20 quốc gia có dân số sử dụng internet nhiều nhất thế giới; trong đó 62% người dùng internet mua sắm online... Thống kê đến hết tháng 7-2020, thanh toán qua mã QR tăng gấp gần 2 lần so với đầu năm 2020. Dự báo đến hết năm 2020, sẽ có 70 ngàn điểm thanh toán qua mã QR. Những con số này cho thấy ngành NH Việt Nam có tiềm năng rất lớn để đón công nghệ 4.0. Tuy nhiên, thách thức đặt ra cũng không ít, đó là cần thay đổi về mô hình kinh doanh, mô hình tổ chức, mô hình quản trị, văn hóa kinh doanh.

Tại Bình Phước, tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh đạt đến gần 65%, internet cũng được phổ cập đến các thôn, ấp. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển công nghệ NH số, thanh toán điện tử, chính quyền điện tử, cải cách hành chính ở địa phương. Tuy nhiên, những chuyển động chung của nền kinh tế trong cuộc CMCN 4.0 hiện nay cũng đang đặt ra rất nhiều thách thức cho tỉnh Bình Phước theo kịp các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước về lĩnh vực này.

Những vấn đề đặt ra đối với Bình Phước

Có thể nói, những cơ hội và thách thức của cuộc CMCN 4.0 đối với tỉnh Bình Phước là rất lớn, có tính cấp bách. Để chủ động đón nhận các cơ hội trong việc phát triển kinh tế - xã hội…, Bình Phước cần đặt quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện mục tiêu và nội dung phát triển công nghệ thông tin theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, việc xây dựng đô thị thông minh đang là xu thế của nhiều nước trên thế giới và nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc xây dựng đô thị thông minh, tỉnh cần phải có lộ trình, có kế hoạch và nội dung cụ thể. Trong đó xác định, đô thị thông minh của Bình Phước phải là đô thị đổi mới sáng tạo, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, công nghệ thông tin và truyền thông là phương tiện hỗ trợ thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị thông minh. Công nghệ thông tin là phương tiện nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và tạo ra môi trường làm việc giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp một cách có hiệu quả nhất, đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên. Ngoài ra, việc thu hút nguồn nhân lực, các chuyên gia công nghệ thông tin có trình độ cao, chuyên gia công nghệ thông tin giỏi về Bình Phước sẽ gặp khó khăn vì nhiều lý do. Vì vậy, tỉnh cần khẩn trương đào tạo lại đội ngũ cán bộ, đặc biệt là tuyển dụng và đào tạo cán bộ công nghệ thông tin, trình độ công nghệ thông tin, tái cơ cấu nguồn nhân lực ở địa phương để tạo nguồn vững chắc về nhân lực trong cuộc CMCN 4.0. Song song đó, Bình Phước cần quan tâm đến quản lý tài chính, tiền tệ, an ninh tài chính, quản lý các giao dịch thanh toán trên địa bàn nhưng cũng có những công việc cụ thể đảm bảo sự triển khai đồng bộ của các ngành, doanh nghiệp với sự thay đổi của hệ thống NH ở địa phương.

Một trong những trở ngại hiện nay của tỉnh là khi công nghệ phát triển thì vấn đề rủi ro về công nghệ thông tin tăng, đặc biệt an ninh mạng, thanh toán, dữ liệu, vấn đề bảo mật. Thêm vào đó, do hành lang pháp lý cho vấn đề này chưa hoàn chỉnh, khuôn khổ pháp lý còn chậm đã làm giảm cơ hội và tăng rủi ro pháp lý. Tuy vấn đề này do các cơ quan Trung ương, tại hội sở chính triển khai nhưng Bình Phước cần rà soát lại toàn bộ văn bản hành chính có liên quan do UBND tỉnh ban hành, chỉnh sửa, bổ sung hay thay thế đảm bảo phù hợp với chính quyền điện tử, với dịch vụ công trực tuyến và với giao dịch một cửa hiện nay trên địa bàn.

Ngoài ra, mỗi định chế tài chính, như NHTM, NH chính sách xã hội, NH phát triển, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư… đang xây dựng chiến lược kinh doanh mới cho riêng mình trong thời đại công nghệ số song song với việc đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng thông tin, an ninh bảo mật... và quan trọng hơn cả là một khuôn khổ hành lang pháp lý. Những vấn đề nêu trên bắt buộc các đơn vị trong hệ thống trên địa bàn tỉnh Bình Phước phải triển khai nhưng vấn đề đặt ra đó là việc kết nối, phối hợp và tương thích của các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và sự sẵn sàng của người dân trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cần chỉ đạo, có chỉ thị các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai và thực hiện nghiêm túc quy định của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ công, các tổ chức và cơ sở kinh doanh. Đây cũng là nền tảng phát triển thương mại điện tử và góp phần xây dựng chính quyền điện tử theo đúng mục tiêu và tiến độ theo yêu cầu.  

Đặng Hà Giang
Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Phước

  • Từ khóa
99299

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu