Thứ 3, 16/04/2024 19:59:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Khoa học - Công nghệ 10:20, 28/09/2020 GMT+7

Những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đời sống xã hội - Bài 1

Thứ 2, 28/09/2020 | 10:20:00 2,918 lượt xem

CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TRONG CUỘC CÁCH MẠNG 4.0

BPO - Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Điều đó tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng. Sự xuất hiện của loạt các công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo, tự động hoá, điện toán đám mây dữ liệu lớn… đang làm thay đổi mạnh mẽ các ngành và lĩnh vực. Đặc biệt, ứng dụng các công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh đang từng bước tạo ra sự thay đổi vượt bậc trong đời sống kinh tế - xã hội.

Thời cơ trong xây dựng chính quyền điện tử

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra rất nhiều cơ hội và thách thức cho Bình Phước trong xây dựng và vận hành chính quyền điện tử, từ tỉnh, đến các huyện, thị, thành phố và các xã, thị trấn. Những cơ hội đó là, giảm chi phí nhân sự cho bộ máy hành chính, đơn giản thủ tục hành chính, thực hiện giao dịch một cửa về thủ tục như: cấp sổ đỏ quyền sử dụng đất ở và nhà ở, giấy phép xây dựng, đăng ký kinh doanh, tờ khai thuế, hải quan, hộ khẩu và hộ tịch, hộ chiếu, bảo hiểm xã hội… giải quyết thủ tục hành chính nhanh và gọn. Thực hiện các dịch vụ công; nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong điều hành bộ máy hành chính, kể cả các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể và các đơn vị sự nghiệp của Bình Phước. Kết nối và chia sẻ cơ sở dữ liệu chung trong toàn quốc, toàn ngành và toàn tỉnh Bình Phước.

Việc giải quyết các thủ tục hành chính và quản lý, điều hành của chính quyền và cơ quan quản lý các cấp trở nên minh bạch hơn. Đội ngũ cán bộ và nhân viên trong bộ máy hành chính của Bình Phước nhanh chóng thay đổi tư duy và phong cách làm việc, phải tự mình nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và công nghệ. Bộ máy hành chính các cấp ở Bình Phước cũng dần được cải cách, sắp xếp và bố trí lại, các văn bản hành chính và các quy định điều hành, các quy định nội bộ phải được hoàn thiện. Các chi phí hành chính, như văn phòng phẩm, cước phí bưu chính, chi phí phương tiện và đi lại, hội họp, tổ chức triển khai… của bộ máy hành chính, của các ngân hàng, doanh nghiệp và người dân để lo các thủ tục hành chính thuyên giảm đáng kể. Những cơ hội tiếp theo là chỉ số cạnh tranh của tỉnh, sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư của Bình Phước sẽ được nâng lên.

Máy bay máy phun thuốc tự động, một thiết bị tiên tiến trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0

Tiến độ và hiệu quả triển khai chính quyền điện tử trong toàn tỉnh Bình Phước, cũng như chuyển động đồng bộ, kịp thời của các đơn vị chức năng theo ngành dọc cũng tạo điều kiện cho các ngân hàng trên địa bàn tỉnh thực hiện có hiệu quả dịch dịch ngân hàng điện tử. Đặc biệt là công nghệ Blockchain, Fintech và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước năng động hơn, xã hội văn mình hơn.

Song song đó, sự triển khai nhanh, hiệu quả ứng dụng công nghệ 4.0 của các ngân hàng trên địa bàn cũng thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin của cấp chính quyền, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp ở Bình Phước, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của địa phương.

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), nhiều công nghệ mới tiếp tục ra đời, tính phổ biến ngày càng cao, chi phí ngày càng thấp, đồng thời vòng đời các sản phẩm và dịch vụ ứng dụng công ngày càng ngắn. Đặc biệt, với sự ra đời và bùng nổ của hàng loạt các công nghệ mới theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên khi triển khai xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh sẽ dễ rơi vào tình trạng lạc hậu về công nghệ (do mất nhiều thời gian để xây dựng kế hoạch tổng thể, chi tiết, xác định lộ trình thực hiện...). Vì vậy, việc lựa chọn phương án tối ưu để tiến hành triển khai là vấn đề khó khăn cần cân nhắc.

Thách thức cho các doanh nghiệp ở Bình Phước

Bên cạnh những thời cơ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho tất cả các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ở tỉnh Bình Phước. Trong đó, tác động lớn nhất là hệ thống ngân hàng; hệ thống tài chính (bảo hiểm, thuế, hải quan, kho bạc, tín dụng đầu tư phát triển, quản lý công sản, kiểm toán)…; hệ thống bưu chính viễn thông, điện lực, giao thông, y tế, nước sạch và môi trường, giáo dục đào tạo. Cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đó là tăng doanh số, thu hút khách hàng mà không cần tăng nguồn nhân lực, thậm chí là giảm cán bộ, công nhân, viên chức, tăng hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí hành chính và quản lý.

Nông nghiệp trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 có sự liên kết 4 nhà với ngân hàng

Các ngành nói trên trước tiên phải thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các dự án tin học, dự án hiện đại hóa, dự án đổi mới công nghệ đồng bộ trong toàn hệ thống ngành dọc được triển khai từ Trung ương đến các địa phương của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong cuộc cách mạng 4.0 đó là sự chuyển động của các cấp chính quyền, các cơ quan hành chính, các doanh nghiệp ở Bình Phước phải đảm bảo sự đồng bộ và kết nối hiệu quả với các ngành dọc chuyên môn, các ngành kinh doanh nói trên.

Đối với doanh nghiệp trên địa bàn Bình Phước thuộc các tập đoàn kinh tế, như: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, hóa chất, xăng dầu, dệt may, viễn thông... thì việc triển khai các chương trình và dự án trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tùy thuộc vào tập đoàn mẹ, từ trụ sở chính. Nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp của tỉnh Bình Phước thì đang có những thách thức lớn do vốn đầu tư, do khả năng tiếp thu tiến bộ khoa học công nghệ, do đội ngũ cán bộ, do cơ sở vật chất kỹ thuật…

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo điều kiện cho việc hình thành có hiệu quả các chuỗi liên kết giá trị giữa doanh nghiệp và người sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn trong sản xuất và thụ nông sản mà Bình Phước có thế mạnh, như: cao su, hồ tiêu, điều,… Các mặt hàng gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ và có thể là xuất khẩu, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Mối liên kết chuỗi giá trị này có thể giữa ngân hàng - doanh nghiệp và người sản xuất nhờ công nghệ thông tin, chưa sẻ và kết nối cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường và xuất xứ nguồn gốc sản phẩm, nhất là trong điều kiện Việt Nam đang triển khai EVFTA bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8-2020.

Đây là cơ hội cho tỉnh Bình Phước phát triển nền sản xuất nông nghiệp sạch, có giá trị gia tăng cao, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn, khai thác thế mạnh địa phương, nâng cao sản lượng, giá trị các mặt hàng xuất khẩu nông sản chủ lực và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đặng Hà Giang
Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Phước

>> Bài cuối: 4.0 trong phát triển kinh tế - xã hội

  • Từ khóa
99298

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu