Thứ 6, 26/04/2024 08:09:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:21, 12/12/2019 GMT+7

Nỗi buồn tiêm chủng vùng sâu

Phương Dung
Thứ 5, 12/12/2019 | 06:21:00 774 lượt xem
BP - Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 2 trường hợp mắc uốn ván sơ sinh (UVSS) tại 2 xã Lộc Tấn và Lộc An, huyện Lộc Ninh. Đây là hậu quả của việc một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số không tuân thủ nghiêm khuyến cáo của ngành y tế trong quá trình mang thai và sinh con. Làm thế nào để người dân ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức, chủ động chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tham gia tiêm chủng đầy đủ vẫn là thử thách đối với ngành y tế thời gian qua.

Chủ quan với thai kỳ

Đã trải qua 2 lần “vượt cạn” tại nhà thành công nên đến lần thứ ba, chị Thị Đinh ở ấp 54, xã Lộc An tiếp tục sinh con tại gia và cũng được bà mụ cắt rốn cho bé bằng lưỡi lam không được tiệt trùng. Nhưng lần này, vợ chồng chị “kém may mắn”. Sau khi sinh 5 ngày, bé Điểu Tiến, con trai chị Thị Đinh, bị sốt và được Trung tâm Y tế huyện Lộc Ninh chuyển tuyến về Bệnh viện Nhi Đồng, sau đó là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP. Hồ Chí Minh) với chẩn đoán nhiễm UVSS. Anh Nguyễn Văn Bình, chồng chị Thị Đinh, cho biết: Tôi phải bỏ việc để chăm sóc con khoảng 1,5 tháng. Vì lúc đó vợ tôi mới sinh nên sức khỏe yếu, phải ở nhà để chăm sóc 2 con, trong đó con thứ hai mới 2 tuổi, vẫn chưa dứt sữa. Trong quá trình con điều trị, tôi rất lo sợ.

Nhân viên Trạm Y tế phường An Lộc (Bình Long) hướng dẫn phụ huynh về việc tiêm ngừa cho trẻ em

Không riêng gia đình chị Thị Đinh, đa số đồng bào ở ấp 54, xã Lộc An đều sinh nhiều, sinh dày, không được quản lý thai trong suốt thai kỳ và sinh tại nhà. Nguyên nhân do một số chị em e ngại, kinh tế khó khăn, không có phương tiện... Đặc biệt, trong nhận thức của một số người đồng bào, việc bé Điểu Tiến bị nhiễm UVSS chỉ là chuyện “xui rủi”, hoàn toàn không liên quan gì đến việc khám thai đầy đủ, vì “trước giờ toàn đẻ vậy, có mấy đứa bị đâu” - hàng xóm chị Thị Đinh cho biết.

Nếu như suốt 9 tháng mang thai, chị Thị Đinh chỉ khám thai 1 lần do xấu hổ thì chị Thị Đen ở ấp Bù Núi A, xã Lộc Tấn không đi khám thai lần nào. Sau khi sinh bé Điểu Bình An được 6 ngày và thấy con sốt, bỏ bú, miệng cứng, co giật nên gia đình chị Thị Đen đưa bé đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Lộc Ninh và được chuyển tuyến trên như bé Điểu Tiến với chẩn đoán nhiễm UVSS.

Không tiêm ngừa đầy đủ

Sau khi bé Điểu Tiến, Điểu Bình An khỏe mạnh và được xuất viện về nhà chăm sóc, nỗi lo sợ trước đó của vợ chồng chị Thị Đinh, Thị Đen dường như rơi vào quên lãng. Anh Điểu Nhu, y sĩ Trạm Y tế xã Lộc An cho biết: Dù được vận động, nhắc nhở nhiều lần nhưng nay bé Điểu Tiến, con chị Thị Đinh đã 6 tháng nhưng vẫn chưa được tiêm ngừa đầy đủ các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng, chỉ mới tiêm 1 mũi ngừa lao. Còn chị Thị Đen cho biết: Thấy người ta cho con đi tiêm chủng về con bị sốt cao lắm, tự mua thuốc uống không đỡ. Hơn nữa, bé Điểu Bình An có đợt bị viêm phổi, phải xuống Bệnh viện Nhi Đồng điều trị 8 ngày. Đáng lưu ý, sau khi bé Điểu Bình An khỏi bệnh, vợ chồng chị Thị Đen cũng không có ý định cho con chích ngừa đầy đủ vì sợ con bị bệnh, phải ở nhà chăm sóc.

Cán bộ tiêm chủng Trạm Y tế xã Lộc Tấn và Trưởng ban Công tác mặt trận ấp Bù Núi A vận động chị Thị Tiên đưa con đi chích ngừa đầy đủ

10 tháng năm 2019, kết quả tiêm chủng đầy đủ huyện Lộc Ninh đạt 68%, ước tính đến tháng 12 đạt 81%; tiêm ngừa uốn ván cho phụ nữ mang thai đạt 69%, ước tính đến tháng 12 đạt 83%. Bác sĩ Đặng Thị Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lộc Ninh, cho biết: Toàn huyện có 18% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, một số địa bàn người dân sống thưa thớt nên việc tuyên truyền, vận động gặp nhiều trở ngại. Trong đó, khó khăn nhất là một bộ phận đồng bào do nhận thức hạn chế, đời sống kinh tế thấp nên chưa chủ động thực hiện đầy đủ những khuyến cáo của ngành y về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay do nguồn cung vắc-xin 5 trong 1 thiếu nên ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ. Công tác quản lý đối tượng ở một số nơi chưa sát thực tế và người dân lo sợ con bị phản ứng mạnh sau tiêm chủng nên các chỉ tiêu trong chương trình tiêm chủng mở rộng thực hiện thấp.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng

Qua nắm bắt thông tin từ y tế thôn bản, được biết chị Thị Tiên ở ấp Bù Núi A, xã Lộc Tấn mang thai 6 tháng vừa từ rừng về để chuẩn bị sinh con, bác sĩ Trần Viết Cường, Trưởng trạm Y tế xã Lộc Tấn đã tức tốc ứng trước 2 liều vắc-xin uốn ván, 2 lần mang vào tận nhà để chích ngừa cho chị Thị Tiên. Thế nhưng đến nay, mặc dù con đã gần tròn 1 tuổi, nhiều lần được vận động, nhắc nhở nhưng chị Thị Tiên vẫn không đưa con đi chích ngừa đầy đủ. Để chứng minh cho sự thiếu hợp tác của chị, dù trưa nắng gắt, bác sĩ Cường cùng phóng viên đến tận nhà chị Thị Tiên để tuyên truyền. Sau một lúc lâu gọi cửa, chị Thị Tiên mới bế con ra và câu đầu tiên nói với chúng tôi là “không có chích ngừa đâu nha”. Chị Thị Tiên cho rằng bản thân không có phương tiện đưa con đi chích ngừa và chích ngừa khiến con bị sốt, lại không có thời gian chăm sóc.

Để quản lý được đối tượng tiêm chủng tại những điểm lẻ, Trạm Y tế xã Lộc Tấn đã tự mua máy tính, sử dụng kinh phí cá nhân kết nối mạng để kịp thời cập nhật, tránh bỏ sót đối tượng. Vì vậy, 11 tháng năm 2019, toàn xã có 148/164 trẻ được tiêm ngừa 10 bệnh truyền nhiễm, đạt 90%, ước cuối năm đạt 93%; 122 lượt phụ nữ mang thai được tiêm ngừa uốn ván đầy đủ. Hiện trên phần mềm quản lý đối tượng, năm 2019, toàn xã Lộc Tấn chỉ còn 9 trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ thuộc ấp Bù Núi A và Bù Núi B.

Chị Dương Thị Ngọc Mai, cán bộ phụ trách tiêm chủng Trạm Y tế xã Lộc Tấn chia sẻ: Mỗi tháng, trạm đều tổ chức tiêm tại trạm vào 1 ngày cố định, nhưng riêng 2 ấp Bù Núi A và Bù Núi B thì phải tổ chức thêm 1 ngày khác tại điểm lẻ ngay trung tâm ấp để tạo điều kiện cho phụ huynh đưa con đến chích ngừa. Nhưng lần nào cũng chỉ 1/3 số trẻ được đưa ra chích ngừa, còn lại không được đến vì cha mẹ vắng nhà, sợ con bị ốm, sốt và nhiều lý do khác.

Tại 2 ấp Bù Núi A và Bù Núi B hiện còn khoảng 20% đồng bào sinh con tại nhà. Sau trường hợp bé Điểu Bình An ở ấp Bù Núi A nhiễm UVSS, Trạm Y tế xã Lộc Tấn đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao kiến thức quản lý thai. Đồng thời, khuyến cáo phụ nữ mang thai không sinh con tại nhà mà đến các cơ sở y tế để chủ động bảo vệ sức khỏe mẹ và bé. Tuy nhiên, do nhận thức còn hạn chế, phụ nữ mang thai ở 2 ấp này vẫn giữ thói quen sinh tại nhà vì xấu hổ và kinh tế khó khăn. Để chủ động phòng ngừa, trạm đã cấp găng tay, cồn sát trùng cho các bà mụ nhưng có người không nhận, có người không sử dụng do chưa quen. Do công tác vận động quá khó khăn nên y tế thôn bản ở 2 ấp này thường xuyên thay đổi khiến việc quản lý đối tượng khó chồng khó.

Huy động hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Để khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số đưa trẻ đến tiêm chủng đầy đủ, có tháng nhân viên Trạm Y tế xã chủ động phối hợp Đoàn thanh niên xã Lộc Tấn vận động mỗi đoàn viên đóng 50 ngàn đồng để mua sữa, thuốc hạ sốt và thuốc bổ tặng trẻ khi đến điểm tiêm chủng. Năm 2019, nhằm chủ động ngừa uốn ván cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trạm tổ chức chiến dịch tiêm uốn ván cho phụ nữ ở 2 ấp Bù Núi A và Bù Núi B. Thế nhưng ở vòng 1 không có chị em nào đến tiêm chủng do sợ tiêm về bị... đau nhức. Ở vòng 2, trạm tham mưu UBND xã trích kinh phí hỗ trợ mỗi chị 30 ngàn đồng khi đến tiêm chủng, kết quả có 284/315 phụ nữ được tiêm, đạt 90%. Thực hiện chiến dịch uống vắc-xin bại liệt bổ sung cho trẻ em dưới 5 tuổi tại vùng nguy cơ cao, toàn xã có 89% trẻ được uống ngừa cũng nhờ phương pháp nêu trên.

Chồng chị Thị Đen, anh Điểu Xanh nghĩ rằng, con bị nhiễm UVSS là do “xui”, và thản nhiên cho rằng: “Lần trước vợ tôi cũng đẻ tại nhà, bé lọt lòng mẹ, bà đỡ cũng dùng dao cắt rốn mà có sao đâu, chỉ phải trả công con gà và 50.000 đồng”.

Bác sĩ Trần Viết Cường, Trưởng trạm Y tế xã Lộc Tấn, chia sẻ: Mặc dù biết phương pháp này không bền vững nhưng chúng tôi vẫn tổ chức thực hiện để thu hút bà con đến điểm tiêm chủng. Khi tiếp cận, chúng tôi dành nhiều thời gian tuyên truyền về tầm quan trọng của chương trình tiêm chủng, giúp người dân dần thay đổi hành vi và hợp tác, chia sẻ cùng nhân viên y tế.

Duy trì và phát huy kết quả về tiêm chủng mở rộng nói riêng và công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, thời gian tới, Trạm Y tế xã Lộc Tấn xây dựng kế hoạch phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện kế hoạch hóa gia đình nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên. Đối với công tác tiêm chủng mở rộng, trạm tăng cường tuyên truyền vận động, viết thư mời và gọi điện thoại nhắc nhở gia đình có trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng thực hiện đầy đủ các mũi tiêm, đúng lịch, nâng cao tỷ lệ tiêm ngừa, nhất là các mũi sởi - rubella, bạch hầu - ho gà - uốn ván. Chú trọng công tác phát hiện sớm để quản lý phụ nữ mang thai, tiêm ngừa uốn ván đầy đủ. Đồng thời, tiếp tục duy trì điểm tiêm chủng lưu động tại các ấp có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và vận động nguồn lực để hỗ trợ nhằm khuyến khích bà con tham gia đầy đủ chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

  • Từ khóa
94659

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu