Thứ 6, 26/04/2024 11:02:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:23, 16/01/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Những bất cập trong Bộ luật Dân sự

Thứ 6, 16/01/2015 | 07:23:00 4,941 lượt xem
BP - Bộ luật Dân sự hiện hành được Quốc hội khóa XI, kỳ họp lần thứ 7 thông qua toàn văn ngày 14-6-2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2006. Sau hơn 6 năm được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, Bộ luật Dân sự năm 2005 tuy đã phát huy nhiều vai trò nhưng cũng bộc lộ những bất cập. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bất cập này là do có nhiều quy định trong bộ luật không phù hợp truyền thống cũng như thực tiễn cuộc sống hội nhập hiện nay.

Cụ thể, tại Điều 645 của Bộ luật Dân sự hiện hành có quy định như sau: Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 3 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Luật quy định là vậy, nhưng đối với trường hợp khi một người bị tòa án tuyên bố đã chết thì việc xác định ngày chết (thời điểm mở thừa kế) như quy định trên có thể sẽ không còn thời hiệu để giải quyết khởi kiện thừa kế hoặc thời gian còn lại để khởi kiện là ngắn, nên sẽ không bảo vệ tốt quyền lợi của người thứ ba (như chủ nợ) hay của người không trực tiếp quản lý di sản. Vì vậy, theo ý kiến của cá nhân tôi thì thời hiệu khởi kiện về thừa kế nên tăng thêm và có quy định về thời điểm bắt đầu trong trường hợp một người bị tòa án tuyên bố đã chết.

Cũng quy định trên với thời hiệu 10 năm đã khiến không ít người bị mất trắng quyền khởi kiện chia thừa kế đất đai, bởi trước kia quyền sử dụng đất (QSDĐ) chưa được coi là di sản, đến khi là di sản thì đã hết thời hiệu. Để khắc phục sự bất cập này, ngày 10-8-2014, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP. Nhưng nội dung hướng dẫn ở Điểm 2.4, Điều 2, mục I trong văn bản này lại dẫn đến bất cập khác, như sau: Trong 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và đều thừa nhận di sản chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Đây là trường hợp có tranh chấp và có yêu cầu tòa giải quyết, nhưng hướng dẫn trên không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung.

Bất cập tiếp theo là trong Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 168 quy định: Việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Với quy phạm này thì việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn có 2 phần rõ rệt: Thứ nhất là nguyên tắc chính (chuyển quyền sở hữu bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký) và quy định “thòng” (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác). Sở dĩ có quy định “thòng” này là do nhiều nhà lập pháp lo ngại sự phát sinh, đổi thay các quan hệ xã hội nên khi soạn luật thường làm vậy cho chắc ăn, dễ áp dụng nhưng hậu quả là sẽ phá vỡ nguyên tắc chính của điều luật, tạo sự không thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Và nếu căn cứ vào phần quy định “thòng” này mà các văn bản luật chuyên ngành quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản hoàn toàn khác nhau, thậm chí mâu thuẫn khi áp dụng. Cụ thể, trong khi bất động sản là QSDĐ thì Luật Đất đai đã quy định rõ về việc chuyển QSDĐ có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại văn phòng đăng ký QSDĐ, trong khi với bất động sản là nhà ở thì Luật Nhà ở quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản kể từ lúc hợp đồng được công chứng đối với giao dịch về nhà ở.

Như vậy, một vấn đề nữa được phát sinh trong trường hợp sau: Có một khối tài sản thống nhất không thể tách rời là nhà - đất, vậy thì thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản là lúc giao dịch được công chứng hay lúc tài sản này được đăng ký với cơ quan nhà nước? Trong khi đó, giữa hai khoảng thời điểm từ công chứng đến khi đã đăng ký sở hữu là khá dài và chủ thể phải thực hiện không ít thủ tục. Hay với trường hợp bất động sản là nhà ở, thì Luật Nhà ở đã quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản là khi công chứng giao dịch, nhưng với giao dịch góp vốn từ thành viên vào công ty thì Luật Doanh nghiệp lại quy định là thời điểm đăng ký sở hữu...

Từ những phân tích trên cho thấy, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự là rất cần thiết. Và để những quy định của Bộ luật Dân sự thực sự đi vào cuộc sống thì những quy định, chế tài phải được xây dựng từ thực tiễn của cuộc sống.                      

Đoàn Luật Gia

  • Từ khóa
12453

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu