Thứ 6, 26/04/2024 13:45:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:08, 17/01/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Giao kết hợp đồng vẫn có giá trị

Thứ 7, 17/01/2015 | 13:08:00 3,078 lượt xem
BP - Tại Điều 418 trong dự thảo Bộ luật Dân sự có quy định: Trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự sau khi bên được đề nghị giao kết hợp đồng trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng thì đề nghị giao kết hợp đồng vẫn có giá trị. Tương tự, tại Điều 419 có quy định: Trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự sau khi bên được đề nghị giao kết hợp đồng trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng thì đề nghị giao kết hợp đồng vẫn có giá trị.

Để xem xét tính phù hợp của quy định trên, tôi xin nêu ra dưới đây một ví dụ như sau: Ông A là kiến trúc sư, gửi cho công ty B một đề nghị giao kết hợp đồng. Theo đó, ông A sẽ thiết kế cho công ty B một công trình kiến trúc. Lời đề nghị này được công ty B chấp thuận. Nhưng sau khi nhận được trả lời của công ty B, ông A mắc bệnh hiểm nghèo và đã chết. Trong trường hợp này, theo quy định tại Điều 418 của dự thảo, lời đề nghị của ông A vẫn có giá trị ràng buộc, nghĩa là hợp đồng giữa ông A với công ty B đã được ký kết và có hiệu lực. Ông A chết thì người thừa kế - người thay thế nghĩa vụ của ông A phải thực hiện hợp đồng trên. Trong khi đó, người con trai duy nhất của ông A - là người thừa kế và là người thay thế nghĩa vụ của ông A lại là một nhà giáo. Vì vậy, trong trường hợp cụ thể nói trên thì chỉ ông A mới có thể thực hiện được nghĩa vụ hợp đồng, vì người thừa kế của ông A không phải là kiến trúc sư. Hơn nữa, nếu con của ông A dù có là kiến trúc sư thì cũng không thể thực hiện được nghĩa vụ thiết kế theo hợp đồng.

Mặt khác, quy định trên đây mâu thuẫn với nội dung được nêu trong Khoản 3, Điều 445 của dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi. Theo đó, Khoản 3, Điều 445 quy định như sau: Hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây: Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân chấm dứt mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện. Như vậy, bên đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự sau khi bên được mời giao kết hợp đồng trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng thì đề nghị giao kết hợp đồng vẫn có giá trị theo quy định tại Điều 418 của dự thảo và cũng ngay lập tức bị chấm dứt hiệu lực theo quy định của Khoản 3, Điều 445 của dự thảo.

Tại Điều 419 của dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi có quy định như sau: Trường hợp bên được đề nghị đã chấp nhận giao kết hợp đồng nhưng sau đó chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì việc trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có giá trị. Và với quy định như trên thì hậu quả pháp lý của điều 419 cũng tương tự trong trường hợp công ty B là bên đề nghị và ông A - kiến trúc sư là bên được đề nghị.

Từ những lập luận nói trên, tôi đề nghị để tránh mâu thuẫn với quy định tại Khoản 3, Điều 445 của dự thảo và sẽ gây nhiều khó khăn cho việc áp dụng, nên sửa đổi quy định tại các điều 418 và 419 của dự thảo theo hướng bổ sung cụm từ “trừ trường hợp việc thực hiện hợp đồng sau này phải do chính người đó thực hiện”.            

Lg: Vĩnh Hòa

  • Từ khóa
12462

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu