Thứ 3, 30/04/2024 22:53:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:53, 17/09/2013 GMT+7

Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam của ngành giáo dục

Thứ 3, 17/09/2013 | 08:53:00 351 lượt xem

Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Quyết định số 3704/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 của ngành Giáo dục. Dưới đây là những nội dung chính của chương trình này.


Về nguồn là hoạt động giáo dục truyền thống hữu ích cho ĐVTN. Trong ảnh: Chi đoàn Báo Bình Phước tổ chức cho đoàn viên về nguồn tại Bom Bo (Bù Đăng) - Ảnh: H.L

Mục tiêu của chương trình là nhằm giáo dục học sinh, sinh viên về lòng yêu nước, lý tưởng đạo đức, cách mạng, lối sống, tinh thần tự tôn dân tộc, ý thức chấp hành pháp luật, có trách nhiệm với bản thân và xã hội, tôn trọng quy ước cộng đồng. Nâng cao trình độ học vấn, ý thức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ cho thanh niên đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao, gắn đào tạo với thực tiễn. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục thể chất, thể dục thể thao cho học sinh, sinh viên và tăng cường công tác giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống.

Từ mục tiêu trên, chương trình đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể như sau: Hàng năm, 90% thanh niên thuộc lứa tuổi học sinh, sinh viên được học nghị quyết của các cấp ủy Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước liên quan đến đời sống, học tập; Phấn đấu sau năm 2016, đạt trên 99%. Đến năm 2020, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở trung học cơ sở là 95% và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông hoặc tương đương; có 70% trẻ em khuyết tật được đi học. Đến năm 2020, 80% thanh niên là học sinh được giáo dục hướng nghiệp; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và đại học đạt khoảng 70%; tỷ lệ sinh viên trên một vạn dân vào khoảng 256; có ít nhất 80% thanh niên được trang bị kỹ năng sống, kiến thức bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản, xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình. Đến năm 2020, tỷ lệ người biết chữ từ 15 tuổi trở lên đạt 98%, trong đó tỷ lệ người biết chữ độ tuổi 15 - 35 đạt trên 99%. Đảm bảo tỷ lệ người biết chữ bằng nhau giữa nam và nữ. Ưu tiên xóa mù chữ cho đối tượng nữ vùng khó khăn trong độ tuổi thanh niên. Phấn đấu có 5% số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước có trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên vào năm 2015 và đạt 30% vào năm 2020.  

Để đạt được các chỉ tiêu trên, chương trình đã đề ra một số giải pháp cụ thể: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc triển khai chiến lược gắn với chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020. Xây dựng cơ chế và tổ chức tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, tham gia tích cực, bình đẳng của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên và cộng đồng trong triển khai chiến lược. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tin, báo chí tổ chức các chương trình tuyên truyền thường xuyên, định kỳ trong tất cả các trường học, cơ quan quản lý giáo dục các cấp bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn; tổ chức nhân rộng kinh nghiệm hay về công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong công tác phát triển thanh niên.

Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật và trách nhiệm của học sinh, sinh viên đối với bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội; kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức, xây dựng lối sống mới có văn hóa trong học sinh, sinh viên. Nâng cao vai trò của thanh niên trong các nhà trường qua các hoạt động, tham gia vào các sự kiện chính trị, thời sự lớn của đất nước, tham gia phản biện xã hội. Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, lịch sử và truyền thống dân tộc, niềm tự hào và ý thức tự tôn dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại cho học sinh, sinh viên.

Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chú trọng bồi dưỡng năng lực làm việc độc lập, sáng tạo; Kỹ năng thực hành, khả năng lập thân, lập nghiệp của học sinh, sinh viên; Xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ trên các lĩnh vực. Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện về học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ cho học sinh, sinh viên.

Rà soát các kiến thức trong nhà trường về giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, pháp luật cho thanh niên, phòng chống các tệ nạn xã hội, phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, lạm dụng rượu, bia, thuốc lá.

Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và trên thế giới, các tổ chức trong khu vực và quốc tế có tiềm năng và nhiều kinh nghiệm nhằm chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và huy động nguồn lực cho việc tổ chức thực hiện Chiến lược. Tổ chức các hoạt động giao lưu với đại diện tiêu biểu lưu học sinh hàng năm với học sinh, sinh viên trong nước thông qua hội nghị, diễn đàn…

PV

  • Từ khóa
83295

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu