Thứ 4, 08/05/2024 08:52:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 16:27, 16/11/2013 GMT+7

Sự thật về làng ung thư ở Bình Phước

Thứ 7, 16/11/2013 | 16:27:00 4,704 lượt xem

Thời gian gần đây, nhiều báo mạng liên tục đưa những thông tin về bệnh ung thư ở Bình Phước. Hết thôn ung thư ở xã Bình Tân (Bù Gia Mập) đến làng ma ám ở ấp Sở Líp, xã Phước An (Hớn Quản).  Mới đây lại xuất hiện bài viết “Tang thương bao trùm vì ung thư ở Bình Phước” của tác giả Thế Bình, đăng trên báo Lao Động điện tử viết về nhiều trường hợp người dân chết vì ung thư ở ấp Thanh Sơn, xã Thanh An và ấp 8, xã An Khương (Hớn Quản). Những thông tin trên đã làm cho người dân hoang mang, lo lắng. Để làm sáng tỏ vấn đề trên, Báo Bình Phước đã phỏng vấn trực tiếp bác sĩ Tô Đức Sinh, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh.

Phóng viên: Thưa bác sĩ, thời gian gần đây, trên mạng xuất hiện thêm nhiều bài viết về làng ung thư ở Bình Phước. Bác sĩ nghĩ gì về những thông tin này?

Bác sĩ Tô Đức Sinh: Về bài viết “Tang thương bao trùm vì ung thư ở Bình Phước” tôi đã đọc kỹ để xem nội dung có xuyên tạc sự thật như bài viết về làng ma ám ở ấp Sở Líp hay không. Trước khi bài này đăng trên báo mạng, chúng tôi đã khảo sát các địa điểm được nêu trong bài viết theo phản ánh của cử tri.

Phóng viên: Vậy sự thật thế nào thưa bác sĩ?

Bác sĩ Tô Đức Sinh: Vấn đề mà các báo mạng đưa tin là bịa đặt và sai lệch so với thực tế. Xã Thanh An có địa bàn đồi dốc, dân cư sống tập trung hai bên bờ, triền các con suối. Người dân Thanh An sống chủ yếu bằng nghề nông và làm công nhân cao su. Xã Thanh An có khoảng 2.554 hộ, với 10.370 người sống trong 7 ấp. Ấp Thanh Sơn là trung tâm của xã và cũng là nơi tập trung đông dân cư nhất. Người dân ở ấp Thanh Sơn chủ yếu đi kinh tế mới từ huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) vào năm 1983. Sau nhiều năm xây dựng kinh tế, đời sống của người dân trong xã Thanh An đã nhiều thay đổi tích cực.

Qua điều tra, khảo sát của chúng tôi, từ năm 2010 đến nay, xã Thanh An có 128 trường hợp tử vong. Trong đó, số người tử vong cao nhất là vào năm 2010 với 46 ca. 6 tháng đầu năm 2013 toàn xã có 11 trường hợp tử vong. Tính số người tử vong theo giới tính qua điều tra có 81 trường hợp là nam và 47 là nữ. Tính theo độ tuổi thì người tử vong cao nhất là 97 tuổi và thấp nhất là 17 tháng tuổi.

Riêng tỷ lệ người chết do bị ung thư chỉ chiếm 7,8%. Trong đó, nhiều nhất là ung thư gan có 4 trường hợp, ung thư dạ dày có 3 người, còn các loại khác như ung thư não 1 người và ung thư phổi 1.

 Phóng viên: Bác sĩ có thể nói rõ hơn các vấn đề liên quan đến bệnh nhân tử vong do ung thư ở Thanh An mà các báo mạng đã viết?

Bác sĩ Tô Đức Sinh: Điều tra 10 trường hợp bị ung thư tại xã Thanh An cho thấy ở ấp Thanh Sơn chỉ có 4 ca bao gồm ung thư gan 1 ca, ung thư phổi 1 ca và ung thư não 1 ca, 1 ca còn lại không rõ loại. Ấp Thuận An chỉ có 1 ca ung thư dạ dày vào năm 2010, Trà Thanh và Bù Dinh mỗi ấp có 1 ca bị ung thư gan. Phần lớn bệnh nhân bị ung thư tại xã Thanh An đều có tuổi từ 42 trở lên và chỉ có 1 trường hợp 27 tuổi bị ung thư não.

Phóng viên: Như vậy, xã Thanh An không phải nơi có mầm bệnh ung thư như báo mạng đã viết?

Bác sĩ Tô Đức Sinh: Thông tin từ các báo mạng là hoàn toàn không chính xác. Báo nêu từ năm 2012 đến nay ở ấp An Sơn có 10 trường hợp chết do ung thư, trong khi thực tế ở Thanh Sơn không có bệnh nhân tử vong vì ung thư.

Cũng theo bác sĩ Tô Đức Sinh, xét nghiệm nguồn nước sinh hoạt tại xã Bình Tân mà người dân dùng từ các giếng có độ sâu trên 50m đều đạt tiêu chuẩn cơ bản về các chỉ số lý hóa. Một phần do người dân ngộ nhận khi bị các bệnh như viêm hạch vùng cổ, hạch góc hàm, bứu phần mềm, viêm gan... đi khám và chữa bệnh tại Trung tâm Ung bướu nên nghi là ung thư. Qua xét nghiệm, cơ quan chức năng cũng không phát hiện căn nguyên của bệnh ung thư tại thôn Phước Lộc.

Qua mỗi kỳ tiếp xúc cử tri, người dân luôn phản ánh tình trạng bệnh ung thư tại ấp Thanh Sơn nhưng từ kết quả khảo sát cho thấy, 10 người chết do ung thư là trong 10 năm (2002-2013).

Khảo sát điều kiện sinh hoạt, khí hậu, đất đai... cho thấy, phần đông người dân đều dùng nước giếng đào sâu từ 10-20m để sinh hoạt. Kết quả xét nghiệm nguồn nước về chỉ tiêu lý hóa liên quan đến các bệnh đều nằm trong giới hạn cho phép, kể cả hàm lượng nitra, nitric... Vì vậy có thể kết luận tình hình tử vong ở xã Thanh An là hoàn toàn bình thường, không có sự đột biến, các chỉ số dịch tễ không có chỉ số xác định nguy cơ.

Phóng viên: Vậy còn chuyện “làng ung thư” ở thôn Phước Lộc, xã Bình Tân (Bù Gia Mập) thực hư thế nào, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Tô Đức Sinh: Thôn Phước Lộc được thành lập từ năm 1984. Người dân trong thôn chủ yếu là đi kinh tế mới từ Thanh Hóa và một số tỉnh phía Bắc vào. Toàn thôn hiện có 264 hộ với 1.132 nhân khẩu. Theo điều tra của chúng tôi từ năm 2007 đến năm 2011, toàn xã có 91 trường hợp tử vong với nhiều nguyên nhân. Trong đó, số người chết do bị ung thư các loại chỉ có 13 trường hợp, chiếm tỷ lệ 13,2%, thấp hơn so với số người chết do tai nạn giao thông. Xã Bình Tân trong thời gian từ năm 2007-2011 ở thôn Phước Tân có 25 người chết (có 5 ca bị ung thư), trong khi đó ở Phước Lộc chỉ có 18 trường hợp (có 2 ca bị ung thư).

Tổng hợp 5 năm, xã Bình Tân có 13 ca bị ung thư, chỉ chiếm tỷ lệ 2,3/1.000 dân, nằm trong tỷ lệ chung của Việt Nam.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tấn Phong (thực hiện)

  • Từ khóa
94854

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu