Thứ 6, 26/04/2024 14:44:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:48, 26/07/2017 GMT+7

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27-7-1947 - 27-7-2017)

Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng trên đất Quảng Nam

Thứ 4, 26/07/2017 | 08:48:00 4,115 lượt xem

BP - Cuộc đời Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Thứ đã trở thành huyền thoại, thành tượng đài của lòng yêu nước, đức hy sinh. Nhà điêu khắc, họa sĩ Đinh Gia Thắng đã chuyển tải vào công trình tượng đài Mẹ VNAH lấy nguyên mẫu từ mẹ Thứ. Đây là công trình văn hóa cấp quốc gia có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nhằm tri ân, tưởng nhớ Mẹ VNAH trong cả nước, những người đã hy sinh thầm lặng, hiến dâng người chồng, người con yêu quý của mình vì nền hòa bình, độc lập dân tộc.

Huyền thoại một người mẹ

Mẹ Nguyễn Thị Thứ (1904-2010), sinh ra và lớn lên ở thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mẹ có 12 người con, 1 gái và 11 trai. Cuộc đời mẹ Thứ nuôi con trong những năm tháng lận đận, đói nghèo nhưng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, mẹ lần lượt động viên 10 người con ra chiến trường. Nhưng rồi 9 người con vĩnh viễn không quay về, chỉ người con thứ 8 Lê Tự Thử may mắn sống sót. Người con gái đầu là Lê Thị Trị cùng mẹ bám trụ với xóm làng, vừa sản xuất, vừa đào hầm nuôi giấu cán bộ, du kích đánh giặc giữ làng.

Ngay trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, 3 người con của mẹ Thứ vào Vệ quốc quân và du kích. Trong cùng một năm 1948, mẹ lần lượt nhận tin cả 3 hy sinh. Đó là Lê Tự Xuyến, Lê Tự Hàn Anh và Lê Tự Hàn Em. Con trai Lê Tự Lem vừa tròn 20 tuổi, tham gia bộ đội huyện, hy sinh trong lúc chiến đấu với giặc vào đầu tháng 4-1954. Tiếp đó, 5 người con khác của mẹ lần lượt lên đường, người vào bộ đội, người đi du kích, hoạt động ở nhiều địa phương khác nhau. Trong đó, 4 người hy sinh trong lửa đạn chiến tranh, riêng anh Lê Tự Chuyển là lính biệt động Sài Gòn, hy sinh đúng 9 giờ sáng ngày 30-4 lịch sử, ngay trên cầu Rạch Chiếc cửa ngõ vào thành phố, chỉ trước vài giờ khúc khải hoàn ca chiến thắng vang dậy, non sông thu về một mối.

Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng - niềm tự hào của người dân đất Việt

Mỗi người con ra đi, một khúc ruột của mẹ Thứ như bị cắt rời. Sống trong lòng địch, mẹ chỉ biết nuốt nước mắt vào trong... Nấm mồ này cỏ chưa kịp lên xanh, mẹ lại phải đắp thêm nấm mồ khác. Mỗi lần nghe tin một người con hy sinh, mẹ “cắn răng” khóc thầm. Nhưng đau thương không làm mẹ gục ngã, gạt nước mắt mẹ tiếp tục động viên những người con khác lên đường.

Ở hậu phương, từ chống thực dân Pháp đến đánh đế quốc Mỹ, trong khu vườn của mẹ luôn có 5 căn hầm bí mật dưới bụi tre, gốc mít, nơi mẹ và con gái đầu nuôi giấu hàng ngàn lượt cán bộ, bộ đội, du kích. Bao đêm dài, mẹ thao thức canh chừng nhiều cuộc họp quan trọng của cán bộ, chiến sĩ ngay dưới những căn hầm bí mật trong khu vườn nhà. Trên miệng hầm, mẹ trồng nhiều cỏ, vừa để ngụy trang, vừa phục vụ chăn nuôi gia súc.

30 năm kháng chiến trường kỳ, bao đau thương mất mát tới tấp dội đến gia đình mẹ với “9 đứa con ra đi không một đứa trở về”. Không những thế, người con rể Ngô Tường tham gia cách mạng từ thời chống Pháp, bị bắt năm 1956. Tuy bị tra tấn dã man nhưng ông không khai báo nửa lời và bị đánh đập đến kiệt sức. Cháu ngoại của mẹ là Ngô Thị Cúc và Ngô Thị Điểu gia nhập lực lượng cách mạng từ rất sớm và đều hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.

Ngày 17-12-1994, mẹ Nguyễn Thị Thứ được trao tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH và là người mẹ có nhiều con, cháu hy sinh cho dân tộc nhất.

Tượng đài lớn nhất khu vực Đông Nam Á

Quần thể Tượng đài Mẹ VNAH tọa lạc trên diện tích 16,5 ha tại Núi Cấm, thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Sau hơn 6 năm khởi công xây dựng, tượng đài khánh thành đúng dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (24-3-1975 - 24-3-2015) với tổng mức đầu tư 411 tỷ đồng, từ ngân sách và nguồn vận động.

Trong lòng tượng đài là không gian trưng bày hình ảnh các Mẹ VNAH, diện tích 1.800m2. Đây là nơi ghi danh hơn 100 ngàn Bà mẹ VNAH của cả nước và lưu giữ những ảnh tư liệu, bài thơ, bài hát, câu chuyện hay về mẹ, về phụ nữ Việt Nam qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Ngoài ra, trong quần thể còn có nhà đón tiếp diện tích 800m2, nhà chiếu phim sức chứa 100 người.

Hạng mục chính của công trình là khối tượng Mẹ VNAH được lấy chân dung nguyên mẫu mẹ Thứ. Toàn bộ khối tượng được xây dựng từ các tảng đá granit nguyên khối ghép lại với nhau với tổng trọng lượng cả đá và bê tông khoảng 20 ngàn tấn. Tượng mẹ giống như một ngọn núi nhô cao ở giữa và thoải dần hai bên. Hai bên vách là hình ảnh những người con thấp thoáng gợi tả về một đất nước hòa bình, thống nhất, con cháu mọi miền Bắc, Trung, Nam sum vầy bên mẹ hiền với tình cảm trìu mến, thương yêu. Hồ nước trước tượng có diện tích gần 1.000m3 thiết kế theo hình bán nguyệt nhằm tạo nên sự hòa quyện giữa sơn - thủy. Những làn nước trong vắt chảy lặng lẽ từ các vách đá xung quanh thân mẹ xuống tầng hồ thể hiện sự hiến dâng âm thầm của mẹ với các con, với Tổ quốc.

Vũ Thuyên
(Bài viết có tham khảo tư liệu của đồng nghiệp)

  • Từ khóa
18491

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu