Thứ 5, 25/04/2024 00:16:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 10:41, 15/10/2014 GMT+7

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI LHTN VIỆT NAM TỈNH BÌNH PHƯỚC KHÓA VI, NHIỆM KỲ 2014-2019

Thư gửi Đại hội Hội LHTNVN tỉnh Bình Phước

Thứ 4, 15/10/2014 | 10:41:00 257 lượt xem

>> Tổ chức hội phải là người bạn gần gũi của thanh niên

BP - Hướng về Đại hội đại biểu Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam (HLHTNVN) tỉnh Bình Phước, nhiệm kỳ 2014-2019 với nhiều mong muốn và kỳ vọng. Tôi cũng như bao thế hệ thanh niên Bình Phước mong muốn Hội LHTNVN tỉnh nhà ngày càng lớn mạnh và phát triển, góp phần khẳng định vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương.

 

Nghề nghiệp và việc làm của thanh niên

Hiện nay, thanh niên (từ 16-30 tuổi) chiếm khoảng 26% số dân và chiếm khoảng 34% lực lượng lao động xã hội. Xác định rõ tầm quan trọng của nguồn lực thanh niên đối với sự phát triển của đất nước, Đảng, Chính phủ và xã hội rất quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thực hiện.

Trang bị nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho thanh niên đòi hỏi các cấp Hội LHTNVN khi xây dựng chương trình đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, phải quan tâm nhiều vấn đề quan trọng, trong đó, định hướng học nghề cho thanh niên phải gắn với nhu cầu thực tế của sự phát triển thị trường lao động. Xác định rõ nhu cầu nghề nghiệp và việc làm đối với thanh niên sống ở nông thôn. Quan tâm tới lao động thanh niên là người dân tộc bản địa cần có những chính sách đặc thù cụ thể. Quá trình sắp xếp lại đất đai các nông lâm trường quản lý trên địa bàn tỉnh sẽ tác động đối với lao động thanh niên ở các vùng đó, Hội LHTN tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ hội viên của mình như thế nào?

Kỹ năng quản lý, khả năng tiếp cận các nguồn vốn cũng như tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm khi thanh niên khởi nghiệp cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại khi đầu tư sản xuất kinh doanh. Hội LHTNVN các cấp phải thể hiện được vai trò hỗ trợ, gắn kết bằng những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực để thanh niên vượt qua giai đoạn bỡ ngỡ và khó khăn này để vươn lên làm giàu chính đáng.

Thanh niên yếu thế, thanh niên vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội

Hiện nay, người khuyết tật chiếm khoảng 5% số dân, tỷ lệ người khuyết tật là thanh niên có xu hướng gia tăng hàng năm do bệnh tật, tai nạn và hậu quả của thiên tai. Đây là nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Trong các nhiệm kỳ trước, sự quan tâm của tổ chức Hội LHTNVN đối với họ chưa được nhiều. Chủ yếu dừng lại ở các chương trình trợ giúp mang tính nhân đạo, từ thiện. Điều mà thanh niên yếu thế mong muốn là xã hội đừng nhìn họ với ánh mắt thương hại mà hãy đồng hành, giúp họ vượt qua tự ti, mặc cảm, hòa nhập dễ dàng hơn trong cuộc sống.

Theo số liệu thống kê, đối tượng vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh thiếu niên luôn chiếm tỷ lệ trên 70%. Vai trò của tổ chức Hội LHTNVN trong phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội trong thanh niên cần được xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp hội. Phải có kế hoạch hành động cụ thể, gắn hoạt động của hội ở cơ sở với việc lồng ghép thực hiện các chương trình phòng chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng xã phường lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma túy. Đặc biệt là HLHTN cần gắn các hoạt động với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hội phải thực sự đồng hành, là “mái nhà thân thiện” không kỳ thị, không xa lánh đối với thanh niên vi phạm, tạo môi trường lành mạnh để họ được rèn luyện, thay đổi nhận thức, phấn đấu trở thành công dân có ích cho xã hội.

Sự tham gia của người dân vào các phong trào của Hội LHTNVN

Màu áo xanh luôn mang thông điệp xung kích, tình nguyện, dấn thân vào những việc khó khăn, bức xúc trong xã hội. Điều này đã tạo nên sự đồng thuận to lớn của cộng đồng đối với các hoạt động của hội thời gian qua. Sự tham gia của người dân trong thực hiện các hoạt động chính là thước đo chính xác sự phù hợp của phong trào đối với nhu cầu của xã hội, thái độ của cộng đồng đối với phong trào đó.

Một hoạt động tình nguyện mà chỉ có lực lượng được triệu tập thực hiện, không có sự tham gia của thanh niên địa phương, người dân bàng quan, xem đó không phải là việc của mình thì hoạt động đó chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đây là tình trạng thường xảy ra mà các cấp hội chưa quan tâm.

Chúng ta chỉ có thể nâng cao chất lượng hoạt động của mình qua đánh giá của cộng đồng xã hội. Khi đó hội mới trưởng thành hơn, thực sự là người bạn đáng tin cậy không chỉ đối với thanh niên mà với toàn xã hội.

Lê Trường Sơn
(Nguyên Chủ tịch Hội LHTNVN tỉnh Bình Phước)

  • Từ khóa
81447

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu