Thứ 4, 24/04/2024 06:05:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:39, 13/08/2016 GMT+7

Thể thao dành cho người khuyết tật: khó mà dễ - Bài cuối

Thứ 7, 13/08/2016 | 07:39:00 1,482 lượt xem

>> Bài 1: Cần sự chung tay của cộng đồng

Từ rèn luyện thể chất đến hội thao

Hằng ngày, NKT tìm đến thể thao như một thú vui giải tỏa những lo toan, bộn bề trong cuộc sống, còn khi có hội thao, họ lại tự tin bước vào thi đấu với quyết tâm cao nhất. Đây là tín hiệu đáng mừng của thể thao NKT Bình Phước nhưng làm thế nào để NKT đến với thể thao thường xuyên lại là lộ trình dài, đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị.

Anh Doanh giúp đỡ VĐV khuyết tật đua xe lăn ngồi đúng vị tríAnh Doanh giúp đỡ VĐV khuyết tật đua xe lăn ngồi đúng vị trí

Khuyết tật vẫn đam mê thể thao

Sinh năm 1986 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, khi chưa tròn 1 tuổi, chị Ngô Thị Bích Huyền bị liệt hai chân sau cơn sốt ác tính. Năm 1994, chị theo gia đình lên Bình Phước sinh sống và học may từ năm 15 tuổi để có nghề mưu sinh. Đến 2013, chị lấy chồng là anh Nguyễn Văn Cung. Hiện chị may gia công tại nhà với thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng. Số tiền này chị phụ chồng nuôi con và trang trải sinh hoạt hằng ngày của gia đình. Cuộc sống lặng lẽ với chuỗi ngày ngồi một chỗ may vá đã thay đổi khi gia đình chị chuyển tới ở trọ tại phường Tân Thiện (Đồng Xoài).

Tiệm may Bích Huyền của chị đối diện nhà một cán bộ hội bảo trợ thị xã. Thấy chị có sức khỏe và đôi tay khéo léo, người cán bộ này đã động viên chị làm quen, tập luyện môn đua xe lăn để tham gia hội thao NKT năm 2014. Khi đăng ký chị nghĩ mình chỉ thi cho vui, không ngờ lại giành được huy chương vàng. Đến hội thao năm 2016 vẫn giữ nguyên thành tích giúp chị thấy rõ ý nghĩa và vai trò của thể thao với NKT. Chị Huyền xúc động: “Hằng ngày đi xe lăn, tôi nghĩ như thế là tập luyện thể thao, sức khỏe sẽ được bảo đảm lâu dài để làm chỗ dựa cho con. Nhưng khi tập luyện môn đua xe lăn, tôi mới biết mức độ đòi hỏi phải cao hơn nhiều và tác dụng mang lại cũng thấy rõ. Sau lần về nhất đầu tiên, tôi rất vui. Đến lần về nhất tiếp theo, tôi muốn tập luyện thể dục thể thao thường xuyên hơn. Cùng xe lăn, tôi tập mỗi tuần 2 lần. Hội thao lần thứ 4 (năm 2018), tôi sẽ nỗ lực giành thêm giải về cho đoàn Đồng Xoài”.

Tại 2 kỳ hội thao 2014, 2016, anh Trần Hữu Doanh (34 tuổi) thi đấu nội dung đua xe lăn, cầu lông. Khuyết tật bẩm sinh khiến anh có chiều cao khiêm tốn 1,2m và ít có cơ hội đoạt huy chương. Tuy nhiên, mỗi khi tham gia hội thao, anh lại có cơ hội giúp đỡ bạn đồng cảnh và chứng kiến nghị lực sống của nhiều NKT. Anh Doanh cho biết: “Trước đó, tôi đã biết anh Mai Thành Tâm (hội viên Hội Bảo trợ NKT - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo thị xã Đồng Xoài) khuyết tật vẫn tập luyện bóng bàn mỗi ngày. Từ tập luyện, anh thi đấu với nhiều người bình thường, khỏe mạnh và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Sau hội thao 2014, tôi quyết định tập thể dục (đi bộ). Tuy không có trong nội dung thi đấu của hội thao nhưng thích hợp với dáng người bé nhỏ và có thời gian rảnh như tôi. Đến nay, sức khỏe tôi ổn định, tự tin, hòa đồng, suy nghĩ, tư duy luôn tích cực, linh hoạt. Công việc của tôi là sửa máy tính tại thị xã Đồng Xoài với mức lương 6 triệu đồng/tháng.

Anh Doanh thừa nhận: “Để luyện tập thể thao mỗi ngày, tôi phải trải qua khoảng thời gian dài vượt qua mặc cảm, bởi người dân đi bộ qua nhà (từ ấp 6, xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài ra đường ĐT 741) rất đông. Lúc đầu e ngại nhưng tôi vẫn kiên trì đi bộ, gặp ai cũng nói chuyện, cũng chào. Riết rồi thấy quen, tâm lý muốn né tránh trong tôi biến mất lúc nào không hay. Đến nay, ngày nào tôi cũng dậy đi bộ từ 4 giờ 30 phút sáng để có sức khỏe ổn định tham gia những hội thao tiếp theo”.

Khơi dậy tinh thần thể thao trong NKT

Những gì đạt được sau 3 lần tổ chức hội thao cùng sự quan tâm của cộng đồng và tinh thần thể thao của VĐV khuyết tật trong tỉnh chính là đòn bẩy giúp phong trào thể dục thể thao NKT phát triển. Hiện các công trình thể dục thể thao cũng tạo thuận lợi cho NKT, như đường đi riêng dành cho xe lăn, xe lắc; dụng cụ tập luyện thiết kế phù hợp với mọi đối tượng... và tham gia tập luyện miễn phí, giúp NKT đến với thể dục thể thao ngày một nhiều. Hứa hẹn trong tương lai không xa, thể thao của tỉnh sẽ có thêm những VĐV khuyết tật thi đấu chuyên nghiệp, như Hồ Thị Thu Mai - người giành huy chương bạc môn đẩy tạ tại giải thể thao NKT toàn quốc, tổ chức năm 2015 tại tỉnh Đồng Nai.

Thực tế cho thấy, thể thao NKT tại Bình Phước được đầu tư từ năm 2012 nhưng phong trào thể thao trong NKT thì mới phát triển thời gian gần đây và đa số NKT đang phải tảo tần với nghề bán vé số, phụ hồ... mưu sinh. Hiện khoản trợ cấp hằng tháng không đủ giúp họ ổn định cuộc sống và gánh nặng cơm áo đè nặng khiến nhiều NKT chưa nghĩ tới hoạt động thể dục thể thao. Bên cạnh tâm lý tự ti, nhiều người còn ngại giao tiếp, sống thu mình trong vỏ bọc an toàn tự tạo. Ngay các hội thi văn nghệ, sinh hoạt hội viên họ cũng không muốn tham gia hoặc tham gia không hào hứng.

Ưu tiên những đối tượng yếu thế trong xã hội, như trẻ em, người cao tuổi, NKT, trẻ mồ côi... là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Ông Huỳnh Thiên Tịnh, Trưởng phòng nghiệp vụ Thể dục thể thao (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) khẳng định: “Hội thao NKT là sân chơi lớn nhất dành cho NKT trong tỉnh hiện nay. Tuy các nội dung thi đấu trong hội thao chưa thể phân cấp theo các thể nặng - nhẹ do số NKT tham gia chưa nhiều. Ngành đang tổ chức các hoạt động phát triển phong trào thể thao quần chúng, trong đó có NKT. Khi nhiều NKT tham gia đồng nghĩa với việc ngành có điều kiện phát hiện các VĐV khuyết tật năng khiếu để chọn môn thể thao phù hợp thành lập đội tập luyện tham gia những giải thể thao NKT quy mô lớn hơn”. 

Thế Tường - Cẩm Thơ 

  • Từ khóa
56242

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu