Thứ 6, 26/04/2024 08:18:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:27, 11/10/2018 GMT+7

“Tam nông” trên đất Bình Phước - Bài 1

Thứ 5, 11/10/2018 | 06:27:00 236 lượt xem

BP - Năm 1997, tỉnh Bình Phước được tái lập từ 5 huyện nghèo vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh Sông Bé. Lúc này, tỉnh đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách với 80% số dân phát triển kinh tế dựa vào nông nghiệp, còn công nghiệp chỉ là “số 0” tròn trĩnh. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức cũng như trách nhiệm của các cấp, ngành trong tỉnh đối với sự phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG

Bên cạnh ưu thế có quỹ đất sạch lớn, Bình Phước đã từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông, phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại, dịch vụ và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư. Từ đó, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân khu vực nông thôn.

Dấu ấn “tam nông”

Là tỉnh nghèo tái lập năm 1997, song Bình Phước có điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp phát triển các loại cây công nghiệp và nguồn lao động dồi dào. Sau khi quy hoạch, cơ cấu lại các ngành nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng phát huy các lợi thế của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW về “tam nông”, kinh tế nông nghiệp đã chuyển mình rõ nét, đóng góp lớn cho thu nhập toàn tỉnh. Giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp giai đoạn 2008-2017 tăng bình quân hằng năm 5,95%.

Để nghị quyết trở thành động lực, thay đổi tư duy làm nông nghiệp của người dân, Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch thực hiện và tổ chức hội nghị quán triệt nghị quyết đến 22/22 đảng bộ trực thuộc; đồng thời ban hành Kế hoạch số 53-KH/TU, ngày 20-10-2008 về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW và tổ chức quán triệt trong toàn đảng bộ. Ngay sau khi có Kết luận số 97-KL/TW, ngày 15-5-2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tỉnh ủy xây dựng Kế hoạch số 188-KH/TU, ngày 26-9-2014 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7; ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 6-12-2013 về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2013-2020 và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 25-4-2017 về chuyển đổi, phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2017-2020.

Thực hiện cơ chế đặc thù, nhiều xã trong tỉnh đã hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới

Có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), dân di cư tự do nên cùng với chủ trương phát triển kinh tế, tỉnh luôn quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ đến từng đối tượng, giúp người dân ổn định cuộc sống. Cụ thể là Quyết định số 1576 hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS, giai đoạn 2007-2010 trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 1452 thực hiện đề án quy hoạch cấp điện cho các khu vực dân cư thuộc vùng sâu, xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Bù Đăng, Phước Long theo cơ chế Tây Nguyên; Quyết định số 1507 về chính sách miễn tiền sử dụng đất, thuế trước bạ và lệ phí đối với đất xây dựng nhà ở của đồng bào DTTS thuộc Chương trình 134 trên địa bàn tỉnh..., cùng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành điều; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Từ các chương trình, kế hoạch hiện thực hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW, cả hệ thống chính trị của tỉnh đồng loạt vào cuộc, trong đó mỗi sở, ngành, đoàn thể, địa phương được phân định rõ nhiệm vụ thực hiện. Tỉnh cũng có những chính sách ưu tiên về vốn, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư, chuyển giao khoa học - công nghệ để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tập trung vào các cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao. Đến nay, một số loại cây công nghiệp của tỉnh có diện tích và sản lượng đứng đầu cả nước, như: cao su 237.000 ha, điều 134.300 ha, cà phê 17.000 ha, hồ tiêu 16.000 ha.

Nông thôn Bình Phước còn khoác lên màu áo mới với điểm nhấn là các tiêu chí NTM liên tiếp hoàn thành. Hàng trăm công trình, thiết chế văn hóa được đầu tư sửa chữa, xây mới theo cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. 100% xã có đường ôtô về tới trung tâm; 98,6% hộ dân sử dụng điện; 93,2% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập tiểu học, THCS, giáo dục mầm non 5 tuổi... Mục tiêu đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 36/92 xã đạt chuẩn NTM.

Nông thôn khởi sắc

Theo Quyết định số 679/QĐ-UBND, ngày 7-4-2014 của UBND tỉnh về áp dụng cơ chế đặc thù (tỉnh hỗ trợ xi măng, huyện đối ứng cát, đá và người dân góp công) trong thực hiện NTM giai đoạn 2014-2020, nhiều xã đã hoàn thành tiêu chí giao thông. Trước năm 2014 có rất ít tuyến đường bê tông liên thôn, ấp nhưng chỉ sau 1 năm thực hiện cơ chế đặc thù, nhân dân trong tỉnh đã chung tay làm được 111,23km đường bê tông. Đến năm 2017, toàn tỉnh làm gần 500km. Năm 2018, tỉnh tiếp tục hỗ trợ khoảng 60.000 tấn xi măng cho các huyện, thị xã theo cơ chế đặc thù và cấp cơ sở đã tiếp nhận gần 48.000 tấn. Nối tiếp thuận lợi từ cơ chế này, từ năm 2017 đến nay tỉnh đã mở rộng ra các hạng mục, như nhà văn hóa, cầu, cống, vỉa hè, sân công cộng, cổng, tường rào... và nhận được sự hưởng ứng cao của nhân dân.

Hộ ông Lã Văn Huấn, ở thôn 6, xã Bình Minh (Bù Đăng) chuyển đổi diện tích cây điều, cà phê già cỗi cho năng suất thấp để trồng chanh dây xuất khẩu

“Lấy sức dân làm đường cho dân” là cách làm hay trong thực hiện tiêu chí đường giao thông ở xã Đồng Nơ (Hớn Quản). “Năm 1988, gia đình tôi đến ấp 5, xã Đồng Nơ sinh sống. Nhờ chất đất màu mỡ, trồng cây gì cũng tươi tốt và được mùa. Thời gian đầu gia đình tập trung trồng các loại cây ngắn ngày để bảo đảm lương thực, sau đó mới xuống giống các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, như điều, cao su, hồ tiêu... Khi giá nông sản ở thời “hoàng kim”, mở mắt ra tôi có vài triệu đồng trong tay. Rồi người đi trước rước người đi sau, từ vài hộ ban đầu, giờ ấp 5 có 320 hộ, bình quân mỗi hộ 3-4 ha đất. Dù vài năm gần đây giá nông sản bấp bênh nhưng nhiều hộ trồng xen các loại cây trên cùng diện tích, kết hợp chăn nuôi tăng thu nhập nên toàn ấp hiện chỉ còn 2 hộ nghèo” - ông Hồ Sơn Lâm (62 tuổi) cho biết.

Kinh tế ổn định, nông dân chủ động đóng góp xây dựng NTM, hộ ít thì vài triệu, hộ nhiều lên đến 30 triệu đồng. Đến nay, nhân dân ấp 5, xã Đồng Nơ đã đóng góp 2,5 tỷ đồng cùng Nhà nước làm 8,5km đường bêtông liên ấp. Nhà thầu đổ bêtông đến hộ nào, hộ đó có quyền giám sát chất lượng công trình ngay tại cổng nhà mình. Yếu tố cốt lõi quyết định thành công xây dựng NTM theo cơ chế đặc thù, đó là ngoài sự quan tâm của Đảng ủy, UBND xã, chi bộ, ban điều hành ấp, là sự đồng thuận cao trong nhân dân. Những con đường mới liên tiếp được nhựa hóa, bêtông hóa, cơ sở hạ tầng khang trang đã thể hiện việc đề cao tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng” ở Hớn Quản cùng nhiều huyện, thị trong tỉnh.

Tư duy mới trên cánh đồng cũ

Không còn suy nghĩ “Được mất nhờ trời”, nông dân đã biết bắt tay với doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Ở thị xã Bình Long, nông dân đầu tư thâm canh, sử dụng giống mới năng suất, chất lượng cao, xen ghép nhiều loại cây trồng trên một diện tích, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với độc canh một loại cây trồng như trước.

“Nông dân thời kinh tế mở phải chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, kết nối với doanh nghiệp, nắm bắt được thông tin thị trường chứ không ngồi chờ vận may giá cả, thời tiết”.

 Tỷ phú Đặng Xuân Trinh nói

Trên 2 ha đất trồng điều 3 năm tuổi, ông Đặng Xuân Trinh ở ấp Thanh Hưng, xã Thanh Lương (Bình Long) nuôi 20.000 con gà Bình Định, có thời điểm nuôi gấp đôi. Ông chia vườn thành 6 khu và nuôi gối đầu nhiều lứa. Không phụ thuộc thương lái, ông Trinh chủ động tìm đầu ra, ký bao tiêu sản phẩm. Trong khi nhiều người nuôi gà điêu đứng về đầu ra, dịch bệnh thì trại gà nhà ông Trinh là địa chỉ uy tín với giá bán ổn định 50-70 ngàn đồng/kg tùy thời điểm. Tận dụng đất mặt tiền, ông xây dựng chuỗi cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu và đầu tư xây nhà nuôi chim yến trị giá hàng tỷ đồng. “Trồng trọt phải kết hợp chăn nuôi mới cho thu nhập cao và không lãng phí công lao động” - ông Trinh khẳng định.

Là huyện có diện tích cây công nghiệp lớn nên chiến lược phát triển nông nghiệp của Bù Đăng trong 5 năm tới vẫn là tập trung cho nông nghiệp và hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao. Ngành nông nghiệp huyện đang chuyển dịch cơ cấu theo hướng tạo vùng nguyên liệu, xây dựng các chuỗi sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Diện tích điều, cà phê trồng lâu năm cho năng suất thấp đang được nhà nông chuyển đổi, thâm canh, áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm, nhỏ giọt theo hướng nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 10% diện tích, tương đương 10.000 ha; phấn đấu đến năm 2020 đạt 20% diện tích. Ngành chăn nuôi đóng góp 15% trong cơ cấu nông nghiệp của huyện. Huyện cũng đang xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi khép kín, an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ với số lượng tối thiểu 15 trang trại, quy mô từ 1.000 con trở lên. Đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Bù Đăng đạt hơn 4.200 tỷ đồng/năm, trong khi năm 2008 chỉ đạt 557 triệu đồng.

Ông Nguyễn Huy Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đăng cho biết: Kinh nghiệm của Bù Đăng là triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân để tạo sự thống nhất từ ý chí đến hành động; phát huy sức mạnh nhân dân trong xã hội hóa nông nghiệp; nông dân chủ động liên kết, tương trợ nhau trong sản xuất, lấy điểm nhấn là khơi dậy phong trào thi đua nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi.

Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: “Thành công của Bình Phước trong thực hiện chính sách “tam nông” là cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nông dân xác định mình là chủ thể nên chung sức thực hiện. Do vậy, thu nhập bình quân đầu người tăng lên, năm 2017 ước đạt 44,7 triệu đồng, tăng 3,1 lần so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,11% năm 2008 (theo chuẩn cũ) còn 4,5% năm 2017 (theo chuẩn mới tiếp cận đa chiều). Phấn đấu đến năm 2020, Bình Phước có 50% số xã về đích NTM, 3 thị xã và 1 huyện hoàn thành xây dựng NTM. Từ đó cho thấy, “tam nông” đang là động lực đánh thức tiềm năng của một tỉnh nông nghiệp, tạo đà cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo”.

Ngân Hà

  • Từ khóa
94454

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu