Thứ 5, 02/05/2024 04:35:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 18:14, 04/11/2018 GMT+7

Sự khác biệt giữa “chuyển nhượng” và “mua lại” cổ phần

Chủ nhật, 04/11/2018 | 18:14:00 687 lượt xem

BPO - Luật Doanh nghiệp đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26-11-2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015. Tại Điều 126 của luật này quy định về việc chuyển nhượng cổ phần; tại Điều 129 quy định về mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông và Điều 130 quy định về mua lại cổ phần theo quyết định của công ty. Và trong hoạt động của công ty cổ phần, việc chuyển nhượng cổ phần và mua lại cổ phần đều có chung bản chất là quan hệ mua bán, đây cũng là căn cứ làm thay đổi chủ sở hữu đối với cổ phần được bán hoặc chuyển nhượng trong công ty. Tuy nhiên, giữa hai hình thức trên có những khác biệt. Bài viết dưới dây không ngoài mục đích cùng bạn đọc tìm hiểu về sự khác biệt của hai hoạt động này trong công ty cổ phần.

Xét về bản chất thì việc chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần là việc bán cổ phần giữa những cổ đông trong công ty cổ phần với nhau hoặc với người khác không phải là cổ đông của công ty theo thủ tục và trình tự do Luật Doanh nghiệp quy định. Cụ thể, tại Điều 126 của Luật Doanh nghiệp có quy định: “Cổ phần được tự do chuyển nhượng” trừ những trường hợp pháp luật hoặc điều lệ công ty có quy định khác.

Đối với việc mua lại cổ phần, Luật Doanh nghiệp quy định có 2 hình thức: Thứ nhất là mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông. Theo đó, công ty cổ phần dùng tài sản của mình để mua cổ phần của cổ đông của công ty vì lý do phản đối nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc việc thay đổi quyền và nghĩa vụ của cổ đông nói chung (Điều 129). Thứ hai là mua lại cổ phần theo quyết định của công ty. Theo đó, công ty có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán trong một số trường hợp nhất định (Điều 130).

Về chủ thể tham gia, đối với việc chuyển nhượng cổ phần thì bao gồm: Bên bán là các cổ đông và bên mua là các tổ chức, cá nhân có nhu cầu góp vốn. Còn đối với mua lại cổ phần thì bao gồm: Bên bán là cổ đông và bên mua chính là công ty cổ phần.

Xét về điều kiện, luật quy định cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, tuy nhiên luật cũng hạn chế đối với 2 trường hợp sau: Thứ nhất, cổ đông sáng lập trong thời hạn 3 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác kể từ ngày công ty được cấp gấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó. Hạn chế của quy định này không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty. Thứ hai là cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác.

Đối với mua lại cổ phần thì luật quy định cụ thể là chỉ được thực hiện trong 3 trường hợp: Thứ nhất là cổ đông biểu quyết phản đối quyết định về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại điều lệ. Thứ hai là hội đồng quản trị có quyền quyết định mua lại không quá 10% tổng số cổ phần của từng loại đã được chào bán trong 12 tháng. Thứ ba là công ty có thể mua lại cổ phần của từng cổ đông tương ứng với tỷ lệ cổ phần của họ trong công ty (không quá 30% ). Trường hợp này, việc mua lại cổ phần do đại hội đồng cổ đông quyết định.

Xét về trình tự thủ tục thì, việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc đại diện ủy quyền của họ ký. Trường hợp chuyển nhượng thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán, trình tự, thủ tục và việc ghi nhận sở hữu thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Trường hợp cổ đông chuyển nhượng một số cổ phần thì cổ phiếu cũ bị hủy bỏ và công ty phát hành cổ phiếu mới ghi nhận số cổ phần đã chuyển nhượng và số cổ phần còn lại.

Còn đối với giao dịch yêu cầu công ty mua lại cổ phần, thì cổ đông quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình phải gửi yêu cầu phải bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại. Yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề quy định tại khoản này. Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Công ty giới thiệu ít nhất 3 tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng. Cổ phiếu xác nhận quyền sở hữu cổ phần đã được mua lại phải được tiêu hủy ngay sau khi cổ phần tương ứng đã được thanh toán đủ. Chủ tịch Hội đồng quản trị và giám đốc hoặc tổng giám đốc phải liên đới chịu trách nhiệm về thiệt hại do không tiêu hủy hoặc chậm tiêu hủy cổ phiếu gây ra đối với công ty. Sau khi thanh toán hết số cổ phần mua lại, nếu tổng giá trị tài sản được ghi trong sổ kế toán của công ty giảm hơn 10% thì công ty phải thông báo cho tất cả các chủ nợ biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thanh toán hết số cổ phần mua lại.

Đối với việc mua lại cổ phần theo quyết định của công ty, có 2 trường hợp xảy ra. Thứ nhất là hội đồng quản trị có quyền quyết định mua lại không quá 10% tổng số cổ phần của từng loại đã được chào bán trong 12 tháng. Trường hợp khác, việc mua lại cổ phần do đại hội đồng cổ đông quyết định. Đối với trường hợp này, hội đồng quản trị quyết định giá mua lại cổ phần. Đối với cổ phần phổ thông, giá mua lại không được cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua lại. Đối với cổ phần loại khác, nếu điều lệ công ty không quy định hoặc công ty và cổ đông có liên quan không có thỏa thuận khác thì giá mua lại không được thấp hơn giá thị trường. Thứ hai là công ty có thể mua lại cổ phần của từng cổ đông tương ứng với tỷ lệ cổ phần của họ trong công ty. Trường hợp này, quyết định mua lại cổ phần của công ty phải được thông báo bằng phương thức bảo đảm đến được tất cả cổ đông trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quyết định đó được thông qua. Thông báo phải có tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty, tổng số cổ phần và loại cổ phần được mua lại, giá mua lại hoặc nguyên tắc định giá mua lại, thủ tục và thời hạn thanh toán, thủ tục và thời hạn để cổ đông chào bán cổ phần của họ cho công ty. Cổ đông đồng ý bán lại cổ phần phải gửi chào bán cổ phần của mình bằng phương thức bảo đảm đến được công ty trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo. Công ty chỉ mua lại cổ phần được chào bán trong thời hạn nói trên.

Về hậu quả pháp lý của giao dịch, đối với việc chuyển nhượng cổ phần, thì người nhận chuyển nhượng cổ phần sẽ trở thành cổ đôngcông ty từ thời điểm các thông tin của họ được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông. Vốn điều lệ của công ty không đổi, số cổ phần nắm giữ, tỷ lệ sở hữu cổ phẩn của các cổ đông không đổi.

Còn đối với việc mua lại cổ phần thì cổ phần được mua lại được coi là cổ phần chưa bán (Cổ phần chưa bán là cổ phần được quyền chào bán và chưa được thanh toán). Công ty phải làm thủ tục điều chỉnh giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị mệnh giá các cổ phần được công ty mua lại trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán mua lại cổ phần, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác.

Trung Nghĩa (Hội Luật gia tỉnh)

  • Từ khóa
43491

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu