Thứ 6, 26/04/2024 13:19:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:52, 06/01/2014 GMT+7

KỶ NIỆM 39 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG PHƯỚC LONG (6-1-1975 - 6-1-2014)

Phước Long - Nơi in đậm chiến thắng lịch sử

Thứ 2, 06/01/2014 | 16:52:00 18,601 lượt xem

Bình Phước là một tỉnh ở miền Đông Nam bộ, là địa phương có truyền thống anh hùng với những địa danh lịch sử. Đó là: Phú Riềng Đỏ với sự kiện chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập, lãnh đạo phong trào công nhân cao su chống thực dân Pháp; di tích lịch sử Tà Thiết, nơi cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước... Đặc biệt, tỉnh Bình Phước có Phước Long, đây là tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng, mở đầu đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. “Vượt qua sông Bé oai hùng/ về Phước Long xây chiến thắng”, câu hát trong bài “Mỗi bước ta đi” của nhạc sĩ Thuận Yến có lẽ rất nhiều người biết đến.


GIẢI PHÓNG PHƯỚC LONG

Tỉnh Phước Long được chế độ cũ thành lập ngày 22-10-1956, bao gồm 3 quận Phước Bình, Bù Đốp và Phước Hòa, 17 tổng và 21 xã. Năm 1959 thêm một quận nữa là Đức Phong. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, tỉnh Sông Bé được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 tỉnh Phước Long, Bình Long và Bình Dương. Ngày 1-1-1997, tỉnh Sông Bé được chia tách làm 2 tỉnh Bình Phước và Bình Dương. Phước Long là một huyện của tỉnh Bình Phước và đến ngày 11-8-2009 trở thành một trong 3 thị xã của tỉnh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Phước Long là địa bàn hết sức quan trọng của vùng Đông Nam bộ, là địa bàn đặc biệt nhạy cảm trong hệ thống phòng thủ phía Bắc Sài Gòn. Chiến dịch Đường 14 - Phước Long được coi như một “trận trinh sát chiến lược”. Thắng lợi của chiến dịch này có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng, bởi cùng một lúc đạt được cả hai mục tiêu: Tiêu diệt sinh lực lớn của địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long; đồng thời thăm dò sự phản kích của quân ngụy để đánh giá khả năng can thiệp trở lại của Mỹ khi ta đánh lớn. Thắng lợi này là cơ sở thực tiễn, góp phần để Bộ Chính trị, Trung ương Đảng hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam kịp thời và chính xác.

Tượng đài chiến thắng Phước Long

Đêm 12 rạng sáng 13-12-1974, mở màn trận đánh chiếm các chi khu Đức Phong, Bù Đăng, Bù Đốp. Tiếp đó, yếu khu Bù Na được giải phóng, mở hành lang thông thoáng cho vùng giải phóng Đông Nam Phước Long và Nam Bà Rá. Ngày 26-12-1974, cứ điểm Đồng Xoài của địch bị ta quét sạch, tỉnh lỵ Phước Long được địch coi là cánh cửa ở miền Đông Nam bộ bị cô lập hoàn toàn. Ngày 31-12-1974, quân ta tiến công tiêu diệt chi khu Phước Bình, mở chiến dịch giải phóng Phước Long. Ngày 1-1-1975, cao điểm Bà Rá, nơi được mệnh danh là “mắt thần” của địch bị bộ đội đặc công diệt gọn... Sau 25 ngày đêm tiến công đều khắp, ngày 6-1-1975 thị xã cùng toàn tỉnh Phước Long hoàn toàn giải phóng, mở toang cánh cửa miền Đông Nam bộ nối với Tây nguyên, xuống Sài Gòn và Tây Nam bộ... Trong chiến dịch này, quân ta tiêu diệt 500 tên địch, bắt 1.179 tên, thu 1.498 súng các loại, 190 máy thông tin, 80 xe cơ giới; bắn rơi 12 máy bay, phá hủy 10 xe cơ giới và ra đa...


PHƯỚC LONG NGÀY NAY

Phước Long có địa hình giao thoa giữa đồng bằng Nam bộ và miền núi Tây nguyên, là vùng đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu ôn hòa. Trên địa bàn Phước Long có công trình thủy điện Thác Mơ đem lại nguồn điện sinh hoạt cho nhân dân và góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt Phước Long có núi Bà Rá cao 733m như con voi phủ phục chầu về hướng Đông Bắc, thân xuôi theo hướng Tây Nam. Đồng bào Xêtiêng gọi ngọn núi này với cái tên thành kính “Bơnom Brah” nghĩa là “ngọn núi thần”. Bên sườn núi phía Tây có hang Dơi, hang Cây Sung, nơi đây đội công tác núi Bà Rá đã từng bám trụ và lập nhiều chiến công. Núi Bà Rá không chỉ mang ý nghĩa giá trị lịch sử, đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia mà còn có thắng cảnh đẹp nổi tiếng với rừng có hệ thực vật đa dạng, phong phú được xếp vào hệ thống rừng đặc chủng của cả nước. Hiện nay, tỉnh Bình Phước đã phê duyệt quy hoạch Khu du lịch sinh thái Bà Rá - Thác Mơ, gồm các hạng mục: Đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông vòng quanh chân núi, hoàn thành tuyến cáp treo đưa đón khách tham quan, tu bổ tôn tạo các công trình có liên quan đến di tích lịch sử... Núi Bà Rá là địa điểm diễn ra giải Việt dã truyền thống vào ngày 6-1 hằng năm. Giải Việt dã chinh phục đỉnh cao Bà Rá không chỉ là giải đấu nằm trong hệ thống thi đấu thể thao quốc gia mà còn là giải đấu mang tầm quốc tế, thu hút nhiều vận động viên đến từ các quốc gia lân cận tham dự.

Về Phước Long hôm nay, đường nhựa đã trải dài; hai bên đường là rừng cao su, vườn điều, tiêu, cây ăn trái... xanh ngút ngàn. Về Phước Long thăm lại những chứng tích như: Cây khế 100 tuổi, cây cơ nia cổ thụ, vườn cây Bà Định... còn mãi với thời gian. Vẫn còn đó trên thân cây những vết đạn loang lổ, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau nhớ ơn những người đã ngã xuống vì độc lập.                      

   Đức Hồng

  • Từ khóa
10666

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu