Thứ 6, 26/04/2024 15:26:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:00, 01/01/2017 GMT+7

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 20 NĂM NGÀY TÁI LẬP TỈNH (1-1-1997 - 1-1-2017)

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Tuệ Hiền: Công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt trong quá trình phát triển

Chủ nhật, 01/01/2017 | 10:00:00 1,342 lượt xem

BP - 2016 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của cả nước nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng. Đây cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Để giúp bạn đọc có cái nhìn bao quát, toàn diện về Bình Phước qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, Báo Bình Phước đã phỏng vấn đồng chí Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Tuệ Hiền về những nội dung liên quan chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Bình Phước. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Đồng chí Trần Tuệ Hiền, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại lễ tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW và tuyên dương các cá nhân, tập thể điển hình học và làm theo Bác của Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh - Ảnh: Sỹ Hòa

PV: Thưa đồng chí, có thể nói nhiều nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết thực hiện tốt nhiều chỉ tiêu nghị quyết và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đồng chí đánh giá thế nào về những thành tựu đó? Theo đồng chí, đâu là yếu tố quan trọng để Đảng bộ tỉnh đạt được những thành tựu này?

Đồng chí Trần Tuệ Hiền: Tái lập từ ngày 1-1-1997, Bình Phước là một tỉnh thuần nông với bộn bề khó khăn khi cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, lạc hậu, sản xuất công nghiệp chỉ chiếm khoảng 2,4% GRDP của tỉnh; thu ngân sách toàn tỉnh hơn 172 tỷ đồng. GDP bình quân thấp nhất cả nước, chỉ đạt 2,6 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ mù chữ, tỷ lệ hộ nghèo rất cao; đội ngũ cán bộ vừa thiếu vừa yếu, chưa ngang tầm nhiệm vụ...

Qua 20 năm xây dựng và phát triển, với sự quyết tâm của các thế hệ lãnh đạo, sự nỗ lực không ngừng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bình Phước đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách để đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên tất cả lĩnh vực.

Nổi bật trong đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh khá ổn định, năm sau cao hơn năm trước, cơ cấu thu ngân sách chuyển biến tích cực. Năm 2016, thu ngân sách của tỉnh tăng hơn 24 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 16 lần so với năm đầu tái lập. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân có sự cải thiện rõ rệt. Phát triển công nghiệp được ưu tiên, chính sách thu hút đầu tư có nhiều đổi mới, quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của doanh nghiệp và nhân dân. Hạ tầng giao thông phát triển vượt bậc với 100% xã có đường nhựa đến trung tâm. Điện lưới quốc gia đã về hầu khắp các khu dân cư, thôn, ấp... tạo thuận lợi cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, thu hút đầu tư, tạo liên kết giữa các vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.

Giáo dục - đào tạo phát triển mạnh mẽ với những điểm sáng tiêu biểu của cả nước trong dạy, học, bồi dưỡng học sinh giỏi. Tỉnh triển khai trồng 4.000 ha cao su tạo quỹ an sinh xã hội song song với thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chăm lo người có công với đất nước và các nhóm yếu thế. Qua đó, tạo điều kiện để họ vươn lên trong cuộc sống. Công tác xóa đói giảm nghèo đạt được những thành tựu tích cực với tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hiện chỉ còn 5,6% theo chuẩn mới.

Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tỉnh có mối quan hệ đối ngoại rộng mở, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Điển hình là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng không ngừng được củng cố; chất lượng đội ngũ cán bộ và nguồn nhân lực được nâng lên.

Có rất nhiều yếu tố để tạo nên những thành tựu của tỉnh qua 20 năm tái lập. Phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết trong kháng chiến, tập thể lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tỉnh nhà đã luôn đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo và quyết định các vấn đề quan trọng định hướng sự phát triển của tỉnh với mục tiêu đặt lợi ích của tỉnh, của người dân lên trên hết, trước hết, biểu hiện rõ nét bằng những chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy đều thể hiện rõ “ý Đảng - lòng dân”. Từ đó, tạo được sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh cũng đã vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng vào thực tế địa phương, tranh thủ khá hiệu quả các thời cơ, phát huy những tiềm năng, lợi thế, tận dụng tốt các nguồn lực từ bên ngoài để tập trung cho đầu tư phát triển. Tất cả cùng chung một quyết tâm đưa Bình Phước vươn lên, không cam chịu là một tỉnh nghèo, lạc hậu.

PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) trong thời gian qua ở tỉnh Bình Phước?

Đồng chí Trần Tuệ Hiền: Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được Đảng bộ tỉnh xác định là nhiệm vụ then chốt trong quá trình phát triển. Từ chỗ chỉ có 356 đơn vị cơ sở có tổ chức cơ sở đảng, gần 8.500 đảng viên vào năm tái lập tỉnh; đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh đã có 22 đảng bộ trực thuộc tỉnh, 840 tổ chức cơ sở đảng, gần 32.000 đảng viên. Các chương trình đột phá đào tạo cán bộ và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh trong giai đoạn 2005-2010 và 2010-2015 đã góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ nâng cao cả số lượng và chất lượng.

Cải cách thủ tục hành chính được thực hiện trên tất cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, tư pháp và tổ chức bộ máy. Cải cách hành chính trong Đảng được chú trọng; công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục trong Đảng, khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền. Các cuộc họp, hội nghị đã được bố trí hợp lý, lãnh đạo các cấp dành nhiều thời gian hơn để đi cơ sở, sâu sát và nắm bắt tình hình thực tế của nhân dân, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện đối với cấp dưới.

Sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ luôn được xác định là yếu tố quan trọng đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng; luôn được quan tâm củng cố, duy trì và giữ vững. Nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo luôn được tôn trọng. Thực hiện nghiêm chế độ tự phê bình và phê bình trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng, công khai, không né tránh trách nhiệm. Chú trọng hơn xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng ở những vùng, lĩnh vực trọng yếu, có nhiều khó khăn, vùng sâu, xa, đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo.

Việc triển khai, thực hiện Chỉ thị 03 trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào chiều sâu, có những chuyển biến tích cực từ học tập sang làm theo. Từ đó trực tiếp góp phần vào thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cơ quan, đơn vị. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm gương mẫu đi đầu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp được nâng cao hơn. Nhiều vấn đề tiêu cực, tồn đọng gây bức xúc trong dư luận từng bước được giải quyết, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Trên địa bàn toàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay có tác dụng động viên, cổ vũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện làm theo.

Lãnh đạo tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thông qua việc tiếp tục thực hiện 2 đề án 986, 987 trên lĩnh vực tư tưởng, nhận thức và hành động của từng cấp ủy đảng, đảng viên có bước chuyển biến tích cực: tinh thần trách nhiệm trong việc học tập nghị quyết được nâng lên; việc dự nghe thông tin thời sự ngày càng trở thành một chế độ nghiêm túc trong Đảng; việc mua và đọc báo Đảng có nhiều chuyển biến tích cực, dần đi vào nền nếp. Song song đó, các cơ quan báo chí của tỉnh có nhiều bài viết tuyên truyền, đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên cũng như kịp thời thông tin các mặt tích cực, các gương điển hình trong thi đua yêu nước, học tập và làm theo gương Bác.

PV: Để phát huy những thành tựu mà tỉnh đã đạt được 20 năm qua, xin đồng chí cho biết định hướng lớn để Bình Phước tiếp tục phát triển trong thời gian tới?

Đồng chí Trần Tuệ Hiền: Không thể phủ nhận rằng, bên cạnh những thành tựu rất đáng tự hào, trong giai đoạn phát triển vừa qua, Bình Phước vẫn còn những hạn chế nhất định cần phải nỗ lực khắc phục để nhanh chóng bắt kịp với sự phát triển của các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ. 

Xác định cách thức để tỉnh vươn lên là thông qua cơ chế chính sách và nguồn lực con người, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nguồn lực từ bên ngoài. Tạo điều kiện thuận lợi, thân thiện, môi trường lành mạnh, minh bạch để người dân yên tâm đầu tư sản xuất - kinh doanh. Phát huy tối đa nguồn lực doanh nghiệp để phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, tạo thêm việc làm, thu nhập cho lao động trong và ngoài tỉnh.

Tổ chức bộ máy của cơ quan đảng, nhà nước các cấp sẽ tiếp tục được quyết liệt sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Trước mắt, tỉnh thí điểm ở cấp huyện việc nhất thể hóa một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Trong năm 2017 sẽ triển khai Đề án xây dựng trung tâm hành chính công của tỉnh để hiện đại hóa hành chính, cải thiện hiệu quả và hiệu lực công tác cải cách thủ tục hành chính. Song song đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Kiên trì phát huy nguồn lực con người, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng để đáp ứng nhu cầu phát triển. Phát huy tối đa lực lượng lao động dồi dào, trẻ, năng động, đào tạo cơ bản để thu hút đầu tư, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, dịch vụ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ công chức theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và có đạo đức công vụ. Đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ, đảng viên đảm bảo đúng thực chất, xem xét trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức và địa phương. Đồng thời, việc kiểm điểm phải gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhận diện rõ 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Ngọc Tú (thực hiện)

  • Từ khóa
17149

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu