Thứ 5, 02/05/2024 04:45:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:54, 24/09/2014 GMT+7

Nông trường cao su “khát” lao động

Thứ 4, 24/09/2014 | 09:54:00 599 lượt xem
BP - Giá mủ cao su xuống thấp, thu nhập của công nhân cũng giảm khiến ngày càng nhiều công nhân quay lưng với nghề cạo mủ. Nhiều nông trường cao su tìm mọi cách để thu hút công nhân nhưng vẫn không hiệu quả, vì không đủ sức cạnh tranh với các khu công nghiệp.

Nông trường cao su Tân Hưng xây nhà ở miễn phí thu hút công nhân đến làm việc

 
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Nông trường cao su Tân Lập (Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú) cho biết: Hiện đơn vị đang thiếu khoảng 50 đến 70 công nhân khai thác mủ. Mặc dù đã có nhiều biện pháp thu hút nhưng nhiều công nhân đã quay lưng với nông trường. Hiện lao động trong nông trường trên 45 tuổi rất nhiều, vài ba năm nữa họ sẽ xin nghỉ hưu. Nếu không tuyển thêm được thì tương lai gần nông trường sẽ thiếu nhân lực trầm trọng.

Cạnh tranh với khu công nghiệp

Theo ông Bình, nguyên nhân lao động trẻ không muốn vào làm việc trong các nông trường cao su bởi đây là nghề nặng nhọc, môi trường độc hại. Thời gian làm việc chủ yếu vào ban đêm nên nhiều người không thích ứng được. Nhiều công nhân khi đóng đủ bảo hiểm đã xin nghỉ, chuyển sang làm việc khác ít độc hại hơn. Tại Nông trường cao su Tân Lập có 3 trường hợp nghỉ hưu trước 40 tuổi khi đã đóng đủ bảo hiểm. Nhiều công nhân nghỉ việc để nhận khoán cạo mủ với các hộ tư nhân hoặc chăm sóc vườn rẫy nhà mình.

Ông Đinh Văn Hân, Trợ lý tổ chức lao động Nông trường cao su Tân Hưng (Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú) cho rằng khu công nghiệp mọc lên nhiều, cần một lượng lớn lao động phổ thông với nhiều chế độ đãi ngộ. Các nông trường cao su đang phải cạnh tranh với các khu công nghiệp. Doanh nghiệp trong khu công nghiệp có những chiến lược thu hút lao động rất hiệu quả, như: Xe đưa đón từ nhà đến nơi làm việc, lương thưởng tương đương với các nông trường cao su, môi trường làm việc sạch sẽ, tác phong công nghiệp...

Ra Bắc tìm công nhân

Ông Hân cho biết: Nông trường cao su Tân Hưng năm 2013 có 357 lao động. Năm 2014, nông trường mở rộng diện tích khai thác thêm 200 ha, lao động tăng lên 565 người. Nông trường đang thiếu công nhân nhưng không tuyển được tại địa phương. Trước tình hình đó, giám đốc nông trường đích thân ra làm việc với đảng ủy, UBND, phòng lao động - thương binh và xã hội các huyện, thị tại nhiều tỉnh phía Bắc như Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình... để giới thiệu tuyển lao động làm việc cho nông trường, đồng thời thông báo trên đài truyền thanh huyện Đồng Phú, treo băng rôn tuyên truyền trước cổng UBND các xã nhưng kết quả không khả quan.

Xây dựng nhà ở miễn phí cho công nhân
 
Nông trường cao su Tân Hưng có hơn 50% công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số từ miền Bắc vào làm việc. Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú đã xây dựng 148 nhà ở miễn phí cho công nhân. Một căn nhà và đất 500m2, có đường giao thông, điện, nước. Khu công nhân còn xây dựng nhà trẻ.

Mới đây, UBND huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã giúp Nông trường cao su Tân Hưng tuyển được hơn 100 công nhân vào làm việc. Thế nhưng một vấn đề đặt ra là quản lý những người này ra sao để họ lao động có hiệu quả. Bởi đồng bào Hơmông đa phần không biết tiếng phổ thông, trình độ thấp nên rất khó trong giao tiếp, dạy nghề. Hơn nữa họ mang phong tục, tập quán từ quê vào nên khó hòa nhập với cuộc sống. Việc quản lý nhân khẩu ngoài địa phương lỏng lẻo dẫn đến tình trạng tảo hôn và nhiều bất cập khác.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân khi mới từ Nghệ An vào, nông trường đã hỗ trợ tiền xe, dạy cạo mủ miễn phí, hỗ trợ tiền ăn trong thời gian đầu khi họ chưa chính thức đi làm. Ngoài ra, một cặp vợ chồng được vay 8 triệu đồng để mua xe làm phương tiện đi lại. Số tiền này được trừ dần vào tiền lương khi đã có thu nhập ổn định. “Năm 2015, Nông trường cao su Tân Hưng tiếp tục mở rộng diện tích khai thác vườn cây nên sẽ thiếu nhiều lao động. Nông trường đã tuyển được 250 người, nhưng cũng có tới 150 người xin nghỉ” - ông Hân cho biết thêm.                    

Trung Thông

  • Từ khóa
37794

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu