Thứ 6, 26/04/2024 12:12:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 18:40, 01/11/2018 GMT+7

Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của Đoàn ĐBQH Bình Phước làm nóng phiên chất vấn

Trần Thể
Thứ 5, 01/11/2018 | 18:40:00 1,920 lượt xem
BPO - Sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, hôm nay 1-11, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6. Trong 3 ngày của phiên họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đã có 5 lượt đại biểu chất vấn trực tiếp các bộ, ngành tại hội trường về những vấn đề cử tri quan tâm.

Việc cắt giảm biên chế giáo viên còn máy móc

Đại biểu Phan Viết Lượng nêu ra một thực tế là việc tinh giản biên chế trong ngành giáo dục còn nhiều hạn chế và bất cập, chưa được chỉ đạo hướng dẫn bài bản, sâu sát, cụ thể. Việc cắt giảm biên chế giáo viên còn mang nặng tính hành chính, máy móc, chưa thực sự bảo đảm cơ sở lý luận và thực tiễn, dẫn đến tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân làm rõ hơn nguyên nhân, trách nhiệm đối với hạn chế, bất cập trong việc tinh giản biên chế ngành giáo dục và cho biết những giải pháp phải triển khai trong thời gian tới.

Đại biểu Phan Viết Lượng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Vấn đề thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 và thực hiện Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6 là một chủ trương lớn, trong đó có các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và ngành giáo dục nói riêng. Nhưng riêng ngành giáo dục có tỷ lệ người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động nhiều nhất, gần 1 triệu giáo viên. Đặc điểm của ngành này là thừa thiếu cục bộ ở từng địa phương trong từng cấp học, bậc học. Theo số liệu báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay trong toàn ngành giáo dục từ phổ thông đến mầm non thiếu 107.996 giáo viên, trong đó số thừa là 8.997 giáo viên so với định mức. Riêng mầm non thiếu 65.065 giáo viên, số tiểu học chỉ thiếu hơn 20.000 giáo viên, trong đó tiểu học có thiếu nhưng cũng có thừa.

Để giải quyết tình hình này, Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ xin đề nghị bổ sung biên chế cho ngành giáo dục, trong đó, trước mắt tập trung giải quyết về giáo viên của mầm non trong năm học 2018-2019 cho 17 địa phương tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên, tổng số hơn 20.000 người. Vấn đề tinh giản biên chế vẫn tiếp tục làm theo Nghị quyết 39 và Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6.

Các đơn vị sự nghiệp công lập quản lý tài sản nhà nước chưa hiệu quả

Tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, đại biểu Phan Viết Lượng cho biết: Qua giám sát cho thấy các đơn vị sự nghiệp công lập rất cồng kềnh và quản lý sử dụng tài chính tài sản nhà nước rất lớn nhưng chưa hiệu quả. Cử tri cho rằng cần quan tâm hơn đến một số vấn đề, đặc biệt có không ít đơn vị đầu tư mở rộng kinh doanh các dịch vụ nhà nước không cần thiết thực hiện như ăn uống, tiệc cưới, kinh doanh tại vị trí đất nhạy cảm về an ninh trật tự rất phản cảm.

Đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết việc sắp xếp lại, đẩy mạnh tự chủ, quản lý tài chính tài sản nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và việc chuyển một số nhiệm vụ nhà nước không cần thiết thực hiện có chuyển biến như thế nào? Mục tiêu nhiệm vụ nào được ưu tiên trong năm 2019?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thông tin: Làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập năm 2018 có 1.886.107 người. Trong việc sắp xếp lại và giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, đây là một nhiệm vụ rất lớn theo Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6 đã đặt ra cho giai đoạn từ nay đến năm 2035. Trong đó, từ nay cho đến 2020 tiếp tục giảm biên chế 10% so với năm 2015, cũng như tiếp tục giảm 10% đầu mối. Xã hội hóa và giao quyền tự chủ 10% cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Như vậy, tiếp tục các giai đoạn tiếp theo, cứ 5 năm thực hiện 3 chỉ tiêu này giảm 10%.

Đối với sự nghiệp công lập chia ra làm 3 nhóm. Một là đối với nhóm sự nghiệp công lập để phục vụ việc nghiên cứu cho công tác lãnh đạo và nghiên cứu cơ bản sẽ hưởng từ ngân sách nhà nước và một số đơn vị sự nghiệp công lập hưởng một phần từ ngân sách nhà nước, số còn lại giao quyền tự chủ về tài chính hoặc chuyển qua hoạt động theo loại hình doanh nghiệp.

Để thực hiện chủ trương này, Chính phủ có Nghị định 16 và đã giao cho 7 bộ, ngành trung ương tham mưu cho Chính phủ ban hành các nghị quyết về chủ trương và các giải pháp để thực hiện giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập nhưng đến nay chỉ mới được 2 bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định, còn lại 5 bộ, ngành.

Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao vẫn khó tiếp cận gói 100.000 tỷ

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn ĐBQH Bình Phước cho biết: Nghị định 57 của Chính phủ đã phần nào giúp cho doanh nghiệp tháo gỡ được khó khăn. Tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao vẫn rất khó tiếp cận các gói tín dụng 100.000 tỷ. Bởi lẽ cho đến nay, việc xác lập cơ chế tài sản để đầu tư trên đất vẫn chưa có quy định rõ ràng nên doanh nghiệp vẫn rất khó có thể vay vốn để phát triển sản xuất. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đến bao giờ mới có thể ban hành được tiêu chí hướng dẫn này?

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Thông tư số 33  thực hiện Nghị định 01 đã được ban hành, trong đó đã ghi đầy đủ hướng dẫn thực hiện quyền để đăng ký cũng như quyền để thế chấp các tài sản trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, những vướng mắc của doanh nghiệp thuê đất trả tiền sử dụng đất hàng năm để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì vẫn chưa có lời giải.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Đoàn ĐBQH Bình Phước nêu ra dẫn chứng: Dù nhiều chính sách dân tộc đã được triển khai thực hiện và đem lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách chưa quan tâm nhiều đến các nguồn lực để thực hiện nên không cấp đủ, kịp thời cho các địa phương. Do đó, mục tiêu đặt ra của các chính sách khó đạt đúng theo kế hoạch. Đặc biệt là khâu phân công, phối hợp thực hiện các chính sách chưa phù hợp, còn quá nhiều đầu mối, còn cục bộ và còn chồng chéo trong quản lý thực hiện. Chưa đề cao trách nhiệm, tinh thần phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong tổ chức thực hiện chính sách nên vẫn còn nhiều tồn tại bất cập trong thực thi chính sách công. Ủy ban dân tộc và Chính phủ có giải pháp để việc thực thi các chính sách công nói chung và đặc biệt là chính sách dân tộc nói riêng đạt hiệu quả?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Đỗ văn Chiến tiếp thu, nghiên cứu và trả lời bằng văn bản ý kiến của đại biểu Điểu Huỳnh Sang.

Cần giải pháp để giữ vững thị trường nông sản

Phó trưởng đoàn ĐBQH Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh cho biết: Cử tri Bình Phước rất phấn khởi vì nhóm nông sản chủ lực của tỉnh như cao su, hạt tiêu, hạt điều trong nhóm xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, cử tri vẫn rất lo lắng, băn khoăn trước tình trạng giá xuất khẩu thấp, có nhiều biến động và liên tục rớt nhiều năm qua. Hiện nay, một số loại nông sản đang chịu tác động, ảnh hưởng của yếu tố thời tiết và sâu bệnh, dẫn đến người dân chặt phá cục bộ và có thể chuyển đổi cây trồng tràn lan, ảnh hưởng lớn đến quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu trong tương lai.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết khuyến cáo của ngành đối với cử tri Bình Phước và cả nước trong định hướng chiến lược phát triển đối với cây cao su, cây tiêu, cây điều; giải pháp để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản cũng như duy trì giữ vững thị trường xuất khẩu nông sản trong thời gian tới.

Phó trưởng đoàn ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh chất vấn Bộ NN&PTNT

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận khu vực cây công nghiệp năm nay giá thấp, thậm chí có một vài sản phẩm rất thấp, không phải chỉ có cao su, tiêu, điều mà kể cả mía. Bộ trưởng rất chia sẻ với Bình Phước với mặt hàng cây điều, vì lý do Bình Phước là địa phương có diện tích cây điều lớn nhất toàn quốc.

Bộ NN&PTNT đã bàn với các tỉnh có một đề án tổng thể. Một là phải giải được bài toán nhập nguyên liệu vì hiện nay ta phải nhập tới 70%. Thứ hai là tăng năng suất cây điều, nếu không cây điều sẽ không còn chỗ đứng ở Bình Phước và ở các tỉnh Đông Nam Bộ cũng như một số tỉnh ở Tây Nguyên. Thứ ba là tập trung để nâng cao chuỗi giá trị, hạn chế xuất khẩu thô. Thứ tư là tận dụng các phế liệu khác từ trái điều, vỏ hạt điều. Đây là 4 điểm trong đề án về hạt điều Bộ NN&PTNT đã ban hành và đang tập trung cùng hiệp hội điều, các tỉnh để thực hiện trong thời gian tới. Bộ sẽ quan tâm để trong chương trình tái cơ cấu chúng ta từng bước khắc phục.

Nhìn chung, các nội dung chất vấn của Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước được các bộ trưởng trả lời cụ thể, đưa ra giải pháp, lộ trình để khắc phục hạn chế tồn tại. Một số vấn đề liên quan đến nhiều bộ ngành, cơ chế chính sách, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, bộ ngành liên quan nghiên cứu và trả lời bằng văn bản cho Đoàn ĐBHQ tỉnh Bình Phước.

  • Từ khóa
24029

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu