Thứ 5, 25/04/2024 16:40:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:07, 13/12/2013 GMT+7

Muôn nghề kiếm sống

Thứ 6, 13/12/2013 | 07:07:00 583 lượt xem

>> Bài 1 Mưu sinh trên ngọn dừa
>> Bài 2: Những lái buôn xuyên Việt
>> Bài 3 Tiều phu thời công nghệ

Trên địa bàn tỉnh, hàng ngàn người đang bươn chải kiếm sống với nhiều nghề khác nhau. Có những nghề tiếp nối từ truyền thống xa xưa, có những nghề “mới toanh” được hình thành từ cuộc mưu sinh đời thường. Tuy không còn cảnh “áo cơm ghì sát đất”, nhưng phảng phất trong đó là sự lam lũ, ý chí vươn lên của những con người bình dị, hay lam hay làm. Dù chưa giàu, song họ đã có cuộc sống ổn định từ những nghề khá đặc biệt!

Kỳ cuối “Thả ống… lượm lúa”

Đó là câu nói vui của anh Đỗ Văn Thắng, ngụ xã Long Hưng (Bù Gia Mập) khi bàn về nghề thả ống lươn của mình. Tưởng chừng đơn giản và nhàn nhã, nhưng nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu từ khâu làm mồi đến chọn địa điểm thả ống.


Thành quả sau một ngày vất vả

Tỉnh Bình Phước không có nhiều ruộng, mương, ao, hồ như các tỉnh miền Bắc, miền Tây, nhưng những năm gần đây đã có nhiều người chọn nghề thả ống lươn làm kế sinh nhai. Dù lươn ít khi xuất hiện ở ao, hồ, nhưng bằng nhiều cách khác nhau, người đặt ống đã dẫn dụ chúng sập bẫy.

Nhất mồi, nhì đặt...

Chia sẻ về nghề thả ống lươn, anh Thắng cho biết: “Muốn thả ống lươn thành công, điều quan trọng nhất phải biết cách làm mồi, kế đến cách đặt ống bẫy, cuối cùng là cách làm ống. Trước kia, ống bẫy lươn được làm bằng nhiều loại cây (lồ ô, tre, nứa...), tuổi thọ không bền. Nay các “thầy lươn” thường chọn loại ống nhựa màu đen (dùng để dẫn nước tưới cây cà phê) làm ống bẫy, vừa kích thước lại phù hợp. Mỗi ống bẫy dài khoảng 80cm, trong đó một đầu bịt kín, đầu còn lại để đút hom tre (cuộn tròn hình phễu) là cửa cho lươn chui vào”.

Anh Thắng tiếp chuyện: “Các nan tre kết thành hom phải vót mềm, tạo cảm giác êm ái khi lươn trườn qua. Đuôi hom túm lại, chỉ để hở một lỗ nhỏ bằng ngón tay trỏ, đủ cho lươn chui vào ống mà không thể trườn ra. Phần đuôi ống phải dùi nhiều lỗ thông hơi, giúp lươn không bị chết ngạt. Những lỗ này cũng giúp lươn con chui ra, duy trì giống cho mùa bẫy năm sau”.

Lươn là loài ăn tạp, ưa thức ăn có mùi tanh. Khi thiếu thức ăn, lươn có thể ăn thịt lẫn nhau. Chúng tìm thức ăn nhờ vào khướu giác và thích những mùi thức ăn hỗn hợp. Nắm được đặc tính này, các thợ săn lươn tạo ra những mồi nhử hiệu quả. Anh Thắng cho biết, các thợ săn lươn thường trộn đều và giã nhỏ hỗn hợp cá tạp, ốc bươu, giun đất để làm mồi nhử. Tùy theo bí quyết, một số người còn trộn thêm chất lạ nhằm kích thích lươn tìm đến. Làm xong, họ gói mồi vào những mảnh vải màn mỏng, rồi thả vào ống; đồng thời quệt thêm một ít ở miệng hom, làm tăng độ phát tán của mồi trong nước.

Ngoài làm mồi, kinh nghiệm đặt ống cũng hết sức quan trọng, quyết định đến thành quả của buổi thả ống. Theo kinh nghiệm dân gian, những nơi nước ít chảy, không quá sâu, có nhiều cỏ thối, bùn lầy thường có lươn to. Trước khi đặt ống, các thợ săn lươn nhìn ngọn cây để xem hướng gió, rồi đặt miệng ống theo hướng gió để mồi phát tán mùi xa hơn. Họ còn theo dõi thời tiết có mưa hay không, để đặt đuôi ống cao hay thấp so với mặt nước. Vì mưa lớn sẽ làm ngập lỗ thông hơi của ống, lươn ngạt thở sẽ chết, bán giá thấp.

Thu nhặt thành quả

Khoảng từ 4 đến 6 giờ chiều là thời điểm đi thả ống lươn. 5 giờ sáng ngày hôm sau thì đi thu thành quả, theo cách nói vui của anh Thắng là đi “lượm lúa”. “Chỉ cần từ xa quan sát là biết có dính bẫy hay không. Nếu lươn dính bẫy, ống lươn sẽ có độ nghiêng hơn so với lúc thả ban đầu và có tăm nước sục lên. Có những con lươn to, khỏe dính bẫy, thợ săn lươn chỉ cần khuấy nhẹ nước là lươn giẫy giụa làm rung ống” - anh Thắng nói.

Ngày nay, nhiều người dùng điện để chích cá nên lươn thường bị còi, lươn nhỏ sẽ bị chết. Do đó, vào mùa mưa (mùa thả ống lươn), anh Thắng đặt 30-40 ống bẫy cũng chỉ kiếm được khoảng 2-3kg lươn. Do lươn đồng, lươn suối bây giờ hiếm nên giá bán rất cao. Nếu lươn to 0,2-0,3kg/con giá bán trung bình 180 ngàn đồng/kg, lươn nhỏ có giá 100 ngàn đồng/kg. Thời điểm những năm 2007 trở về trước, ít người đi thả ống lươn và hồi đó đồng, ao, hồ, suối còn nhiều cá (là thức ăn chính của lươn), nên có ngày anh Thắng thả ống được cả chục ký lươn, thu nhập hơn triệu đồng.                

Nhất Sơn

  • Từ khóa
47682

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu