Thứ 6, 26/04/2024 13:01:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 15:01, 23/04/2016 GMT+7

Mô hình giữ gìn an ninh biên giới hiệu quả ở Thiện Hưng

Thứ 7, 23/04/2016 | 15:01:00 108 lượt xem
BP - “Là thôn biên giới với diện tích 671 ha, dân cư từ nhiều nơi tập trung về sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 30% số dân. Từ khi tách thôn (năm 2010) đến nay, tình trạng trộm cắp đã giảm nhiều; không có nghiện ngập, phạm tội nghiêm trọng; không có khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp xảy ra trên địa bàn” - ông Bùi Xuân Thung, Bí thư Chi bộ thôn 7, xã Thiện Hưng (Bù Đốp) cho biết.

Nguyên nhân cơ bản

Ông Lương Khắc Cử, Trưởng thôn 7 cho biết: Thôn luôn xác định nguyên nhân cơ bản dẫn đến các tệ nạn xã hội là do đời sống của người dân khó khăn; trình độ dân trí chưa cao; ý thức và nhận thức về biên giới còn kém... Do vậy phải có giải pháp ngăn chặn ngay từ đầu.

Tổ hòa giải của thôn 7, xã Thiện Hưng hòa giải vụ tranh chấp về kinh tế tại nhà văn hóa thôn

Để giữ vững an ninh trật tự địa bàn, ban điều hành thôn và đoàn thể hướng đến đối tượng là phụ nữ. Trọng tâm là hỗ trợ, giúp đỡ chị em phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ; nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe bản thân, vận động tham gia các đoàn thể để xây dựng khu dân cư biên giới vững mạnh. Hiện phụ nữ trong thôn không chỉ chia sẻ kinh nghiệm sản xuất mà còn xây dựng quỹ được 5 triệu đồng cho hai hội viên Nguyễn Thị Phương và Bùi Thị Hường vay không lãi, đầu tư sản xuất. Số tiền nhỏ nhưng tạo niềm tin, động lực để chị em tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của thôn. Do đó, đầu năm 2015, thôn có 17 hộ nghèo, đến hết năm số hộ nghèo giảm còn 13 hộ.

Niềm vui lớn nhất của thôn là được Đồn biên phòng Bù Đốp mở lớp xóa mù chữ từ năm 2013 và duy trì đến nay với sĩ số 40 học viên/lớp. Anh Phạm Văn Trung, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn biên phòng Bù Đốp, phụ trách lớp xóa mù chữ ở thôn 7 cho biết: Học viên của lớp ở nhiều độ tuổi, đa số là người lớn tuổi, phụ nữ và thanh niên nên ngoài dạy chữ, chúng tôi còn lồng ghép tuyên truyền pháp luật, quy chế biên giới, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi... giúp học viên có thêm kiến thức phát triển sản xuất và ổn định tư tưởng, góp phần giữ gìn an ninh biên giới”.

Hiệu quả từ mô hình “3 trong 1”

Thôn 7 còn được Hội Phụ nữ huyện, xã xây dựng câu lạc bộ (CLB) điểm sáng biên giới và khu dân cư không có tội phạm, trong đó, phụ nữ chiếm 80%. Khi mới thành lập, CLB chỉ có 30 thành viên thì nay nâng lên 65 thành viên.

Năm 2015, CLB tổ chức được 12 đợt tuyên truyền và phổ biến pháp luật, đặc biệt chú trọng Nghị định số 34/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền đến toàn thể hội viên và nhân dân. Đồng thời phối hợp với Đồn biên phòng Bù Đốp tuần tra biên giới định kỳ hằng tháng; vận động tặng 170 phần quà trị giá 50 triệu đồng cho các gia đình chính sách; giúp đỡ các hộ gặp thiên tai, hỏa hoạn 20 ngày công... Những việc làm thiết thực trên đã giúp người dân trong thôn nâng cao nhận thức và làm tốt bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, bảo đảm an ninh trật tự địa bàn. Tình trạng bạo lực gia đình không còn xảy ra, việc tổ chức ma chay, cưới hỏi diễn ra tiết kiệm, nạn tảo hôn đã chấm dứt.

CLB còn thành lập tổ hòa giải của thôn, hoạt động rất hiệu quả. Năm 2015, tổ đã tham gia hòa giải thành công 10 đợt. Gần đây nhất, tổ hòa giải thành công vụ trộm cắp vặt trong thôn do 4 em nhỏ gây ra. Các em đã cùng phụ huynh đọc bản kiểm điểm và hứa trước toàn thể bà con trong thôn sẽ không tái phạm.

“Được tuyên truyền, vận động, người dân đã cung cấp thông tin chính xác đến Đồn biên phòng Bù Đốp, giúp đơn vị xử lý kịp thời các vụ việc ảnh hưởng đến an ninh biên giới. Đáng chú ý nhất là ngăn chặn thành công hai xe vượt biên đưa người dân đi làm, bắt 6 vụ trộm cắp xe máy qua Campuchia tiêu thụ và không còn tình trạng khiếu kiện vượt cấp” - ông Thung cho biết.

Bích Tường

  • Từ khóa
30537

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu