Thứ 6, 26/04/2024 14:42:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:23, 16/08/2017 GMT+7

CHẤT VẤN TRỰC TUYẾN BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG:

Làm rõ quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị

Thứ 4, 16/08/2017 | 15:23:00 949 lượt xem
BPO - Ngày 16-8, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp thứ 13 chất vấn bằng hình thức trực tuyến ở 63 điểm cầu đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về các nhóm vấn đề “Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Việc hướng dẫn, kiểm tra, quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch phát triển gắn với giao thông đô thị”.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội cùng các phó chủ tịch Quốc hội chủ tọa cuộc họp.  Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; bộ trưởng các bộ Giao thông - Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn. Điểm mới của phiên chất vấn lần này là có sự tham gia của chủ tịch UBND hai thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cùng trả lời chất vấn những vấn đề liên quan.

Các đại biểu Quốc hội đề nghị quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị có tầm nhìn và chiều sâu để không còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, ngập lụt cục bộ…

Ở điểm cầu Bình Phước, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tôn Ngọc Hạnh chủ trì. Cùng dự có đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Chung; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Trần Ngọc Trai và đại diện một số, sở ngành.

Tại phiên chất vấn có 17 đại biểu đặt vấn đề đối với Bộ trưởng Phạm Hồng Hà và những cơ quan liên quan, trong đó 12 ý kiến được trả lời trực tiếp, 5 ý kiến sẽ được trả lời bằng văn bản.

QUY HOẠCH XÂY DỰNG CÒN THIẾU TẦM NHÌN

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay cả nước có 16 đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh (vùng kinh tế xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, vùng đô thị lớn và vùng đặc thù) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, trong đó 30% đang tổ chức lập điều chỉnh. 805 đồ án ở 100% thành phố, thị xã, thị trấn đã có quy hoạch chung được duyệt. Quy hoạch phân khu khu vực đô thị đạt trung bình khoảng 75%; quy hoạch chi tiết đạt 35%; tỷ lệ số xã trong cả nước có quy hoạch xây dựng nông thôn mới đạt 99%....

Vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo cũng được các đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm mổ xẻ

Tại phiên họp, nhiều đại biểu đã chất vấn về tình trạng quy hoạch hạ tầng thiếu tầm nhìn, không đồng bộ dẫn tới tình trạng đào lên, lấp xuống, tình trạng mạng nhện viễn thông trong đô thị… Các khu đô thị thiếu khu vui chơi, phố xá nhếch nhác, sân gôn trong sân bay, đường thẳng thành cong… tình trạng xây dựng không phép, sai phép; xây dựng lấn chiếm đất… diễn ra khá phổ biến. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng như thế nào? Giải pháp của ngành như thế nào trong thời gian tới?

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận thời gian qua một số quy hoạch chưa đáp ứng nhu cầu về chất lượng, tính khả thi thấp. Thực hiện quy hoạch xây dựng chưa nghiêm túc, chưa đúng trình tự, nội dung theo quy định; còn hạn chế trong quản lý và thực hiện quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng; công tác kiểm tra thanh tra giám sát của cơ quan quản lý, cộng đồng còn yếu, một số vi phạm chưa được xử lý kịp thời, dứt điểm. Hiện Bộ Xây dựng đang tổng rà soát việc lập, quản lý và thực hiện quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn cả nước; kiểm tra một số dự án bất động sản sử dụng nhiều đất và các hoạt động bất động sản.

PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ CÒN THIẾU CHIỀU SÂU

Tính đến hết tháng 5-2017, tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt 37%; mật độ dân số đô thị trung bình 1.888 người/km2; diện tích đất đô thị 43.792 km2, chiếm 13,2% diện tích đất tự nhiên toàn quốc. Trong khi đó, cả nước hiện có 805 đô thị (tăng 8 đô thị loại V so với cuối năm 2016). Tại phiên chất vấn, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng đô thị Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ về quy mô, số lượng và chất lượng, là động lực, hạt nhân phát triển kinh tế. Khu vực đô thị đã đóng góp trên 50% GDP, 2/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 2/3 giá trị xuất khẩu. Đồng thời phát triển kinh tế đô thị đã và đang tạo ra hàng ngàn việc làm cho người lao động góp phần phát triển kinh tế toàn xã hội. Tuy nhiên, quản lý đô thị còn nhiều bất cập, chưa chú ý tới phát triển chiều sâu, thiếu đồng bộ. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị phát triển không đồng bộ, không đáp ứng kịp thời với tốc độ phát triển kinh tế, dân số dẫn tới nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, ngập lụt, dịch vụ kém phát triển, nhà ở xã hội thiếu gay gắt. Trong khi đó, nguồn lực phát triển tại các đô thị còn thiếu và chưa được sử dụng hiệu quả. Việc triển khai đầu tư phát triển đô thị còn dàn trải. Nhiều dự án đô thị mới có tỷ lệ sử dụng thấp gây lãng phí đất đai và nguồn lực. Các đô thị hiện hữu chậm được cải tạo, chỉnh trang.

Trong 17 ý kiến chất vấn, hầu hết đều đề nghị Bộ trưởng Phạm Hồng Hà làm rõ, xử lý một số vụ việc sai phạm trong đầu tư xây dựng, quản lý trật tự đô thị; tình trạng mất cân đối trong các công trình xây dựng đô thị, lấn chiếm đất đô thị, đô thị nhếch nhác…

Cẩm Liên

  • Từ khóa
18644

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu