Thứ 3, 19/03/2024 15:47:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:20, 12/03/2019 GMT+7

Làm gì để công trình thủy lợi sau Cần Đơn phát huy hiệu quả?

Thứ 3, 12/03/2019 | 06:20:00 2,605 lượt xem

BP - “Nước đầy kênh nhìn sướng lắm nhưng có chỗ cần nước thì không lấy được. Nếu có kênh mương nội đồng dẫn đến Sóc Nê, xã Tân Tiến thì cả trăm héc ta lúa của đồng bào nơi đây sẽ thắng lớn trong vụ đông xuân này. Tháng 1, tháng 2 sạ, tháng 3, tháng 4 gặt thì đúng bài luôn. Nếu có nước thì cánh đồng ở miếu Ông Tà đâu có rơi vào cảnh cỏ cháy thời điểm này. Mùa này nước về đến đâu thì dân mừng đến đó. Nhất là từ khi tuyến kênh thủy lợi sau Cần Đơn đưa vào hoạt động thì nguồn nước ngầm ở xã Thanh Hòa khá ổn định. Nếu đoạn cuối của tuyến kênh N7 ở khu vực ấp 6 của xã Thanh Hòa được nối dài đến Sóc Nê của xã Tân Tiến thì hay biết mấy” - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hòa Trần Văn Bình bộc bạch.

“RUỘNG TRÊN TÍCH NƯỚC, RUỘNG DƯỚI KHÔ KHAN”

Từ đầu tháng 1-2019, hệ thống kênh mương thủy lợi sau Cần Đơn bắt đầu xả nước để hỗ trợ người dân tưới tiêu trong mùa hạn. Nhờ vậy không ít diện tích lúa của các xã Thanh Hòa, Tân Tiến, Tân Thành và thị trấn Thanh Bình của huyện Bù Đốp xanh mướt giữa mùa hạn. Trạm trưởng Trạm Dịch vụ thủy lợi huyện Bù Đốp Trương Văn Quang cho biết, tổng diện tích cây trồng người dân hợp đồng để cung cấp nước tưới trong mùa khô năm 2019 trên địa bàn huyện là 463 ha, trong đó 145 ha lúa, 318 ha cây công nghiệp dài ngày. Theo diện tích người dân hợp đồng, Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi điều tiết nguồn nước 4 ngày/tuần cho các xã Thanh Hòa, Tân Tiến, Tân Thành và thị trấn Thanh Bình với lưu lượng 3m3/s từ 7 giờ đến 11 giờ và m3/s từ 11 giờ đến 15 giờ/ngày/tuần/xã để phục vụ người dân tưới tiêu. Thế nhưng, do nhu cầu thực tế diện tích cây trồng cần nước tưới gấp nhiều lần so với diện tích hợp đồng nên nguồn nước cung cấp của công trình thủy lợi sau Cần Đơn không đủ đáp ứng cho người dân trong điều kiện hiện nay. Tình trạng người dân tự đóng - mở các van khóa nước của hệ thống tuyến kênh cấp nước tưới không thể kiểm soát được. Ngay tại xã Thanh Hòa, địa phương có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 3.955 ha đều có hệ thống kênh mương nội đồng của công trình thủy lợi sau Cần Đơn đi qua nhưng diện tích người dân hợp đồng với trạm dịch vụ thủy lợi để cung cấp nước tưới chỉ 51 ha. Do vậy không ít diện tích lúa mặc dù đã được đăng ký cung cấp nguồn nước nhưng lại không có nước. Mặt khác, phần lớn diện tích đồng ruộng trên địa bàn huyện Bù Đốp hiện nay chưa có hệ thống kênh mương cấp 2 dẫn vào từng đám ruộng nên nước chỉ đến với diện tích cây trồng cạnh hệ thống kênh mương cấp 1. Những ruộng lúa sau đám ruộng cạnh kênh mương muốn lấy nước phải được sự cho phép của chủ ruộng phía trước. Do việc xuống giống không đồng bộ dẫn đến tình trạng ruộng này cần nước nhưng ruộng kia lại đến giai đoạn cắt nước. Điều này dẫn đến hàng trăm héc ta đồng ruộng thuộc các xã Thanh Hòa, Tân Tiến, Tân Thành và cả thị trấn Thanh Bình không thể sản xuất vụ đông xuân và xuân hè.

Việc xuống giống không đồng bộ dẫn đến tình trạng ruộng này đang cắt nước thì ruộng kia lại gieo sạ gây khó khăn trong cung cấp nước tưới ở xã Thanh Hòa (Bù Đốp)

CẦN MỘT GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

Cách điểm cuối kênh N8 thuộc ấp 1, xã Thanh Hòa chừng 1km là cánh đồng lúa khoảng 30 ha khô khốc sau khi mùa mưa kết thúc. Ông Phan Tám, cán bộ giao thông, thủy lợi, địa chính xã Thanh Hòa nói trong tiếc nuối: Kênh mương thủy lợi sau Cần Đơn được nối dài chừng 1km thì cánh đồng này sẽ là màu xanh ngút ngàn của lúa. Cánh đồng ở cuối ấp 6 chừng 20 ha có kênh mương N7 thuộc công trình thủy lợi Cần Đơn đi qua nhưng vẫn không thể sản xuất được lúa, bởi nước chưa thể chảy tới. Một cánh đồng ruộng lúa khác của ấp 6 và thị trấn Thanh Bình vẫn đang trong tình trạng bỏ hoang vì nước của công trình thủy lợi Cần Đơn đi qua nhưng người dân vẫn không thể lấy nước. Lý do hết sức đơn giản là những cánh đồng này không có kênh mương dẫn nước tới ruộng. Nếu lấy được nước của công trình thủy lợi sau Cần Đơn thì phải được các chủ ruộng phía trước đồng ý cho nước tràn qua ruộng của mình để đến với những đám ruộng phía sau.

Còn Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hòa Trần Văn Bình cho biết, để phát huy hiệu quả tối đa của công trình thủy lợi sau Cần Đơn cần phải có những giải pháp đồng bộ. Trước hết là phải xây dựng hệ thống kênh mương cấp 2 để dẫn nước từ kênh cấp 1 của công trình thủy lợi sau Cần Đơn vào từng đám ruộng. Nguồn ngân sách của huyện sẽ cực kỳ khó khăn nếu muốn đầu tư hệ thống kênh mương cấp 2 này. Do vậy, giải pháp hữu hiệu nhất để xây dựng hệ thống tuyến kênh cấp 2 là phải tuyên truyền, huy động nguồn lực trong dân theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Vấn đề thứ hai là phải nâng cao ý thức cho người dân trong quá trình xuống giống. Bao năm qua, người làm ruộng lúa trên địa bàn Bù Đốp nói riêng và cả tỉnh nói chung gần như ruộng ai nấy làm, người xuống giống trước, người xuống giống sau nên dẫn đến tình trạng nơi này ruộng lúa đã chín, nơi kia lại vừa xuống giống. Điều đó khiến việc cung cấp nước đồng loạt cho mọi cánh đồng trong mùa khô là việc không thể.

Cánh đồng khoảng 50 ha ruộng lúa thuộc ấp 6, xã Thanh Hòa, tiếp giáp với Sóc Nê, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, phải bỏ hoang vào mùa khô vì nước trên tuyến kênh N7 không đến được đồng ruộng

Mặt khác, Trạm Dịch vụ thủy lợi trên địa bàn huyện Bù Đốp hiện chỉ có 1 người nên không thể điều tiết nguồn nước cho 3 xã và 1 thị trấn trên địa bàn huyện. Thực tế mùa khô hiện nay cho thấy, cán bộ thủy lợi đóng van ở tuyến kênh này để điều tiết nguồn nước đến tuyến kênh khác của xã khác vừa rời khỏi hiện trường là người dân tự đến mở van để lấy nước. Mật độ cung cấp nguồn nước tưới mỗi tuần một lần cho một xã là không đủ thời gian để nước đến những nơi cần đến. Để giải quyết vấn đề này, Trạm trưởng Trạm Dịch vụ thủy lợi Bù Đốp Trương Văn Quang đề xuất, các xã có hệ thống kênh mương nội đồng thuộc công trình thủy lợi sau Cần Đơn cần thành lập tổ quản lý, điều tiết nguồn nước cho người dân. Một thực tế cần phải khắc phục ngay đó là việc người dân hợp đồng với Trạm Dịch vụ thủy lợi Bù Đốp để cung cấp nước còn quá thấp so với nhu cầu thực tế. Trong khi đó, Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi tỉnh căn cứ vào hợp đồng của người dân để cung ứng nguồn nước tưới tương đương với diện tích đã đăng ký. Thế nhưng nhiều nông hộ không đăng ký, hợp đồng cung ứng nước tưới nhưng vẫn lấy nước dẫn đến thiếu nước tưới của các hộ có hợp đồng rõ ràng.

Chủ trương của tỉnh hiện nay là miễn phí 100% đối với thủy lợi phí dành cho đất sản xuất nông nghiệp thuộc công trình dự án thủy lợi sau Cần Đơn. Do vậy, người nông dân cần nâng cao ý thức trong việc ký kết hợp đồng để công ty làm cơ sở cung cấp nước tưới theo nhu cầu thực tế trong dân. Công trình thủy lợi sau Cần Đơn được đầu tư hơn 300 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ nhằm phục vụ tưới 3.403 ha và tiêu úng cho 260 ha trên địa bàn huyện Bù Đốp. Để công trình này phát huy hiệu quả cần phải khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp tổng hợp, đồng bộ mới xanh hóa những cánh đồng hoang trên địa bàn huyện Bù Đốp trong mùa khô.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
94522

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu