Thứ 6, 26/04/2024 10:41:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 21:44, 11/08/2016 GMT+7

Không thể nhân danh “chống tiêu cực” để làm điều sai trái

Thứ 5, 11/08/2016 | 21:44:00 778 lượt xem

BP - Cách đây không lâu, báo chí đưa tin ông Trần Minh Lợi ở xã Ea B’Hốk, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk đã giả danh một doanh nghiệp dược phẩm đến nhà chị Doãn Phương Linh (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) và để lại 10 triệu đồng. Chị Linh là con ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk. Sau khi để lại tiền, ông Lợi ghi âm, ghi hình và tố cáo cha con ông Long tiêu cực. Từ lâu, ông Lợi nổi lên là một người “tích cực chống tham nhũng” trên Facebook ở địa phương này. Ông sẵn sàng “giúp đỡ pháp lý miễn phí” - chữ hay dùng của ông Lợi cho bất cứ ai tố cáo tiêu cực bằng cách trang bị các thiết bị ghi âm, ghi hình bí mật. Ông Lợi cũng cho biết đã tham gia nhiều vụ điều tra bằng biện pháp thu thập chứng cứ và “bắt quả tang” hàng chục cán bộ có tiêu cực.

Trước đó, vào năm 2011, 2012, báo chí đưa tin có phóng viên đã “gài bẫy” tạo tình huống đưa hối lộ cho cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông rồi ghi âm ghi hình, sau đó làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng. Đương nhiên, những cán bộ vi phạm pháp luật đều đã bị xử lý trách nhiệm, có trường hợp cảnh sát giao thông bị tước quân tịch, nhưng hành vi tạo tình huống của các phóng viên này đã cố ý, chủ động thúc đẩy người khác phạm tội cũng là hành vi vi phạm pháp luật và cũng đã bị xử lý. Như vậy là pháp luật luôn công bằng với bất kỳ ai, bởi không thể lấy cái lỗi này để lấp lên cái lỗi kia được!

Trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng đã nổi lên một vài trường hợp thường hay làm đơn tố cáo lãnh đạo, đồng nghiệp. Có những lá đơn tố cáo vài chục trang, trong đó nại ra đến hàng vài chục “tội danh” của lãnh đạo. Cơ quan chức năng đã phải vào cuộc kiểm tra hàng mấy tháng trời nhưng kết quả chỉ đúng một phần rất nhỏ như đơn tố cáo. Đó là có vi phạm nhưng chỉ ở mức độ “nhắc nhở”. Nếu người tố cáo vì lợi ích chung của đơn vị, vì trách nhiệm “chống tiêu cực” mà thẳng thắn góp ý hoặc chủ động báo cáo với cấp trên về những biểu hiện có thể dẫn đến tiêu cực thì đã không làm xáo trộn tổ chức, làm mất nhiều thời gian của cơ quan chức năng và làm ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết trong cơ quan, đơn vị.

Trong xu thế dân chủ hóa hiện nay, đã có rất nhiều người lợi dụng dân chủ để thực hiện ý đồ cá nhân nhằm “đánh đu” quyền lợi cho riêng mình, hoặc để gây rối loạn cơ quan, mất đoàn kết nội bộ, hoặc để bôi nhọ, hạ bệ một ai đó mà mình không ưa. Thông thường, nếu vì quyền lợi cá nhân mà khiếu kiện thì dù việc khiếu kiện không thành cũng dễ thông cảm hơn. Nhưng còn việc khiếu kiện vì động cơ gây rối loạn cơ quan, gây mất đoàn kết nội bộ hoặc để bôi nhọ ai đó thì từ cổ chí kim, rất khó được cảm thông, chấp nhận.

Có người biết lãnh đạo cơ quan hoặc đồng nghiệp làm sai nhưng không góp ý phê bình mà cứ “để dành” rồi chờ cơ hội thuận lợi thì làm đơn tố cáo. Có người một đời công chức chuyển công tác tới vài ba cơ quan nhưng đến đâu thì bới móc, khiếu kiện ở đó. Họ khiếu kiện không phải vì “công bằng xã hội” mà là để “làm nổi”, phá đám. Họ cứ nhân danh “dân chủ”, “xây dựng”, “chống tham nhũng, chống tiêu cực”… để thực hiện ý đồ cá nhân của mình. Và số đông thường ngại va chạm với những người như thế, theo tâm lý “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Kết quả là các cơ quan chức năng mất rất nhiều thời gian, công sức để điều tra sự việc. Cơ quan hoặc tập thể, cá nhân bị tố cáo thì căng thẳng tâm lý, không thể toàn tâm toàn ý với công việc. Rồi nội bộ cơ quan mất đoàn kết, nghi kỵ lẫn nhau…

Tố cáo những việc làm sai của cá nhân, tập thể để đấu tranh chống tiêu cực là hành động dũng cảm, hy sinh quyền lợi cá nhân mà chỉ rất ít người có đủ tấm lòng và dũng khí để làm. Thời gian qua đã có rất nhiều tấm gương như thế được Đảng, Nhà nước các cấp và báo chí tôn vinh. Như tấm gương chị Hoàng Thị Nguyệt cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức đã kịp thời được Thành ủy Hà nội biểu dương khi dũng cảm đứng ra tố cáo giám đốc bệnh viện cùng ê kíp của mình “nhân bản” kết quả xét nghiệm máu để trục lợi. Hay trước đó là ông Đinh Đình Phú đã dũng cảm tố cáo những hành vi sai trái của tập thể Thị ủy, UBND thị xã Đồ Sơn (Hải Phòng) tham nhũng trong quản lý đất đai khiến nhiều người phải ra hầu tòa và ông đã được Thủ tương Chính phủ gửi thư khen…

Trong khi có những người dũng cảm, bất chấp nguy hiểm cho bản thân để theo đến cùng và đưa ra ánh sáng những vụ việc tiêu cực thì lại có những kẻ chỉ ngồi rình những sơ hở, tiêu cực của cán bộ, công chức trong quá trình hoạt động rồi tung lên mạng xã hội những bình luận chứa đựng thông tin mơ hồ, thật - giả và tốt - xấu lẫn lộn. Qua đó để quy kết, vu cáo chính quyền. Họ luôn nhân danh “lòng yêu nước”, “vì dân”. Thế nhưng đó chỉ là sự dối trá, bởi họ chưa làm được bất cứ điều gì cho dân mà chỉ lợi dụng sự bức xúc của nhân dân trước những trường hợp cán bộ tha hóa và tự nhận là “đại diện của nhân dân” để chống đối chính quyền, làm rối ren xã hội.

 Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đảng, Nhà nước của chúng đang có bước chuyển quan trọng để tự hoàn thiện, từ đó tiếp tục tổ chức, lãnh đạo sự nghiệp phát triển đất nước, củng cố niềm tin của mọi tầng lớp nhân dân. Và khi trong bộ máy của Đảng, Nhà nước còn những “con sâu làm rầu nồi canh”, chúng ta cần phải đấu tranh làm trong sạch bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI). Những cán bộ trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp vi phạm pháp luật bị khởi tố trong thời gian qua là minh chứng cho quyết tâm lập lại kỷ cương xã hội của Đảng. Do đó, mỗi công dân cần có cái nhìn toàn diện hơn về “dân chủ, về chống tham nhũng, chống tiêu cực” để góp thiết thực để xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Thảo Linh 

  • Từ khóa
2488

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu