Thứ 5, 28/03/2024 19:20:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:57, 25/07/2014 GMT+7

Khi nông sản gặp thời rớt giá

Thứ 6, 25/07/2014 | 07:57:00 233 lượt xem

>> Cây ngắn ngày “chống lưng” cây dài ngày

BP - Là tỉnh có lợi thế trồng các loại cây công nghiệp lâu năm như cao su, hồ tiêu, điều… tuy nhiên, tình trạng giá cả không ổn định liên tục diễn ra làm đời sống người dân gặp không ít khó khăn, rơi vào vòng luẩn quẩn trồng - chặt - trồng. Trước thực trạng trên, phóng viên Báo Bình Phước đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vai trò của ngành nông nghiệp trong định hướng sản xuất cây trồng trên địa bàn tỉnh.
 

Bài cuối Nông dân cần chuyên nghiệp hơn trong sản xuất
 

Xin ông cho biết tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh thời gian qua cơ bản tuân theo quy hoạch của quốc gia và của tỉnh. Diện tích trồng lúa ngày càng giảm, diện tích cây công nghiệp lâu năm, đặc biệt là cây cao su tăng mạnh. Đến năm 2013, Bình Phước có 140.134 ha điều, 223.134 ha cao su, 10.010 ha tiêu... So năm 2000, cao su tăng 136.173 ha, điều tăng 69.610 ha, tiêu tăng 3.545 ha. 

Một thời chạy theo trồng ca cao, nay ca cao mất mùa mất giá, gia đình anh Trương Văn Út ở xã Đồng Tiến (Đồng Phú) chặt bỏ ca cao trồng mít nghệ

 
Sản xuất nông nghiệp ngày càng đa dạng cả về cơ cấu sản phẩm và loại hình tổ chức. Sản xuất nông hộ nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng lớn và hệ thống sản xuất quy mô vừa và lớn đang hình thành. Bên cạnh các tổ chức sản xuất truyền thống như hợp tác xã, tổ hợp tác, đã hình thành các nhóm kinh tế phi chính thức dựa trên nguyên tắc liên kết kinh tế tự nguyện giữa các nông hộ, như chuỗi sản xuất tiêu bền vững, nhóm phát triển điều ở xã Đồng Tiến (Đồng Phú)... đang đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông đánh giá thế nào về thực trạng chặt - trồng - chặt cây nông sản khi rớt giá của nông dân hiện nay?

 “Được mùa mất giá, mất mùa được giá” là quy luật cung - cầu, từng hộ dân hoặc nhóm hộ không thể điều chỉnh được. Trên thực tế, sản phẩm hàng hóa (lương thực, thực phẩm) đến với người tiêu dùng luôn tăng, nhưng giá nông sản thì có tăng có giảm, có lúc giảm rất mạnh. Nguyên nhân do giữa người sản xuất - thu mua - chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa có sự chia sẻ lợi ích, nên thua thiệt phần nhiều vẫn là nông dân. Muốn kiểm soát được tình trạng giá cả bấp bênh, cần phải hình thành chuỗi giá trị sản phẩm gắn với thị trường. Đây là việc làm khó, chỉ nông dân không thể làm được.

Về vấn đề này, chúng ta đang dừng ở mức tuyên truyền và còn thiếu sự vào cuộc của người thu mua, chế biến và tiêu thụ. Nông dân đang phải tự cứu lấy mình. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã, đang hỗ trợ nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, chứ không thể sản xuất với giá thành cao rồi yêu cầu thị trường phải mua giá cao.

Toàn tỉnh có khoảng 5-7% diện tích đất nông nghiệp đang xảy ra tình trạng trồng - chặt - trồng. Trong năm 2013, có khoảng 1.000 ha cao su bị chặt để thay thế bằng nhiều loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Riêng cây điều, cao điểm có năm bị chặt bỏ 5.000 ha, nhưng hiện nhiều nông dân trong tỉnh đã áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cải tạo những vườn điều già cỗi, trồng xen ca cao, đưa giống mới vào sản xuất và bước đầu tăng năng suất, giá trị kinh tế.

Xin ông phân tích rõ hơn nguyên nhân của tình trạng trên và trách nhiệm của ngành trong vấn đề này?

Tình trạng luẩn quẩn chặt và trồng cây nông sản thời gian qua do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do các hộ sang nhượng đất lập vườn có hướng phát triển riêng của mình nên chặt bỏ những cây trồng cũ để thay thế bằng loại cây trồng hiệu quả hơn. Thứ hai, khi cây cao su được giá, nhiều nông hộ trồng cả trên diện tích đất trồng cây hàng năm - nơi có tầng nước ngầm cao nên khi cây được khoảng 4-5 năm tuổi, rễ đụng vào tầng nước ngầm làm cây chết buộc phải chặt bỏ và thay bằng loại cây trồng khác. Điển hình là 70% diện tích hồ Đồng Xoài được quy hoạch trồng lúa, hoa màu và cây ăn trái nhưng đều đã trồng cao su, nay người dân đang xem xét chuyển đổi khi có hệ thống kênh nội đồng. Thứ ba, do giá mủ xuống thấp, những diện tích cao su trồng trên vùng đất không thích nghi bị chặt bỏ để thay thế cây trồng khác phù hợp hơn.

Việc chặt - trồng - chặt cây nông sản của người dân đã có tính toán riêng và nhìn chung sự chuyển đổi là hợp lý. Chỉ có một bộ phận nhỏ chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, thấy cây nào có giá thì đổ xô trồng theo. Giá hồ tiêu hiện đang tăng là dấu hiệu không bình thường và cũng sẽ đến thời kỳ bão hòa như giá mủ cao su hiện nay. Giai đoạn 2002-2010 được xem là thời kỳ “hoàng kim” của cây cao su, nhưng nay giá mủ cao su đã xuống thấp và sẽ khó hồi phục được như cũ. Đây là thời điểm tốt nhất để người nông dân hạch toán giá thành sản xuất của mình. Và qua việc này, nông dân sẽ lựa chọn được loại cây trồng phù hợp, tiếp tục đầu tư sản xuất hay thay thế bằng loại cây trồng khác hiệu quả hơn...

Với vai trò là cơ quan chuyên môn, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, sở có trách nhiệm phải quy hoạch phát triển các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đánh giá lợi thế của từng loại đất, khuyến cáo hạn chế tình trạng chặt - trồng - chặt và qua hoạt động khuyến nông giúp người dân hạch toán giá trị sản phẩm, bảo đảm tính cạnh tranh trên thị trường. Mặt khác, sở cũng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đồng bộ các ngành liên quan xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi kết hợp xây dựng nông thôn mới, nhằm góp phần giảm chi phí sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh của nông sản do người dân làm ra.

Ngành nông nghiệp đã và đang có những giải pháp gì giúp nông dân hạch toán giá trị cây trồng, thưa ông?

Thông qua hệ thống khuyến nông, tập huấn khoa học - kỹ thuật, nhiều nông hộ đã áp dụng thành công những tiến bộ đó vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ các mô hình nông dân sản xuất giỏi, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã xây dựng các mô hình trình diễn giúp nông dân vốn quen tính nhẩm chuyển sang ghi chép thu - chi, để xác định lợi nhuận lâu dài. Đặc biệt, thông qua tham quan, tổng kết các mô hình sản xuất, nông dân có cơ hội đúc rút kinh nghiệm, từ đó áp dụng vào sản xuất. Theo kế hoạch, bắt đầu từ năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Thông qua dạy nghề, gắn đào tạo nghề với thực hành sẽ góp phần nâng cao năng lực và giúp nông dân có thể hạch toán được lợi ích kinh tế trên chính mảnh đất của mình.

Ở Bình Phước, nông dân có diện tích dưới 1 ha đất canh tác rất nhiều, nhưng thu nhập từ vườn cây không đủ sinh sống. Để có thêm thu nhập, các hộ này phải đi làm thuê, làm mướn nên không có thời gian thâm canh, đầu tư cho vườn rẫy. Làm sao để các hộ dân có thể sống được trên đất của mình đang là vấn đề quan tâm của ngành. Theo đó, ngành đang có định hướng giúp những nông hộ này liên kết với nhau, hình thành các cánh đồng mẫu lớn để tập trung hỗ trợ, giúp nhau đầu tư chăm sóc, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và quan trọng nhất là tăng hiệu quả sử dụng đất trên cùng một đơn vị diện tích.

Xin cảm ơn ông!

Minh Luận - Nhất Sơn
(thực hiện)

  • Từ khóa
37592

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu