Thứ 6, 26/04/2024 13:13:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:50, 25/02/2018 GMT+7

Hớn Quản thực hiện tổng lực các giải pháp giảm nghèo

Chủ nhật, 25/02/2018 | 14:50:00 1,412 lượt xem
BP - Theo khảo sát của phòng chuyên môn, đầu năm 2017 huyện Hớn Quản có 1.163 hộ nghèo với 4.098 người, chiếm 4,59% số dân toàn huyện. Trong đó, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) 656 hộ, chiếm 56,41% tổng số hộ nghèo toàn huyện. Với quyết tâm giảm nhanh số hộ nghèo, nhất là số hộ nghèo đồng bào DTTS, năm qua, huyện Hớn Quản đã chủ động xây dựng kế hoạch, kết hợp nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trong công tác giảm nghèo và kết quả đã vượt kế hoạch tỉnh giao.

Thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội

Với người nghèo, việc có một căn nhà để an cư, lạc nghiệp luôn rất  khó thực hiện. Năm qua, ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, huyện Hớn Quản đã tăng cường vận động, hỗ trợ và xây dựng 37 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết tặng hộ nghèo khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng, trong đó có 24 hộ nghèo đồng bào DTTS được hỗ trợ.

Cán bộ xã Đồng Nơ (Hớn Quản) đến thăm, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ dân được hỗ trợ dê từ vốn sự nghiệp xây dựng nông thôn mới - Ảnh: Thùy Hương

Để giúp hộ nghèo đồng bào DTTS cải thiện căn bản điều kiện sống, trong 6 tháng đầu năm 2017, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hớn Quản đã tổ chức trao 144 con bò giống lai sind cho các hộ DTTS nghèo tại 3 xã An Khương, Phước An, Thanh An từ nguồn vốn trợ cước trợ giá giai đoạn 2013-2016. Bên cạnh đó, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện đã tổ chức tập huấn về nông nghiệp, xây dựng 4 mô hình, gồm: Trồng tiêu tại 2 xã Thanh An, An Khương; trồng bắp biến đổi gen tại 2 xã Phước An, An Khương; Trồng rau an toàn trong nhà lưới tại xã Tân Khai; trồng lúa nước tại 2 xã Thanh An và Thanh Bình. Thành lập 1 hợp tác xã tiêu an toàn tại xã An Phú, 1 tổ hợp tác rau an toàn tại xã Tân Khai. Ngoài ra, huyện còn triển khai mô hình chăn nuôi bò sinh sản cho 12 hộ nghèo tại xã An Khương, trong đó 11 hộ là đồng bào DTTS, với 41 con, tổng trị giá 500 triệu đồng. Đến cuối năm, một số con đã sinh, mang lại nguồn thu cho các hộ nghèo.

Đối với những hộ nghèo neo đơn, không còn sức lao động, huyện đã giải quyết chế độ bảo trợ xã hội, trong đó có 33 đối tượng là đồng bào DTTS. Để tiếp sức con em các hộ nghèo, cận nghèo đến trường, năm qua huyện đã hỗ trợ học tập với tổng 684,35 triệu đồng; 5 sinh viên được vay ưu đãi 68,75 triệu đồng. Ngoài ra, các trường còn có nhiều hình thức giúp đỡ học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn như quyên góp hỗ trợ sách giáo khoa, dụng cụ học tập, trao học bổng, tặng áo quần, xe đạp... nhằm khích lệ các em khắc phục khó khăn, vươn lên trong học tập. Trong lĩnh vực y tế, cùng với nâng cấp các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn để tạo thuận lợi cho người dân, huyện đã cấp hơn 3.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo với kinh phí hơn 2 tỷ đồng, trong đó cấp cho người nghèo là đồng bào DTTS 2.576 thẻ. Đồng thời triển khai cấp 9.731 thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho đồng bào DTTS sống trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn với tổng kinh phí hơn 5,9 tỷ đồng.

Hỗ trợ vốn, tạo việc làm và chuyển giao khoa học - kỹ thuật

Thực hiện mục tiêu kế hoạch đề ra là ít nhất 60% số hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách, năm 2017 toàn huyện có 293 hộ nghèo được vay với tổng 8,573 tỷ đồng và 656 hộ cận nghèo vay với tổng 16,247 tỷ đồng. Ngoài ra, có 4 hộ nghèo được hỗ trợ vốn vay xây dựng nhà ở 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân 33,55 tỷ đồng từ nguồn vốn vay phát triển sản xuất, nước sạch vệ sinh môi trường cho người dân các xã trên địa bàn huyện.

Để hỗ trợ người nghèo có việc làm và nguồn thu nhập ổn định, UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã và Trung tâm Giáo dục thường xuyên phối hợp các công ty, cơ sở sản xuất - kinh doanh có nhu cầu tuyển dụng tại các khu công nghiệp tổ chức lồng ghép đào tạo nghề gắn với tuyển dụng lao động theo từng ngành nghề. Qua nhiều kênh hỗ trợ, trong năm 2017 toàn huyện có 548 lao động được đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho 3.061 lao động, trong đó lao động là đồng bào DTTS khoảng 30%. Đa số học viên sau khi được học nghề đã tìm được việc làm, có thu nhập ổn định.

Năm qua, toàn huyện đã tổ chức 48 lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng lúa, trồng gừng trong bao, nuôi gà an toàn sinh học, cải tạo vườn điều già cỗi, trồng nấm bào ngư... cho 2.800 lượt người, trong đó có trên 1.000 người là đồng bào DTTS. UBND huyện đã giao nhiệm vụ cho các hội, đoàn thể thực hiện lồng ghép nhiều giải pháp và đỡ đầu, giúp các hộ khó khăn thoát nghèo.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đến hết năm 2017, số hộ nghèo trong toàn huyện giảm còn 913 hộ với 3.104 người, chiếm 3,6% số dân, vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Trong đó, hộ nghèo là đồng bào DTTS 505 hộ, 1.928 người, chiếm 55,31% tổng số hộ nghèo toàn huyện. Như vậy, toàn huyện đã giảm được 250 hộ nghèo, trong đó giảm được 151 hộ nghèo là đồng bào DTTS.

Thảo Nguyên

  • Từ khóa
1406

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu