Thứ 5, 02/05/2024 05:03:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 21:45, 07/10/2012 GMT+7

Nông dân Long Hà bám đất làm giàu

Chủ nhật, 07/10/2012 | 21:45:00 190 lượt xem

Xã Long Hà (Bù Gia Mập) có 9.330 ha đất tự nhiên. Đất đai màu mỡ, nông dân Long Hà đã bám đất và đa dạng các loại cây trồng như điều, cao su, cây lương thực ngắn ngày... để làm giàu.

THỦY CHUNG VỚI CÂY ĐIỀU

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch Hội nông dân xã Long Hà cho biết: Hiện nay, diện tích trồng điều vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu cây trồng của xã Long Hà với 3.500,07 ha; cao su 1.580,17 ha; hồ tiêu, ca cao, cà phê chiếm diện tích không đáng kể... Ở xã Long Hà, nhiều hộ có kinh tế khá, giàu là nhờ vào điều, cao su.

Ông Điểu Hương trước ngôi nhà khang trang của gia đình

Ông Điểu Hương ở thôn Bù Ka 2 trước đây quen với tập quán du canh, du cư. Năm 1990, theo chủ trương định canh, định cư của Đảng, Nhà nước, ông Hương trở về nơi “chôn nhau cắt rốn” để xây dựng đời sống mới. Ông Hương chia sẻ: “Tôi thấy nhiều người trong làng tiếp tục du canh, du cư nhưng đi nhiều mệt mỏi mà cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám. Tôi nghĩ, đất làng mình nhiều, nên học tập người Kinh cần cù, chịu khó sản xuất ổn định trên diện tích đất của gia đình”. Từ 0,5 ha đất ban đầu, gia đình ông Điểu Hương đã chăm chỉ lao động, tiết kiệm tiền mua thêm đất để canh tác.

Khác với nhiều nông dân chạy theo phong trào cây được giá thì trồng, cây mất giá thì chặt, ông Hương chỉ duy trì cây điều. Ông cho biết: “Tôi cũng từng trồng bắp, mì, tiêu nhưng đều thất bại. Cây điều gắn bó lâu đời với người nghèo và không phải đầu tư chăm sóc nhiều”. Cần cù lao động và chịu khó học hỏi, ông Hương trở thành nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền.

Rời Bắc Giang vào Bình Phước lập nghiệp, ông Tống Văn Tình (1960) cũng quyết tâm xây dựng cuộc sống trên đất Long Hà. Ban đầu vợ chồng ông phải đi làm thuê cho qua những ngày tháng khó khăn. Với quyết tâm thay đổi cuộc sống trên vùng đất mới, vợ chồng ông Tình nhận 1 ha đất trồng bông theo dự án của Công ty Bông Việt Nam. Kiên trì, chịu khó và chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn bông của gia đình ông cho năng suất 4 tấn/ha. Có thu nhập, ông đầu tư mua được 1,6 ha đất để trồng điều. Trên vườn điều ông xen canh đậu, bắp để lấy ngắn nuôi dài. Sau mỗi vụ thu hoạch, gia đình ông dành dụm mở rộng diện tích canh tác và trở thành nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi nhiều năm liền.

CUỘC SỐNG KHỞI SẮC

Không quản khó khăn, kiên trì với mảnh đất của mình, những nông dân như ông Hương, ông Tình ở xã Long Hà đã vươn lên khá, giàu.

Hiện gia đình ông Hương đang sở hữu ngôi nhà khang trang với 6 ha cao su, trong đó hơn 2 ha đang khai thác cùng 8 ha điều với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Không chỉ ổn định cuộc sống gia đình, ông Hương còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động, cho người nghèo vay vốn không lãi, hỗ trợ chính quyền xây dựng nhà tình thương...

20 năm bám đất, bám vườn và đa dạng hóa phương thức sản xuất trên quê hương mới đã giúp gia đình ông Tống Văn Tình trở thành hộ giàu. Hiện mỗi năm nguồn thu từ cây trồng và kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của gia đình trên 800 triệu đồng. Kinh tế ổn định nên vợ chồng ông có điều kiện tham gia công tác xã hội. Vợ ông nhiều năm liền là cán bộ phụ nữ gương mẫu. Bản thân ông Tình vừa là công an viên tích cực, vừa là ủy viên Ban thường vụ Hội nông dân xã.

Ông Nguyễn Văn Ngưỡng, Phó trưởng thôn Bù Ka 2 cho biết: Thôn có gần 100% hộ người Xêtiêng, nằm xa trung tâm xã, giao thông khó khăn nhưng đời sống của người dân khá ổn định. Hiện thôn Bù Ka 2 có hơn 50% hộ khá, giàu. 5 năm trở lại đây, thôn có nhiều nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi. Các hộ có mức thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên chiếm tỷ lệ khá cao như ông Điểu Kem, Điểu Hương, Điểu Thắng...

C. L

  • Từ khóa
36309

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu