Thứ 6, 26/04/2024 13:09:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:55, 06/06/2019 GMT+7

Hành trình đến với bệnh nhân khuyết tật

Thứ 5, 06/06/2019 | 14:55:00 1,021 lượt xem
BP - Gần 25 năm công tác trong ngành y, hơn 10 năm làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Hiệp (Hớn Quản), ngoài khám chữa bệnh cho người dân địa phương, bác sĩ Phan Văn Tập luôn dành thời gian, công sức giúp đỡ những người khuyết tật (NKT), mang niềm vui, hy vọng đến những cảnh đời kém may mắn.

“Niềm vui chính là sự hồi phục sức khỏe của người bệnh”

Quê ở Đà Nẵng, năm 1995 sau khi tốt nghiệp ngành y, bác sĩ Tập về công tác tại Bệnh viện đa khoa Bình Long, sau đó tiếp tục nhận nhiệm vụ tại Trung tâm Y tế huyện Hớn Quản rồi được phân công làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Hiệp. Ngày đầu nhận nhiệm vụ mới, Trạm Y tế xã còn thiếu trang thiết bị như dụng cụ khám bệnh, máy đo huyết áp, máy xét nghiệm... Mặt khác, Tân Hiệp là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, kinh tế khó khăn nên người dân ít quan tâm đến sức khỏe. Với đam mê và tâm huyết với nghề, bác sĩ Tập luôn đặt mình vào vị trí của người bệnh, đồng thời quán triệt tập thể cán bộ, nhân viên ở trạm phải nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân; gần gũi, nắm bắt từng hoàn cảnh để có sự hỗ trợ kịp thời. Anh luôn tâm niệm: “Với chúng tôi, niềm vui chính là sự hồi phục sức khỏe của người bệnh...”.

Bác sĩ Phan Văn Tập (đứng) chia sẻ kinh nghiệm trong việc thành lập Cơ sở Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng xã Tân Hiệp với đoàn cán bộ y, bác sĩ 3 tỉnh Quảng Nam, Bình Định và Thừa Thiên - Huế trong chuyến đoàn đến thăm, làm việc tại cơ sở

Những việc làm đầy trách nhiệm, nghĩa tình vì người bệnh của bác sĩ Tập đã nhận được nhiều tình cảm yêu mến của đồng nghiệp và bệnh nhân. Ông Nguyễn Văn Cư (52 tuổi) ở ấp Bàu Lùng, xã Tân Hiệp cho biết: Tôi bị yếu 2 chi dưới do thoát vị đĩa đệm không đi lại được, mỗi lần đi thăm khám phải nhờ sự trợ giúp của người nhà, gia đình lại neo người. Hiểu hoàn cảnh khó khăn của tôi, nhiều lần bác sĩ Tập đã đến tận nhà thăm khám, cấp thuốc và cho phác đồ điều trị. Nhờ sự động viên của bác sĩ cùng nỗ lực tập luyện, đến nay tôi đã đi lại được vài bước, gia đình rất cảm phục trước việc làm của bác sĩ Tập.

Hành trình đến với NKT của bác sĩ Tập cũng không ngừng nghỉ. Nhiều năm qua, anh đã đi đến rất nhiều nơi trong và ngoài tỉnh để khám chữa bệnh, giúp đỡ trẻ khuyết tật nói chung và NKT nói riêng. Anh đã đầu tư học chuyên khoa về phục hồi chức năng (PHCN) để khám và điều trị bệnh nhân NKT. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, anh còn tham gia tập huấn, truyền đạt về PHCN trong và ngoài tỉnh.

Mang yêu thương đến NHỮNG NGƯỜI kém may mắn

Với nỗ lực của bản thân, cùng sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, Cơ sở PHCN dựa vào cộng đồng xã Tân Hiệp được thành lập tháng 6-2018. Đây là tâm huyết bao nhiêu năm của bác sĩ Phan Văn Tập. Cơ sở hoạt động trên nền tảng thiện nguyện nhằm theo dõi sức khỏe, trợ giúp miễn phí hoàn toàn cho NKT và người cao tuổi thuộc nhóm nguy cơ cao dễ bị khuyết tật và nâng cao nhận thức về sức khỏe của nhân dân trên địa bàn xã Tân Hiệp.

Trước nhu cầu điều trị của bệnh nhân ngày càng cao, từ khi hoạt động, hằng ngày cơ sở đón tiếp hàng chục bệnh nhân NKT đến khám và PHCN miễn phí. Không giấu được niềm vui, bệnh nhân Nguyễn Văn Bính (57 tuổi), ấp Tân Lập cho biết: Tôi bị tai biến hơn 1 năm nay, điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) 6 tháng, xuất viện về nhà nằm một chỗ. Từ khi Cơ sở PHCN dựa vào cộng đồng ra đời, hằng ngày con trai chở tôi đến tập luyện, nay tôi đã tự đứng lên được, tự ăn cơm. Mong cơ sở có thêm nhiều máy tập để tạo điều kiện cho những người kém may mắn được chữa trị, phục hồi.

Bé Lê Thị Mỹ Phượng (9 tuổi) ở ấp Sóc 5, xã Tân Hiệp, được cha là anh Lê Bá Long (43 tuổi) đưa đến cơ sở để luyện tập PHCN. Anh Long cho biết: Cháu bị di chứng của chất độc da cam từ khi sinh ra, chậm phát triển, chậm vận động. Cuộc sống gia đình khó khăn, hằng ngày vợ chồng tôi đi làm thuê kiếm sống. Các trung tâm đều ở xa nhà nên gia đình không có điều kiện đưa cháu đi điều trị. Từ ngày Cơ sở PHCN Tân Hiệp thành lập, vợ chồng tôi thay phiên nhau đưa cháu đến luyện tập. Hy vọng cháu đỡ phần nào và tự chăm sóc được bản thân.

Mỗi người một hoàn cảnh nhưng khi họ tìm đến Cơ sở PHCN dựa vào cộng đồng xã Tân Hiệp đều cảm nhận được tình cảm của bác sĩ Tập. “Phục vụ và chăm sóc người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân NKT, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào của những người làm nghề y. Tôi không thấy đó là khó khăn, áp lực mà ngược lại, bản thân rất hạnh phúc khi được giúp đỡ những người kém may mắn” - bác sĩ Tập chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Mai Hiên, đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong đợt dẫn đoàn cán bộ y, bác sĩ công tác tại các bệnh viện PHCN của 3 tỉnh Quảng Nam, Bình Định và Thừa Thiên - Huế đi khảo sát học tập kinh nghiệm đã đến thăm, làm việc tại Cơ sở PHCN dựa vào cộng đồng xã Tân Hiệp, nhận định: Tôi đánh giá rất cao mô hình này. đây là bước đột phá trong việc theo dõi sức khỏe, hỗ trợ miễn phí hoàn toàn cho NKT, người cao tuổi thuộc nhóm nguy cơ cao dễ bị khuyết tật và nâng cao nhận thức về sức khỏe của người dân. Bà Hiên hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng và phát triển ra nhiều địa bàn trong toàn tỉnh và trở thành địa chỉ tin cậy của NKT.

Nguyễn Quang Đức

  • Từ khóa
2268

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu