Thứ 6, 26/04/2024 09:59:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 20:29, 28/04/2017 GMT+7

Giảm gánh nặng hành chính trong công tác báo cáo

Thứ 6, 28/04/2017 | 20:29:00 899 lượt xem

BPO - Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 559/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Chương trình đã đề ra những mục tiêu cụ thể và những giải pháp mang tính khả thi cao. Điều này cho thấy Chính phủ đang quyết tâm thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là chế độ báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước, nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Dưới đây xin giới thiệu cùng bạn đọc về những nội dung chính trong chương trình này:

Mục tiêu và nhiệm vụ mang tính khả thi cao:

Theo đó, Chính phủ đề ra mục tiêu là thiết lập khung pháp lý thống nhất về chế độ báo cáo theo hướng: Đổi mới và giảm gánh nặng hành chính trong công tác báo cáo, đảm bảo hoạt động báo cáo được thực hiện theo nguyên tắc, quy trình, kỳ và thời hạn gửi báo cáo thống nhất, đồng bộ; có cơ chế chia sẻ, sử dụng hiệu quả, thống nhất nguồn thông tin từ các báo cáo, phục vụ có hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước. Giảm tối thiểu 20% số báo cáo định kỳ không phù hợp với yêu cầu quản lý, lược bỏ những chỉ tiêu, nội dung báo cáo trùng lặp, không cần thiết, đảm bảo giảm gánh nặng hành chính, tiết kiệm chi phí trong thực hiện chế độ báo cáo.

Đến năm 2020, hệ thống thông tin báo cáo quốc gia cơ bản hoàn thành và được vận hành, đảm bảo báo cáo được thực hiện trực tuyến, nội dung báo cáo chính xác, đầy đủ, kịp thời; có sự tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu báo cáo giữa các cơ quan hành chính nhà nước; các dữ liệu báo cáo được quản lý, cập nhật và khai thác sử dụng hiệu quả; mẫu báo cáo, biểu báo cáo được tối đa hóa, phù hợp với yêu cầu báo cáo của từng cấp quản lý, phục vụ có hiệu quả hoạt động báo cáo trực tuyến.

Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể như sau: Hệ thống hóa toàn bộ các báo cáo, chế độ báo cáo theo ngành, lĩnh vực đang thực hiện hoặc yêu cầu thực hiện, gồm: các báo cáo định kỳ thuộc các lĩnh vực quản lý của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước được thể hiện bằng văn bản (không bao gồm báo cáo thống kê, báo cáo đột xuất, báo cáo nói) thực hiện giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau và báo cáo của các tổ chức, cá nhân gửi cơ quan hành chính nhà nước theo quy định của các văn bản pháp luật hiện hành.

Trên cơ sở danh mục báo cáo, chế độ báo cáo đã được hệ thống hóa, các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát, đánh giá, xây dựng, phê duyệt phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước theo các tiêu chí: sự cần thiết; tính pháp lý của báo cáo được thực hiện; tần suất báo cáo, kỳ báo cáo, thời điểm lấy số liệu báo cáo và thời hạn gửi báo cáo; trách nhiệm báo cáo, mức độ và sự phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thực hiện báo cáo; hình thức, nội dung báo cáo (rà soát, đánh giá cụ thể về tính rõ ràng, minh bạch, phù hợp... của hình thức, nội dung báo cáo); mẫu, biểu báo cáo (rà soát, đánh giá, kiến nghị cụ thể về mẫu đề cương báo cáo, biểu mẫu báo cáo khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình báo cáo. Đồng thời, tổ chức thực thi phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo.

Giải pháp trách nhiệm thực hiện

Xác định cụ thể các tiêu chí rà soát để bảo đảm rà soát hiệu quả, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra. Tổ chức đánh giá thực trạng thực hiện chế độ báo cáo ở từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực để làm rõ tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong hoạt động báo cáo. Trên cơ sở đó, đề xuất biện pháp cải cách, đơn giản hóa phù hợp.

Tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, công chức về chế độ báo cáo nói chung và yêu cầu, nhiệm vụ thực hiện việc đơn giản hóa chế độ báo cáo nói riêng. Tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo tại bộ, ngành, địa phương. Tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện đề án.

Đổi mới quy trình báo cáo trong nội bộ cơ quan, đơn vị; đầu tư hợp lý trang thiết bị, cơ sở vật chất tại bộ phận văn phòng và các đơn vị có liên quan trong quy trình gửi - nhận, tổng hợp, lưu trữ, chia sẻ thông tin báo cáo của cơ quan, đơn vị. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt; đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị không nghiêm túc thực hiện đề án, gây khó khăn, chậm trễ cho việc triển khai thực hiện đề án.

Về trách nhiệm thực hiện, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm triển khai thực hiện đề án bảo đảm đúng tiến độ và đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra: Tổ chức thực hiện và phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao bảo đảm đúng tiến độ. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá hoạt động của đề án trong phạm vi bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.  

Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chình phủ yêu cầu tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và các nhiệm vụ khác theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ để triển khai thực hiện đề án. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc triển khai thực hiện đề án. Bảo đảm kinh phí, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Duy trì kết nối giữa Phân hệ phần mềm báo cáo của các cơ quan, đơn vị với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ việc tổ chức thực hiện các nội dung cụ thể của các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý của địa phương trong việc triển khai thực hiện đề án.

PV

  • Từ khóa
17802

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu