Thứ 5, 25/04/2024 13:46:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:52, 25/10/2019 GMT+7

Tác phẩm dự thi giải Búa Liềm Vàng năm 2019

Đồng hành và nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Thứ 6, 25/10/2019 | 09:52:00 477 lượt xem

Thời gian qua, tỉnh luôn xác định, muốn thu hút đầu tư, mời gọi doanh nghiệp (DN) đến Bình Phước hoạt động, nhất quyết phải kiến tạo một môi trường đầu tư thông thoáng, có được lợi thế so sánh với các địa phương khác. Đồng thời coi cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là khâu đột phá, là điều kiện tiên quyết để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Từ đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh và nhận được sự đánh giá rất cao từ cộng đồng DN trong và ngoài nước.

Xác định vai trò đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thời gian qua, tỉnh đã chủ động đổi mới công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư. Không chỉ ưu tiên “trải thảm” mời gọi nhà đầu tư đến tìm hiểu và đi vào hoạt động, lãnh đạo tỉnh còn chủ động tìm đến các nhà đầu tư để trao đổi và mời họ đến với tỉnh. Nhờ đó đã thu hút được các tập đoàn, thương hiệu lớn, có năng lực, uy tín trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực mang tính đột phá, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra.

Nhìn lại kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua cho thấy, trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế, công tác thu hút đầu tư nổi lên như một gam màu tươi sáng và tạo dấu ấn đậm nét. Cụ thể, năm 2018 có 931 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 13.094 tỷ đồng; thu hút đầu tư trong nước được 187 dự án với số vốn đăng ký 17.859 tỷ đồng, tăng 18% số dự án và tăng 27% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017; thu hút đầu tư FDI được 32 dự án với số vốn đăng ký 400 triệu USD, tăng 45% về số dự án và tăng 270% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

So sánh với 9 tháng năm 2019 có 833 DN thành lập mới, vốn đăng ký 9.989 tỷ đồng; lũy kế đến ngày 30-9-2019 toàn tỉnh có 7.432 DN đăng ký, vốn đăng ký là 68.035 tỷ đồng; cấp mới 100 dự án đầu tư trong nước, với số vốn 8635,10 tỷ đồng; thu hút 32 dự án đầu tư FDI, vốn đăng ký 290 triệu USD (trong đó vốn đăng ký mới là 133 triệu USD và điều chỉnh tăng thêm là 157 triệu USD); lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 224 dự án dự án FDI, tổng vốn đăng ký là 2 tỷ 254 triệu 700 ngàn USD. Những con số trên đã minh chứng cho sự thành công của trong quá trình “trải thảm” mời gọi đầu tư vào các KCN của tỉnh trong thời gian qua.

Ký kết biên bản ghi nhớ giữa lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn Hùng Nhơn với Tập đoàn De Heus, Công ty T&T 159, Công ty Chánh Thu về các dự án nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnhKý kết biên bản ghi nhớ giữa lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn Hùng Nhơn với Tập đoàn De Heus, Công ty T&T 159, Công ty Chánh Thu về các dự án nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh

Nổi bật trên lĩnh vực đầu tư trong thời gian qua, bên cạnh thực hiện tốt quy chế liên thông giữa các đơn vị liên quan để hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục ban đầu, tỉnh còn thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các DN, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư. Phát biểu tại buổi tiếp và làm việc với các doanh nghiệp Hà Lan vào tháng 8-2019, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh: “Thường trực Tỉnh ủy thống nhất định kỳ hằng tháng tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các DN. Tại các cuộc đối thoại này, chúng tôi kịp thời trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của DN sản xuất, kinh doanh, đầu tư trên địa bàn. Trong 8 tháng năm 2019, lãnh đạo Tỉnh ủy đã giải quyết kịp thời 28 nhóm vấn đề, kiến nghị các DN đề xuất tại cuộc đối thoại hằng tháng. Đây là kênh thông tin thật sự cần thiết bởi chính DN là người phản ánh vấn đề, còn lãnh đạo tỉnh trực tiếp thẩm định, chỉ đạo giải quyết rốt ráo từng vấn đề DN kiến nghị. Tôi cho rằng đây là một cách làm hay, thiết thực”.

Không chỉ đến Bình Phước tìm hiểu đầu tư, Tập đoàn Mitani Sangyo còn giới thiệu các DN Nhật Bản khác đến tìm hiểu đầu tư tại tỉnhKhông chỉ đến Bình Phước tìm hiểu đầu tư, Tập đoàn Mitani Sangyo còn giới thiệu các DN Nhật Bản khác đến tìm hiểu đầu tư tại tỉnh

Với tinh thần chủ động, khát vọng thu hút đầu tư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đã gặp gỡ, giới thiệu, mời gọi nhà đầu tư tham gia tìm hiểu, đầu tư vào những ngành, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh. Trong tháng 6-2019, tại 2 tỉnh Ishikawa, Aichi và thủ đô Tokyo của Nhật Bản, tỉnh phối hợp với Công ty cổ phần phát triển - đầu tư Becamex Bình Phước chọn tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư. Đây là nơi đặt trụ sở của các tập đoàn, DN hàng đầu, là những trung tâm phát triển bậc nhất về công nghiệp, khoa học, kỹ thuật, công nghệ chế biến của Nhật Bản… Sau chương trình xúc tiến đầu tư trực tiếp, các DN Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng cũng như những chính sách ưu đãi đầu tư của Bình Phước. Sau các buổi gặp gỡ, trao đổi thắng thắng, nhiều DN đã liên hệ với Becamex IDC và tỉnh Bình Phước để tiến hành các bước đầu tư trong thời gian tới, nổi bật là Tập đoàn Mitani Sangyo.

Nhờ tinh thần cầu thị của tỉnh, Mitani Sangyo không chỉ đến Bình Phước tìm kiếm cơ hội đầu tư mà tập đoàn này với vai trò là đầu mối giới thiệu các DN Nhật Bản khác đến tìm hiểu đầu tư tại tỉnh. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh tháng 9-2019, đại diện tập đoàn Mitani Sangyo đánh giá cao vị trí địa lý, môi trường đầu tư và độ “mở” của chính quyền. Tập đoàn đã đặt vấn đề phối hợp với tỉnh cử nguồn nhân lực tay nghề cao đi đào tạo tại Nhật Bản sau đó quay lại Bình Phước để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng theo từng ngành nghề của các DN Nhật Bản khi đến đầu tư tại tỉnh.

Trong nhiều quốc gia đang đầu tư tại tỉnh với các nghề phổ biến như: Dệt may, giày dép, gỗ, xơ sợi…thì DN Nhật Bản chiếm 0,2% (3 DN với vốn đầu tư 4 triệu USD). Theo đánh giá của giới chuyên gia, hàm lượng khoa học-công nghệ trong các dự án của Nhật Bản rất cao, hầu hết sử dụng công nghệ hiện đại như: công nghệ điện tử, máy móc, linh kiện ô tô, xe máy và công nghệ mới, thân thiện môi trường. Đây là những ngành nghề mới mà tỉnh đang ưu tiên thu hút đầu tư.

Những năm qua, thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài luôn được tỉnh ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tỉnh đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng công trình hạ tầng quan trọng, như giao thông, điện, nước, bưu chính - viễn thông, hạ tầng đô thị... Toàn tỉnh có 13 KCN với diện tích 4.686 ha, hiện 10 KCN đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư, cơ bản đáp ứng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, tỷ lệ lấp đầy bình quân gần 80%. Các KCN đã thu hút được 240 DN đăng ký đầu tư, trong đó có 171 dự án nước ngoài, 69  dự án  trong nước. Diện tích đất thuê là 883,07 ha, tổng số vốn đăng ký là 1.921 triệu USD và 5.977 tỷ đồng.

Một số dự án có vốn đầu tư lớn đang làm ăn hiệu quả tại tỉnh phải kể đến dự án chế biến gỗ MDF của Công ty Cổ phần gỗ MDF Dongwha với số vốn đầu tư đăng ký 228 triệu USD tại KCN Minh Hưng III; dự án sản xuất ván nhân tạo của Công ty Cổ phần FSC Việt Nam, vốn đăng ký 2.280 tỷ đồng tại KCN Nam Đồng Phú; dự án chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản, nhà máy ấp trứng của Công ty TNHH CPV Food vốn đầu tư 157,57 triệu USD tại KCN Becamex-Bình Phước…

Ngoài việc xây dựng hạ tầng với những tiêu chuẩn quốc tế. KCN Becamex - Bình Phước đã làm tốt việc kết nối với chính quyền, cơ quan chức năng để hỗ trợ nhà đầu tư, trong đó có các DN FDI như: hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình làm các thủ tục chuẩn bị đầu tư nhanh nhất, thuận lợi nhất; kết nối với cơ quan thuế để kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn… KCN Becamex - Bình Phước có diện tích 2.450 ha, dù chưa hoàn thiện về cơ sở hạ tầng nhưng đã thu hút 13 dự án đầu tư nước ngoài chọn KCN Becamex trở thành “bến đỗ” để “rót vốn”, với vốn đăng ký 353,07 triệu USD, diện tích thuê đất 76,94 ha, tỷ lệ lấp đầy 4,1%.

Lãnh đạo tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư và làm lễ khởi công xây dựng 5 dự án tại Khu công nghiệp - đô thị Becamex - Bình PhướcLãnh đạo tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư và làm lễ khởi công xây dựng 5 dự án tại Khu công nghiệp - đô thị Becamex - Bình Phước

Hiện thực hóa mong muốn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị xúc tiến đầu tư Bình Phước tháng 8-2018 là Bình Phước sẽ là nơi “Đại bàng về làm tổ”, thời gian qua lãnh đạo và các cơ quan chức năng của tỉnh đã không chỉ mời gọi mà còn không ngừng nỗ lực chủ động đi tìm “đại bàng” về “làm tổ”. Trong 9 tháng năm 2019 có hàng chục tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư và đang được lãnh đạo tỉnh xem xét cấp chủ trương như: Tập đoàn De Heus (Hà Lan); Tập đoàn DDK; Caishi (Đài Loan); HCM vina (Hàn Quốc); Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro); Tập đoàn Kuka Group (Trung Quốc)… và nhiều tập đoàn lớn trong nước như: Tổng công ty Vinaconex; tập đoàn TNG đến tìm hiểu đầu tư tại tỉnh về nhiều lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, dệt nhuộm, gia công si mạ, nhà hàng, khách sạn, điện mặt trời…

Ông Võ Sá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để triển khai thực hiện tốt chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đối với những nhà đầu tư cần xin chủ trương của Tỉnh ủy, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để báo cáo lãnh đạo tỉnh tiếp, đồng thời soạn sẵn mẫu công văn thuận chủ trương để trao ngay tại buổi tiếp khi được lãnh đạo tỉnh đồng ý. Điển hình như ngay trong buổi làm việc với Tập đoàn TNG Holdings Vietnam về dự kiến đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời nổi trên mặt hồ Phước Hòa (Chơn Thành) và Suối Giai (Đồng Phú), Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Hằng đã ký ngay chủ trương đồng ý để tập đoàn khảo sát cụ thể trên 2 diện tích mặt hồ. Điều này giúp DN rất hài lòng vì lãnh đạo tỉnh đã thực hiện đúng cam kết đơn giản các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho DN.

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về nguồn năng lượng điện mặt trời. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này. Toàn tỉnh hiện có 5 dự án điện mặt trời đã được cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, với tổng công suất 850 MWp. Hiện các nhà đầu tư đang tiến hành giải phóng mặt bằng và các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Theo dự kiến, có dự án sẽ được đưa vào hoạt động cuối Quý I/2020, với công suất khoảng 200 MWp. UBND tỉnh cũng đã trình phê duyệt bổ sung 44 dự án với tổng công suất 4.354 MWp. Các nhà đầu tư cũng đang tiếp tục khảo sát, đánh giá tác động môi trường để lập hồ sơ quy hoạch cho giai đoạn 2020-2025, với tổng công suất khoảng 3.000 MWp. Khi đi vào hoạt động, lĩnh vực điện mặt trời sẽ là “cú hích” cho kinh tế Bình Phước phát triển.

Năm 2019 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, tỉnh xác định tập trung vào cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là điểm đột phá để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN… theo báo cáo 9 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 7,7%, kế hoạch cả năm là 7,3-7,5%. Đây được xem là mức tăng trưởng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tuy nhiên, yếu tố cốt lõi vẫn là phải thực tốt công tác cải cách hành chính mới bảo đảm phát triển bền vững.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời gian tới, trọng tâm là phấn đấu năm 2019, nâng cao điểm số để cải thiện vị trí của tỉnh trong bảng xếp hạng PCI, đứng thứ 54-56/63 tỉnh, thành của cả nước, tăng từ 5 đến 7 bậc so năm 2018. Tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, như Tăng cường các buổi tiếp xúc của lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp để lắng nghe và kịp thời tham mưu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình tham mưu giải quyết thủ tục hành chính, trong giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền bãi bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh do tỉnh ban hành không còn phù hợp với quy định của Trung ương; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã được Trung ương đơn giản hóa.  Khắc phục những bất cập trong cổng dịch vụ công và một cửa điện tử; rà soát, điều chỉnh quy trình giải quyết thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp. Đầu tư hạ tầng viễn thông, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Khuyến khích phát triển các mô hình thương mại điện tử, du lịch thông minh…

Công nhân Công ty TNHH Việt Nam Nicever, KCN Chơn Thành đang gấp rút hoàn thành các đơn hàng cuối nămCông nhân Công ty TNHH Việt Nam Nicever, KCN Chơn Thành đang gấp rút hoàn thành các đơn hàng cuối năm

Song song đó, tỉnh cần tiếp tục cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành; không được thanh, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm. Đẩy mạnh thanh toán điện tử, áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực như: Thu phạt hành chính; Chi trả từ ngân sách (ví dụ các khoản chi trả thuộc lĩnh vực lao động thương binh xã hội, bảo hiểm xã hội); Thanh toán điện, nước, cước viễn thông, học phí… Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Khuyến khích, hỗ trợ mạnh mẽ các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Xử lý nghiêm các trường hợp gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm tìm hiểu tình hình sản xuất của DN có vốn đầu tư nước ngoài tại KCN Minh Hưng - Hàn QuốcBí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm tìm hiểu tình hình sản xuất của DN có vốn đầu tư nước ngoài tại KCN Minh Hưng - Hàn Quốc

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu hiền hòa, nguồn nước tốt, đất bazan quý giá chiếm tới trên 40%, đất chất lượng cao trở lên chiếm 61,17% tổng diện tích tự nhiên, Bình Phước đang hướng phát triển một nền công - nông nghiệp thông minh và bền vững, khai thác tiềm năng, thế mạnh nông sản của tỉnh để hình thành ngành công nghiệp chế biến công nghệ cao và chế biến nông sản với chuỗi giá trị khép kín. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ 2015-2020 của tỉnh là chuyển căn bản từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao. “Tháng 4-2017, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương để Bình Phước xây dựng thêm 2 khu nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích 1.000 ha tại huyện Hớn Quản và huyện Lộc Ninh, mỗi khu 500 ha. Và đến nay, theo quy hoạch, đến năm 2020 Bình Phước sẽ có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao, gồm thành phố Đồng Xoài 50 ha, huyện Lộc Ninh 500 ha, huyện Hớn Quản 500 ha và huyện Đồng Phú 50 ha. Các khu nông nghiệp công nghệ cao này được thực hiện theo mô hình xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn hoàn thành các thủ tục phê duyệt các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh”-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Võ Sá cho biết.

Với ý chí, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Bình Phước đang hướng tới những mục tiêu hành động cao hơn để tiếp tục tạo ra sự bứt phá, đưa kinh tế tỉnh nhà tăng trưởng nhanh, bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra.

Tác giả: Lâm Phương - Ngân Hà

>> Bài 1: Khơi thông “điểm nghẽn” thu hút đầu tư

>> Bài 2: Tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp

  • Từ khóa
45044

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu