Thứ 6, 26/04/2024 09:18:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:43, 14/02/2018 GMT+7

MỪNG XUÂN MẬU TUẤT 2018

Để “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”!

Thứ 4, 14/02/2018 | 06:43:00 4,921 lượt xem

BP - Kể từ bài thơ chúc tết đầu tiên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1947 đến lúc ra đi (1969), Bác đã để lại cho chúng ta 22 bài thơ chúc tết. Dễ nhớ, dễ thuộc là nét đặc trưng trong các bài thơ chúc tết của Người. Nhưng điều khiến mỗi bài thơ, mỗi lời thơ chúc tết của Bác trở nên đặc biệt hơn bởi đó không chỉ là tấm lòng của Bác với nhân dân, đất nước mà còn là lời hiệu triệu, cổ vũ, động viên và cả sự tiên đoán thần kỳ về tiền đồ tươi sáng của cách mạng Việt Nam. Ngày xuân, đọc lại những vần thơ chúc tết của Bác, không chỉ là “Mấy lời thân ái nôm na/Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân” như Người từng viết trong bài thơ chúc tết năm Giáp Thìn 1964 mà còn là những dự báo lịch sử, những chỉ đạo chiến lược cách mạng được truyền đạt bằng thơ đến với đồng bào chiến sĩ cả nước. Và bài thơ chúc tết Mậu Thân 1968 của Bác là một minh chứng điển hình.

Bác Hồ (1890-1969) - Ảnh: T.L

50 năm trước, trong đêm giao thừa tết Mậu Thân 1968, như thông lệ, Bác Hồ chúc tết đồng bào, chiến sĩ cả nước bằng 4 câu thơ: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/Thắng trận tin vui khắp nước nhà/Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”. Nếu chỉ nghe qua thì bài thơ chúc tết Mậu Thân cũng giống mọi bài thơ chúc tết của Bác với tinh thần động viên, cổ vũ toàn Đảng toàn dân, toàn quân hăng hái thi đua lập công, diệt giặc. Thế nhưng vào thời điểm ấy, không ai ngờ câu thơ cuối trong bài thơ chúc tết của Bác lại là hiệu lệnh mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân lịch sử.

Vào thời điểm tết Mậu Thân 1968, quân số Mỹ có mặt ở miền Nam lên đến trên 500 ngàn. Nhận định cần phải có một thắng lợi quan trọng, tạo bước ngoặt của cuộc chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã hạ quyết tâm mở cuộc tổng tấn công và nổi dậy vào tết Mậu Thân 1968 trên toàn miền Nam. Với tinh thần ấy, công tác tổ chức cuộc tổng tiến công được chuẩn bị kỹ càng và tuyệt đối bí mật. Quân địch cũng manh nha về một cuộc tấn công của quân ta nhưng không nắm được cụ thể và chúng càng không thể ngờ cuộc tổng tiến công lại diễn ra ngay trong đêm giao thừa 1968. Lịch sử sẽ mãi mãi ghi nhớ thời khắc 0 giờ mồng 1 tháng giêng năm Mậu Thân, khi làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi lời chúc tết của Bác Hồ, thì đồng loạt trên tất cả thành phố, thị xã, thị trấn của miền Nam, quân và dân ta nổi dậy, ồ ạt tấn công vào hang ổ, sào huyệt của quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn. “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!” - lời hiệu triệu của Bác vang lên khắp miền Nam, thôi thúc toàn quân, toàn dân đánh giặc. Việc quân và dân ta đồng loạt tấn công vào sào huyệt của địch, “đưa chiến tranh vào đô thị” đã gây choáng váng cho đối phương khiến chúng không kịp trở tay. Vì thế, chỉ trong thời gian ngắn, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục vạn tên địch, bức hàng, bức rút gần 15 ngàn đồn bốt, chi khu; phá hủy trên 1.500 ấp chiến lược...

Sinh thời, cứ mỗi độ tết đến xuân về, Bác Hồ kính yêu của chúng ta lại làm thơ chúc tết để động viên tinh thần đồng bào, chiến sĩ cả nước. Có một sự nhất quán trong tất cả bài thơ chúc tết của Bác, đó là mỗi bài đều toát lên tư tưởng chỉ đạo của Đảng ta trong một giai đoạn lịch sử nhất định; đồng thời là sự tổng quát hóa tư tưởng lớn của Người nhưng được thể hiện bằng ngôn ngữ giản dị, trong sáng, ai nghe cũng hiểu, cũng cảm nhận được tư tưởng và tình cảm sâu lắng của Người. Vì thế, thơ chúc tết là một phần trong những di sản văn hóa, lịch sử vô giá mà Người để lại cho dân tộc ta.

Có thể nói, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã tạo ra một bước ngoặt to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta. Bằng tinh thần mạnh mẽ của chiến dịch, quân ta đã phá vỡ một mảng lớn trong hệ thống chính quyền của chúng, làm giảm ý chí của những kẻ hiếu chiến trong giới lãnh đạo Mỹ. Chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ bị phá sản hoàn toàn, buộc Mỹ phải xuống thang, chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, chính thức thừa nhận Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán Hội nghị bốn bên tại Paris. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã tạo ra thế và lực mới, to lớn hơn cho quân và dân ta trên khắp chiến trường. Đây thực sự là một cuộc tổng diễn tập cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thật tài tình! Chỉ với một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, vừa ngắn gọn, dễ hiểu, Bác Hồ đã có một dự đoán thiên tài về sự tất thắng của quân và dân ta trong trận đánh lịch sử mừng xuân này. “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!” - lời hiệu triệu của Bác vừa động viên khích lệ vừa thôi thúc lòng người, giục giã mỗi bước chúng ta đi. Được biết, ngoài bài thơ chúc tết Mậu Thân, trong năm 1968, Người còn sáng tác một số bài thơ không đề khác. Bài nào cũng mang giọng điệu vui tươi, khỏe khoắn và tin tưởng vào thắng lợi: “Đã lâu không làm bài thơ nào/Nay lại thử làm xem ra sao/Lục khắp giấy tờ vần chửa thấy/Bỗng nghe vần “thắng” vút lên cao!”; hay “Thuốc kiêng, rượu cữ đã ba năm/Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần/Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn/Một năm là cả bốn mùa xuân”. Tháng 4-1968, Người viết tiếp bài “Tết Mậu Thân”: “Tháng tư hoa nở một vườn đầy/Tía tía, hồng hồng đua sắc tươi/Chim trắng xuống hồ tìm bắt cá/Hoàng oanh vút tận trời/ Trên trời mây đến rồi đi/Miền Nam thắng trận báo về tin vui”.

Bác đã đi xa nhưng những lời thơ chúc tết, mừng xuân của Người vẫn in sâu trong tâm khảm mỗi người con đất Việt. Trong không khí ấm áp, hân hoan chào đón tết cổ truyền của dân tộc - xuân Mậu Tuất 2018, cũng là thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, chúng ta như được sống dậy không khí hào hùng của dân tộc. Lời thơ của Bác thật dung dị nhưng sâu lắng hồn sông núi, giục giã quân, dân cả nước tiến lên giành thắng lợi, để “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”.

Thảo Linh

  • Từ khóa
20030

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu