Thứ 6, 03/05/2024 02:51:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:55, 06/08/2015 GMT+7

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LỘC NINH LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2015-2020

Đảng bộ xã Lộc Tấn xây dựng hệ thống chính trị vững chắc

Thứ 5, 06/08/2015 | 09:55:00 2,204 lượt xem
BP - Bí thư Đảng bộ xã Hoàng Ngọc Tuấn cho rằng: Với phương châm “Đảng phải gần dân”, Ban Chấp hành Đảng bộ xã thực hiện dân chủ trong Đảng, đoàn kết, thống nhất và chủ động củng cố hệ thống chính trị ở khu dân cư để xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh...

>> Đột phá trong công tác cán bộ ở Lộc Ninh
>> Thành quả từ “ý Đảng - lòng dân” ở Lộc Ninh 
>> Công tác đối ngoại - tạo thế và lực mới trên tuyến biên giới Lộc Ninh

 

PHÁT HUY VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG
Ở KHU DÂN CƯ

Đảng bộ xã Lộc Tấn có 149 đảng viên, sinh hoạt ở 21 chi bộ. Nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ xã Lộc Tấn có 90% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, 80% cơ sở đảng trong sạch vững mạnh; Đảng bộ xã đạt trong sạch vững mạnh, trong đó có 2 năm (2010, 2011) là Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu của huyện Lộc Ninh. Nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ xã Lộc Tấn được chọn tổ chức Đại hội điểm của huyện Lộc Ninh.

Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ xã Lộc Tấn khóa X

Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Ngọc Tuấn cho biết: Phát huy truyền thống của xã anh hùng, mỗi cán bộ, đảng viên Lộc Tấn thấm nhuần “Đảng phải gần dân”. Vai trò lãnh đạo của Đảng phải được thể hiện rõ nét bằng nghị quyết phù hợp với đặc thù của từng thôn ấp để xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng khu vực biên giới. Theo đó, các thành viên trong Ban chấp hành được phân công về sinh hoạt ở chi bộ thôn, ấp đều là bí thư chi bộ. Nhờ đó, lãnh đạo xã nắm chắc tình hình ở cơ sở và hằng năm chọn các thôn, ấp khó khăn để thực hiện củng cố hệ thống chính trị.

Đơn cử ở 2 ấp biên giới dân tộc Bù Núi A và Bù Núi B xa trung tâm xã, người dân còn nghèo cả kinh tế và văn hóa. 2 ấp đều có đảng viên người dân tộc Xêtiêng là lão thành cách mạng, giữ chức vụ Trưởng ban điều hành ấp. Bí thư chi bộ là các đồng chí trong cấp ủy, nhiệt tình và có kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng. Đặc biệt, ấp Bù Núi B năm 2005 khi chia lại địa giới hành chính, các hộ gia đình trẻ đa số thuộc xã mới Lộc Thạnh. Bù Núi B còn lại đa phần là người già, không còn sức lao động. Đảng ủy phân công đồng chí Đặng Thị Chiến, Phó chủ tịch HĐND xã (nay là Phó bí thư thường trực Đảng ủy) về sinh hoạt ở Bù Núi B, giữ chức vụ Bí thư chi bộ. Đồng chí Chiến dày dạn kinh nghiệm với hàng chục năm là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã và rất nhiệt tình, gần gũi với đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, trong nhiệm kỳ qua, Bù Núi B đạt danh hiệu ấp văn hóa 3 năm liền. 2 ấp Bù Núi A và Bù Núi B trước đây bà con còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên xã trắng nguồn thu, sau khi được củng cố năm 2013 thu đạt 40% và năm 2014 thu đạt hơn 70%.

Năm 2011, 3 ấp 5B, K57 và 12, nhờ hệ thống chính trị được củng cố và đi vào hoạt động tốt nên thu ngân sách đạt 110%. Năm 2013, nhờ củng cố lại ấp 5B và 2 ấp Thạnh Tây, Thạnh Đông đi vào hoạt động hiệu quả.

CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ ĐÚNG HƯỚNG

Với diện tích đất tự nhiên hơn 12.246 ha, 14 thôn, ấp, trong đó 2 ấp biên giới vùng sâu, xa, 4 ấp tập trung đồng bào dân tộc Xêtiêng (11% dân số xã), Lộc Tấn là xã có diện tích lớn nhất, đông dân nhất và địa hình phức tạp nhất của huyện Lộc Ninh.

 Lộc Tấn có QL13 chạy xuyên suốt chiều dài xã nối với Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, nhưng đi sâu vào các thôn, ấp là những gò đồi thoai thoải trồng cao su của doanh nghiệp, ven theo dưới chân đồi là các khu dân cư. Bí thư Hoàng Ngọc Tuấn cho biết thêm, diện tích rộng nhưng ngoài đất của Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh, đất nông nghiệp ở Lộc Tấn trước đây thuộc lâm phần và đã giao các doanh nghiệp tư nhân nên đa phần hộ dân ít đất sản xuất. Do đó, định hướng của Đảng bộ xã khóa IX là chuyển dịch cơ cấu kinh tế giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, trong đó tập trung các hộ dân sinh sống 2 bên QL13 chuyển dịch sang kinh doanh - thương mại; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong nông nghiệp, tăng cường công tác tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân để sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, nông sản sạch an toàn. Theo đó, năm 2013-2015, Lộc Tấn xây dựng Câu lạc bộ phát triển tiêu bền vững ở các ấp Thạnh Đông, Thạnh Tây, Cây Chạch. Hiện xã đang tuyên truyền vận động người dân trồng tiêu tham gia Hội hồ tiêu Lộc Ninh và đã có 70 hộ đăng ký gia nhập.

Kết quả của chuyển dịch kinh tế ở Lộc Tấn thay đổi tích cực. Năm 2010 (đầu nhiệm kỳ), nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 78%; thương mại - dịch vụ 18% và các ngành nghề khác 10%. Năm 2015, nông - lâm - ngư nghiệp giảm còn 72,5%. Thương mại - dịch vụ tăng lên 23% còn lại các ngành nghề khác. Thu nhập bình quân năm 2010 gần 7 triệu đồng/người/năm. Năm 2015, dự kiến là 20 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 là 5,2%, giảm 1,5% so với năm 2010. Hiện Lộc Tấn hoàn thành 7 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Lộc Tấn phấn đấu đến năm 2020 là xã nông thôn mới.

Tại đại hội khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Lộc Tấn phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 2 lần so với năm 2015). Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp chiếm 67%, công nghiệp - xây dựng 10% và thương mại - dịch vụ 23%; 100% ấp có điện, 98% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% ấp phủ sóng internet. Hộ nghèo chiếm 5% theo tiêu chí nông thôn mới...           

 Phương Hà

  • Từ khóa
13601

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu