Thứ 6, 26/04/2024 12:20:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 14:13, 08/05/2018 GMT+7

Chuyện thật như đùa

Thứ 3, 08/05/2018 | 14:13:00 114 lượt xem
BPO - Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số ra ngày 2-4-2018, đưa tin về một sự một việc có thật mà như “đùa”, là bởi vì có một bị cáo đã nhận tới ba bản án nhưng vẫn chưa đi tù, vì “bận”… đẻ. Đó là bị cáo Văn Thị Thùy Trang (SN 1988) vừa bị Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đưa ra xét xử và tuyên phạt chín năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Nha Trang, khoảng 17 giờ 45 ngày 11-5-2017, trong khi tuần tra, Công an thành phố Nha Trang đã bắt quả tang Văn Thị Thùy Trang đang bán hai tép ma túy cho một người lạ với giá 200.000 đồng. Tại cơ quan công an, Văn Thị Thùy Trang còn khai nhận trước đó đã nhiều lần bán heroin cho người này, lần gần nhất là Văn Thị Thùy Trang đã bán bốn tép với giá 400.000 đồng. Về nguồn gốc ma túy, Văn Thị Thùy Trang khai nhờ một em nhỏ ở khu vực lầu 7, phường Vĩnh Phước mua 20 tép với giá 1,1 triệu đồng. Sau khi mua được ma túy, Văn Thị Thùy Trang đã bán hết cho nhiều người, còn lại hai tép đang bán thì bị bắt.

Được biết năm 2013, Văn Thị Thùy Trang đã bị tòa án nhân dân thành phố Nhà Trang xử phạt bảy năm tù cũng về tội danh trên. Do chồng Trang đang bị tù vì bán ma túy nên Trang được cho tại ngoại nuôi con nhỏ. Được ở ngoài, Trang lại tiếp tục đi bán ma túy nên năm 2016, Trang lại bị bắt và bị xử phạt thêm chín năm tù. Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Trang phải chấp hành là 16 năm tù nhưng lại được hoãn thi hành án vì nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Đến nay Trang vẫn chưa chấp hành án vì lại đẻ, đang nuôi con nhỏ rồi đi “gieo cái chết trắng” và tiếp tục nhận án như đã nói ở trên.

Việc hoãn chấp hành hình phạt tù là chính sách nhân đạo của Nhà nước ta và đã được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể, tại Điểm b, Khoản 1, Điều 67 có quy định như sau: Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây: Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi.

Và tại Điểm 7.3 trong Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt do Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 2-10-2007 và có hiệu lực từ ngày 3-11-2007, thì thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù đối với: Người bị xử phạt là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi. Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù mà người bị kết án lại có thai hoặc phải tiếp tục nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì vẫn được hoãn cho đến khi đứa con sau cùng đủ 36 tháng tuổi.

Trong thực tế cho thấy không chỉ có bị cáo Văn Thị Thùy Trang mà còn có nhiều người khác cũng đã và đang lợi dụng chính sách nhân đạo này của Nhà nước để phạm tội. Trước đó, theo báo An ninh Thủ đô cho biết, Công an quận Hoàn Kiếm vừa ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Thị Hồng Hạnh, SN 1988, trú tại tổ 7, cụm 2, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội về để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi trộm cắp tài sản. Trước đó, đối tượng bị Công an quận Hoàn Kiếm khởi tố về hành vi trộm cắp tài sản và cho tại ngoại theo chính sách khoan hồng của pháp luật, vì Hạnh đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng. Tuy nhiên, lợi dụng thời gian này, Hạnh tiếp tục gây ra 4 vụ trộm cắp khác trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đối tượng thường đóng vai khách hàng, sau đó vào các cửa hàng bán điện thoại, máy tính rồi lợi dụng sơ hở “chôm” tài sản gồm: điện thoại, máy tính xách tay, tiền… Tổng trị giá tài sản mà thị trộm cắp được lên tới gần 90 triệu đồng.

Từ dẫn chứng trên đây cho thấy, chính sách nhân đạo theo như quy định trong Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 2-10-2007 của Hội đồng Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao cần được xem xét lại bởi hai lý do sau: Thứ nhất, nội dung quy định về việc hoãn chấp hành hình phạt tù đối với những đối tượng là phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi không còn phù hợp với Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể là tại Khoản 2, Điều 67 có quy định như sau: Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới… Thứ hai là việc bị cáo được hoãn chấp hành hình phạt tù và được giao cho địa phương quản lý, giáo dục thì việc người đó tìm cách có thai và nuôi con nhỏ là quá dễ dàng. Vì thế, chính sách nhân đạo lại trở thành kẽ hở để những người này tiếp tục lợi dụng để phạm tội nhưng lại được hưởng chính sách hoãn chấp hành hình phạt tù.

Vì vậy, để chính sách nhân đạo của Nhà nước mang đúng ý nghĩa giáo dục, nhân văn cho cộng đồng, cũng như tính nghiêm minh của pháp luật được thượng tôn, đã đến lúc Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần xem xét, điều chỉnh quy định trong Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP cho phù hợp thực tế của đất nước trong công tác phòng, chống các loại tội phạm hiện nay.

Trung Nghĩa (Hội luật gia tỉnh)

  • Từ khóa
30791

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu