Thứ 6, 26/04/2024 11:35:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:11, 12/11/2013 GMT+7

Chống tham nhũng: Vừa cần xử lý nghiêm, vừa cần chế tài mạnh

Thứ 3, 12/11/2013 | 16:11:00 1,199 lượt xem

Sáng 12-11, Thanh tra Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Phát triển quốc tế Anh và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 12 tại Hà Nội.


Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc đối thoại

Chủ đề của lần Đối thoại này là “Vai trò của doanh nghiệp và khu vực tư trong công tác phòng, chống tham nhũng”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, Đại sứ quán các nước, tổ chức quốc tế và đông đảo các hiệp hội và doanh nghiệp trong nước tham gia cuộc đối thoại.

Doanh nghiệp cũng cần mạnh dạn tố cáo tham nhũng

Phát biểu tại Đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, từ trước tới nay, nhận thức xã hội thường cho rằng doanh nghiệp là nạn nhân của tham nhũng, doanh nghiệp phải đưa hối lộ vì sự nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu trình bày tại Đối thoại này cho thấy điều đó đúng nhưng chưa đủ. Còn một thực tế khác là nhiều doanh nghiệp thường chủ động thực hiện hành vi hối lộ nhằm đạt được những lợi thế không chính đáng trong cạnh tranh trên thương trường hoặc để trốn tránh trách nhiệm pháp lý khi có sai phạm.

Vì thế, để phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, một mặt cần ngăn chặn và xử lý nghiêm những công chức, viên chức nhũng nhiễu, nhận hối lộ; mặt khác phải có chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý hành vi đưa hối lộ, đặc biệt cần nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp coi hối lộ như một “giải pháp” trong kinh doanh, một cách thức để tạo lợi thế, hình thành “nhóm lợi ích”.

Phó Thủ tướng cho rằng hoạt động quản trị doanh nghiệp cần được chuyên nghiệp hóa, đồng thời, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng bản sắc riêng tạo thành văn hóa doanh nghiệp, trong đó việc cam kết về trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững và thực hành liêm chính phải được coi là những giá trị cốt lõi.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng cần chủ động cung cấp thông tin, chủ động phát hiện và thông báo kịp thời với cơ quan có thẩm quyền về những hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng của cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước. Việc các doanh nghiệp mạnh dạn, chủ động tố cáo hành vi tham nhũng sẽ góp phần quan trọng cùng các cơ quan chuyên trách đóng góp vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cần phải có cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật chặt chẽ, minh bạch để hành vi tham nhũng khó có thể phát sinh và tồn tại. Đây là việc đòi hỏi các bộ, ngành, cơ quan Trung ương tập trung tham mưu, đề xuất với Chính phủ để ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản pháp luật về phòng chống tham nhũng nhằm hạn chế tối đa các kẽ hở, tạo môi trường cho tham nhũng.  

Nghiên cứu mở rộng phạm vi điều chỉnh của pháp luật phòng, chống tham nhũng

Theo ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ, tham nhũng và hối lộ trong hoạt động của doanh nghiệp sẽ tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế-xã hội của mọi quốc gia, nó làm tăng chi phí, phá vỡ nền tảng quản trị của doanh nghiệp, tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường.

Đặc biệt, khi tham nhũng, hối lộ được thực hiện với sự câu kết giữa doanh nghiệp với các quan chức tha hóa, sẽ hình thành các “nhóm lợi ích thân hữu”, có khả năng tác động tiêu cực tới quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật, khi đó hậu quả càng thêm nghiêm trọng.

Bộ Tư pháp đang nghiên cứu khả năng mở rộng phạm vi điều chỉnh của pháp luật phòng, chống tham nhũng sang “khu vực tư”, cũng như hình sự hóa “hành vi làm giàu bất chính”, hoặc nêu vấn đề “trách nhiệm hình sự của pháp nhân”… để đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội trong lần sửa đổi Bộ Luật Hình sự sắp tới.

Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang chủ trì xây dựng Nghị định về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Các đại biểu kiến nghị mở rộng đối tượng điều chỉnh của pháp luật phòng chống tham nhũng sang khu vực tư nhân; tăng cường chế tài xử lý đối với doanh nghiệp sử dụng biện pháp “đưa hối lộ” nhằm làm méo mó thị trường cạnh tranh lành mạnh; xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp và vai trò của doanh nghiệp đối với xã hội; cam kết đạo đức kinh doanh với sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội và cơ quan Nhà nước dưới sự giám sát của cộng đồng xã hội; hoàn thiện cơ chế quản trị, phòng ngừa “xung đột lợi ích” giảm thiểu tình trạng tham nhũng, gian lận trong nội bộ doanh nghiệp; khuyến khích các hiệp hội doanh nghiệp thực hiện sáng kiến hành động tập thể với sự tham gia của doanh nghiệp ký “cam kết thực hiện đạo đức kinh doanh”…

(Theo Chinhphu.vn)

  • Từ khóa
9183

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu