Thứ 6, 26/04/2024 07:49:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 19:13, 24/04/2016 GMT+7

Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng: Đánh giá đúng tình hình, xác định đúng thời cơ

Chủ nhật, 24/04/2016 | 19:13:00 301 lượt xem
BPO - Trước diễn biến mau lẹ ở chiến trường, đặc biệt là thắng lợi của ta ở Trị-Thiên và Nam-Ngãi, ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Đà Nẵng (Mặt trận Quảng Đà), nhằm tiêu diệt quân địch co cụm ở Quảng Đà, TP Đà Nẵng, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Đà. Cùng ngày, Bộ Tổng tư lệnh truyền đạt chỉ thị cho Quân đoàn 2 phối hợp với Quân khu 5 hình thành thế bao vây Đà Nẵng từ nhiều hướng, theo tình huống địch rút chạy, với phương châm “nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất, bất ngờ nhất, nhưng chắc thắng”.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định tổ chức sử dụng lực lượng tại chỗ, nhanh chóng mở cuộc tiến công địch ở Đà Nẵng. Chiến dịch diễn ra rất khẩn trương, quyết liệt, từ ngày 26 đến 29-3-1975, thể hiện bước phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch.

Để mở chiến dịch tiến công quân địch ở khu vực Quảng Đà, với mục tiêu là giải phóng TP Đà Nẵng, không cho địch co cụm chiến lược, ta nắm vững thời cơ từ đòn tiến công chiến lược ở Tây Nguyên và các chiến dịch tiến công ở Trị-Thiên, Nam-Ngãi tạo ra. Trước sức tiến công như vũ bão của lực lượng vũ trang ta trên chiến trường, địch phải rút khỏi Tây Nguyên. Tại Trị-Thiên, địch rút bỏ Huế và ở Nam-Ngãi, địch rút bỏ Quảng Ngãi, Tam Kỳ; đồng thời ta cắt đứt đường 1A từ phía Nam ra Đà Nẵng. Ngày 25-4, Bộ Chính trị nhận định: Sau khi mất Huế và Tam Kỳ, dù muốn giữ Đà Nẵng, địch cũng không thể giữ được, thời cơ giải phóng Đà Nẵng đã xuất hiện và hạ quyết tâm mở chiến dịch là hoàn toàn chính xác, kịp thời. Tuy ở Đà Nẵng địch còn đông, trang bị vũ khí mạnh, nhưng trong tình thế bị cô lập, tinh thần của sĩ quan và binh lính hoang mang, dao động. Mặt khác, địch đánh giá sai lầm về ta, chúng cho rằng ta chưa đủ sức tiến công vào Đà Nẵng. Trong khi đó, những binh đoàn chủ lực mạnh của ta áp sát Đà Nẵng trên các hướng cùng với một lực lượng lớn bộ đội địa phương, du kích hoạt động mạnh trong lòng địch. Như vậy, trên cơ sở đánh giá đúng tình hình địch, phát hiện và nắm chắc thời cơ, ta hạ quyết tâm mở chiến dịch tiến công quy mô lớn vào Đà Nẵng là hoàn toàn chính xác, kịp thời.


Máy bay địch bị bộ đội ta tiêu diệt tại Đà Nẵng. Ảnh tư liệu. 

Điểm nổi bật mang tính rất đặc sắc của chiến dịch là ta tổ chức chỉ huy hết sức linh hoạt, quyết đoán, chủ động, táo bạo sâu sát chiến trường. Mặc dù ta nắm giữ thế chủ động, nhưng chỉ huy và Đảng ủy Chiến dịch Đà Nẵng cũng chỉ thành lập được trước khi chiến dịch nổ súng một ngày và không có thời gian tập trung Bộ tư lệnh. Thậm chí khi chiến dịch diễn ra vài ngày, một số cơ quan chiến dịch vẫn chưa tổ chức được hoàn chỉnh. Song việc chuẩn bị và thực hành chiến dịch không hề bị gián đoạn hoặc chậm trễ. Lúc đầu, Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp điều hành, chỉ huy Quân khu 5, Quân đoàn 2 thực hiện theo ý đồ tác chiến của bộ. Ngay sau khi Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch được thành lập, do đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh và đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch, hệ thống chỉ huy chiến dịch được hình thành. Tuy nhiên, về chỉ huy, trong hai ngày đầu (26 và 27-3), Bộ Tổng tư lệnh vẫn giữ mối liên hệ chỉ huy tới các đơn vị tham gia chiến dịch và với Bộ tư lệnh chiến dịch. Ngược lại, các đơn vị vẫn báo cáo trực tiếp về Bộ tổng tư lệnh và từ bộ đến các cơ quan chiến dịch. Nhờ vậy, các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên và Bộ tư lệnh chiến dịch đối với Quân đoàn 2 và Quân khu 5 được thực hiện triệt để cùng những tình huống phức tạp của chiến dịch đều được giải quyết nhanh chóng, kịp thời và chính xác.

Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình địch, từ ngày 26 đến 29-3, Bộ tư lệnh chiến dịch sử dụng các Sư đoàn 325, 304, cụm lực lượng cơ động thọc sâu của Quân đoàn 2 và Sư đoàn 2 (Quân khu 5) phối hợp với hai Trung đoàn 96, 97 bộ đội địa phương Quảng Đà tiến công, tạo thế bao vây chặt quân địch ở Đà Nẵng từ các hướng bắc, tây bắc, tây nam và nam. Đồng thời sử dụng pháo binh nhanh chóng bắn khống chế các sân bay, bến cảng, các mục tiêu quan trọng trong thành phố và sử dụng lực lượng biệt động luồn sâu áp sát các mục tiêu, tiến công từ bên trong đánh ra khi chủ lực tiến công tới, cùng với sự nổi dậy mạnh mẽ của nhân dân. Nhờ đó, ta phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia chiến dịch. Trong chiến dịch, ta lấy đòn tiến công mạnh mẽ của bộ đội chủ lực với tốc độ cao, kết hợp chặt chẽ giữa bao vây, chặn cắt đường bộ, đường không, đường biển của địch với đột phá, thọc sâu từ bên ngoài vào, làm đòn bẩy thúc đẩy các hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương và nổi dậy rộng khắp của nhân dân để giành thắng lợi, giải phóng TP Đà Nẵng và toàn tỉnh Quảng Đà.

Chiến dịch Đà Nẵng giành thắng lợi đánh dấu bước phát triển mới của nghệ thuật chiến dịch, đặc biệt là nghệ thuật về đánh giá đúng địch, nắm chắc thời cơ, hạ quyết tâm chính xác, kịp thời; tổ chức chỉ huy linh hoạt, quyết đoán, chủ động, táo bạo sâu sát chiến trường; phối hợp tác chiến chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương, giữa tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng để giành thắng lợi. Thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược này tạo điều kiện và thời cơ rất thuận lợi cho quân và dân ta đẩy nhanh cuộc Tổng tiến công chiến lược, tập trung cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng ở Sài Gòn-Gia Định đi tới toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nguồn QĐND

  • Từ khóa
92917

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu