Thứ 6, 26/04/2024 11:34:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 08:13, 20/02/2016 GMT+7

Câu chuyện mới - bài học cũ

Thứ 7, 20/02/2016 | 08:13:00 1,344 lượt xem

BP - Mấy ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến những nội dung trong Thông tư số 01/2016/TT-BCA ngày 14-1-2016 (có hiệu lực từ ngày 15-2-2016) của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông (CSGT). Cụ thể, tại Khoản 6, Điều 5 của thông tư này quy định lực lượng CSGT được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật.

Lực lượng CSGT Công an tỉnh xử lý xe vi phạm - Ảnh: Ngọc TúLực lượng CSGT Công an tỉnh xử lý xe vi phạm - Ảnh: Ngọc Tú

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia về pháp luật thì Thông tư số 01/2016/TT-BCA có dấu hiệu vi hiến. Nếu giao cho lực lượng CSGT những quyền “quá lớn” như vậy rất dễ xảy ra tình trạng tiêu cực, lạm quyền trong quá trình thực thi công vụ. Đó là chưa kể đến những rắc rối liên quan đến pháp luật có thể phát sinh trong quá trình trưng dụng. Bởi tại Điều 32, Hiến pháp năm 2013 đã quy định: Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác (Khoản 1). Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường (Khoản 3).

Trước đó, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 57/2015/TT-BCA ngày 26-10-2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 6-1-2016) hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Thông tư quy định phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị bình chữa cháy. Nếu không sẽ bị xử phạt từ 300-500 ngàn đồng theo quy định tại Khoản 2, Điều 27, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ. Tuy nhiên, trước phản ứng của dư luận, Bộ Công an đã có chủ trương tạm thời chưa xử phạt đối với chủ xe ôtô thiếu bình chữa cháy, trước mắt sẽ tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và tuyên truyền để người điều khiển phương tiện hiểu rõ ý nghĩa của việc trang bị bình chữa cháy, từ đó tự giác thực hiện.

Những vấn đề này khiến nhiều người không khỏi băn khoăn khi quy định và thực tiễn cuộc sống vẫn còn một khoảng cách khá xa nhau. Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền. Thế nhưng, thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp văn bản quy phạm pháp luật “chết yểu” khi còn nằm trên giấy. Nguyên nhân sâu xa do trong quá trình soạn thảo luật, các cơ quan chức năng không đánh giá được tác động của các quy định đó ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của người dân. Chính vì vậy vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận, buộc phải bãi bỏ hoặc ngưng hiệu lực thi hành như quy định thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 tiếng đồng hồ kể từ khi giết mổ (Thông tư số 33/2012/TT-BNNPTNT ngày 20-7-2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); quy định xử phạt xe không chính chủ (Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ngày 19-9-2012 của Chính phủ)...

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016. Đây là lần đầu tiên trong quá trình xây dựng pháp luật của Quốc hội nước ta có một điều luật chưa đi vào cuộc sống đã bị phản ứng gay gắt, buộc phải xem xét sửa đổi vì lý do đúng nhưng chưa trúng!?

Chất lượng của một văn bản quy phạm pháp luật luôn được xem xét qua tính hợp pháp và hợp lý, hợp tình. Nếu một văn bản quy phạm pháp luật chỉ đảm bảo tính hợp pháp mà thiếu tính hợp lý, hợp tình thì rất khó khả thi. Việc các quy định pháp luật vừa ban hành đã vội hủy bỏ, sửa đổi lâu dần sẽ ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan quản lý nhà nước và dẫn đến tình trạng “nhờn luật”. Ông cha ta đã đúc kết “Cẩn tắc vô áy náy”, có nghĩa là trong mọi công việc nếu chúng ta cẩn trọng, tỉ mỉ thì sẽ không có chỗ cho sai lầm và thiếu sót. Điều này càng đúng với công tác điều tra, nghiên cứu, soạn thảo, lấy ý kiến đóng góp và trình cơ quan có thẩm quyền thông qua các văn bản quy phạm pháp luật.

Ngọc Nguyên

  • Từ khóa
27975

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu