Thứ 6, 26/04/2024 09:32:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:30, 11/02/2016 GMT+7

Các nhân vật tuổi Thân trong lịch sử Việt Nam

Thứ 5, 11/02/2016 | 10:30:00 5,596 lượt xem

BP - * Đồng Kiên Cương - Giáp Thân (1284): Ông sinh ngày 23-5, quê ở huyện Chí Linh, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang. Đồng Kiên Cương là môn đệ của Trần Nhân Tông, là Tổ thứ hai của dòng thiền này. Ông là người ấn hành Đại tạng kinh tại Việt Nam vào năm 1329 và đã để lại nhiều tác phẩm Thiền học, luận thuyết về các kinh Nhập Lăng - già, Diệu pháp liên hoa, Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

* Nguyễn Trãi - Canh Thân (1380): Ông là công thần khai quốc thời Lê và là tác giả bài Bình Ngô đại cáo. Năm 1400, ông đỗ thái học sinh và hai cha con cùng ra làm quan cho nhà Hồ. Năm 1407, giặc Minh cướp nước ta và ông theo Lê Lợi tìm đường cứu nước. Suốt 10 năm chiến đấu, ông đã góp công lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Nguyễn Trãi là nhà văn hóa lớn, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn học và tư tưởng Việt Nam.

* Lương Thế Vinh - Canh Thân (1440 - có tài liệu là 1441): Từ nhỏ ông đã nổi tiếng về khả năng học mau thuộc, nhanh hiểu và sáng tạo trong các trò chơi như đá bóng, thả diều, câu cá, bẫy chim. Năm 1463, Lương Thế Vinh đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa thi Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận thứ 4, đời Lê Thánh Tông. Ông là nhà toán học, phật học, nhà thơ Việt Nam thời Lê sơ.

* Đàm Văn Lễ - Nhâm Thân (1452): Ông là tiến sĩ làm quan triều Lê Thánh Tông. Ông là người xã Lam Sơn, huyện Quế Dương (nay là huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Năm 1469, đời Lê Thánh Tông, ông đi thi lần đầu đỗ đồng tiến sĩ lúc 18 tuổi, được vào triều ban chức Hiệu lý Viện hàn lâm. Sau đó, ông được thăng làm Thượng thư bộ Lễ kiêm đại học sĩ Đông các. Năm 1504, vì thù Đàm Văn Lễ không ủng hộ mình làm vua, Lê Uy Mục sai người ép ông tự sát.

* Hứa Tam Tỉnh - Bính Thân (1476): Ông là người xã Như Nguyệt, huyện Yên Phong (nay thuộc xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Ông thi đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh khoa Mậu Thìn đời vua Lê Uy Mục, từng được cử đi sứ sang nhà Minh. Sau đó, ông ra làm quan triều nhà Mạc, lại được cử đi sứ sang nhà Minh.

* Đào Duy Từ - Nhâm Thân (1572): Ông là nhà quân sự, nhà yêu nước lớn, một danh nhân thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Ông có công lớn giúp chúa Nguyễn giữ vững cơ nghiệp ở Đàng trong. Ông là người đề xuất với chúa Nguyễn cho đắp lũy Trường Dục (Quảng Bình) và một lũy khác từ cửa biển Nhật Lệ đến núi Đào Mậu thuộc Đồng Hới. Đây là 2 công trình phòng thủ ngăn chặn hiệu quả các cuộc xâm lấn của quân Trịnh.

* Nguyễn Tông Quai - Nhâm Thân (1692): Khoa Tân Sửu (1721) đời vua Lê Dụ Tông, Nguyễn Tông Quai (có sách ghi là Nguyễn Tông Khuê) thi đỗ Hội nguyên đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), được bổ làm quan ở Viện hàn lâm. Sau đó, ông lần lượt trải chức Thừa chính sứ Kinh Bắc và Đốc đồng Tuyên Quang. Năm 1734, ông được cử đi đón sứ giả nhà Thanh sang sắc phong. Vì vốn tính ngay thẳng, ghét sự tà vạy, không kiêng tránh, nể nang... nên không được lòng một số quan đồng triều.

* Phạm Vĩ Khiêm - Canh Thân (1740 - có tài liệu là 1739): Phạm Vĩ Khiêm có tên khác là Phạm Nguyễn Du, danh sĩ thời Lê Mạt. Ông là người làng Tiên Lạc, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Năm 1773, ông dự thi Hương, đỗ Giải nguyên. Năm 1779, ông đỗ Hoàng giáp dưới triều vua Lê Hiển Tông. Ông làm quan trải qua các chức: Giám sát ngự sử đạo Hải Dương, Đông các đại học sĩ.

* Nguyễn Tri Phương - Canh Thân (1800): Ông là đại thần và là Tổng chỉ huy quân đội triều Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873). Năm 1873, quân Pháp đánh úp thành Hà Nội. Nguyễn Tri Phương bị thương nặng nhưng khẳng khái từ chối sự cứu chữa của kẻ thù, tuyệt thực suốt gần một tháng và mất ngày 20-12-1873.

* Nguyễn Đức Đạt - Giáp Thân (1824): Ông quê ở Nghệ An. Năm 1873, quân Pháp tấn công và 4 tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình đều bị thất thủ. Nhờ có công giữ được Hưng Yên yên ổn nên ông được Tự Đức ban thưởng. Năm 1885, vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương. Ông cùng em họ là Nguyễn Đức Quý ra mắt Hàm Nghi và được phong làm Lại bộ Thượng thư lĩnh An Tĩnh tổng đốc.

* Nguyễn Văn Tường - Giáp Thân (1824): Ông là phụ chính đại thần khi Tự Đức mất. Bị Pháp đày đi Tahiti. Ông xuất thân từ một gia đình lao động nghèo thuộc làng An Cư, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

* Mai Xuân Thưởng - Canh Thân (1860): Ông là lãnh tụ phong trào Cần Vương ở Bình Định. Quê ông ở làng Phú Lạc, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Năm 1885, hưởng ứng phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi, Mai Xuân Thưởng tham gia cuộc khởi nghĩa chống giặc Pháp xâm lược. Trước mặt kẻ thù, ông đã khẳng khái trả lời: Xưa nay trung thần nghĩa sĩ chỉ có đoạn đầu tướng quân chứ không hàng đầu tướng quân.... Sau đó, thực dân Pháp đã đưa ông ra xử chém.

* Nguyễn Ưng Lịch - Nhâm Thân (1872 - có tài liệu là 1871): Ông là vua Hàm Nghi, vị vua thứ 8 của nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Ông tuyên hịch Cần Vương kêu gọi sĩ phu và dân chúng nổi dậy chống Pháp giành độc lập. Vua Hàm Nghi cùng với các vua Thành Thái, Duy Tân, được xem là 3 vị vua yêu nước của Việt Nam thời Pháp thuộc và đều bị thực dân Pháp bắt đi đày ở châu Phi.

* Phan Châu Trinh - Nhâm Thân (1872): Ông sinh tại xã Tam Lộc, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Năm 28 tuổi, Phan Châu Trinh đỗ Cử nhân (1900), 29 tuổi đỗ Phó bảng (1901). Năm 1908, phong trào đòi giảm sưu thuế nổ ra khắp Trung kỳ, Phan Châu Trinh bị thực dân Pháp bắt giam và đày ra Côn Đảo. Ngày 24-3-1926, cụ từ trần. Đám tang và lễ truy điệu cụ Phan trở thành cuộc vận động ái quốc rộng lớn.

* Dương Bá Trạc - Giáp Thân (1884): Ông là nhà cách mạng, nhà báo, nhà văn thời Pháp thuộc. Năm 1904, ông cùng Phan Châu Trinh vào mật khu Yên Thế bàn việc nước với lãnh tụ Hoàng Hoa Thám. Năm 1906, ông cùng với Nguyễn Quyền, Lê Đại, Hoàng Tăng Bí, Lương Văn Can lập Đông Kinh Nghĩa Thục.

* Hoàng Ngọc Phách - Bính Thân (1896): Quê ông ở làng Đông Thái, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học, yêu nước, cha ông từng tham gia phong trào Cần Vương. Sau Cách mạng tháng Tám, Hoàng Ngọc Phách giữ nhiều chức vụ trong ngành giáo dục: Giám đốc học khu Bắc Ninh, Giám đốc Cao đẳng Sư phạm Trung ương...

* Hồ Tùng Mậu - Bính Thân (1896): Ông là nhà cách mạng và chính khách Việt Nam. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc và là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Thanh tra Chính phủ. Ngày 23-7-1951, ông hy sinh trên đường đi vào Liên khu IV công tác, do bị máy bay Pháp bắn trúng tại phố Còng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

* Phạm Hồng Thái - Bính Thân (1896): Ông hoạt động trong phong trào Đông Du và là người đặt bom ám sát toàn quyền Đông Dương Martial Merlin vào năm 1924. Tuy nhiên vụ mưu sát không thành, Merlin chỉ bị thương nhẹ và thoát chết. Phạm Hồng Thái thoát được khỏi khách sạn nhưng bị truy nã nên phải gieo mình xuống dòng Châu Giang tự tử khi chỉ mới 28 tuổi.

* Ngô Gia Tự - Mậu Thân (1908): Ông sinh tại làng Tam Sơn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) và là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1927, ông tham gia lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu, Trung Quốc. Năm 1930, ông bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn. Ngày 2-5-1933, thực dân Pháp đưa Ngô Gia Tự đi đày ở Côn Đảo. Ông đã hy sinh trong một chuyến vượt ngục đầu năm 1935.

* Nguyễn Đức Cảnh - Mậu Thân (1908): Ông là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông là Bí thư đầu tiên của Thành ủy Hải Phòng và là Tổng biên tập đầu tiên của Báo Lao Động. Ông người làng Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Tháng 10-1930, ông được bầu vào Ban Thường vụ Xứ ủy và phân công phụ trách công tác tuyên huấn, tham gia chỉ đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ngày 30-7-1932, thực dân Pháp đã đưa ông từ nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) xuống nhà lao Sông Lấp (Hải Phòng) để xử chém.

* Đoàn Trần Nghiệp - Mậu Thân (1908): Ông sinh tại phố Hàng Sơn, Hà Nội và có tên gọi khác là Ký Con. Năm 1930, Đoàn Trần Nghiệp tổ chức đội cảm tử (gồm Nguyễn Văn Liên, Mai Duy Xứng, Nguyễn Minh Luân, Nguyễn Quang Triệu và Nguyễn Bá Tâm) đánh bom tại 5 điểm ở Hà Nội, trong đó có nhà Chánh mật thám Arnoux. Tháng 6-1930, ông bị bắt ở Nam Định và ngày 5-8-1930, Đoàn Trần Nghiệp bị thực dân Pháp tử hình.

* Hải Triều - Mậu Thân (1908): Ông là nhà văn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn chương Việt Nam. Năm 1927, ông tham gia Đảng Tân Việt, sau đó vào hoạt động ở Sài Gòn. Sau Cách mạng tháng Tám, ông làm Giám đốc Sở Tuyên truyền Trung bộ, sau đó làm Giám đốc Sở Tuyên truyền Liên khu IV.

* Nguyễn Văn Huyên - Mậu Thân (1908 - có tài liệu là 1905): Ông là tiến sĩ ở Pháp, từng giữ chức vụ Bộ trưởng Giáo dục Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong cuộc Cách mạng tháng Tám, ông là một trong những người đại diện trí thức Thủ đô ký bức điện yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị, nhường quyền kiểm soát đất nước cho nhân dân qua chính phủ cách mạng. Ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam từ khóa 2 đến khóa 7. 

 N.N

  • Từ khóa
14960

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu