Thứ 6, 26/04/2024 17:22:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:15, 05/02/2013 GMT+7

Bù Đăng: Mất rừng do chưa quy định cụ thể trách nhiệm của chủ rừng và chủ dự án

Thứ 3, 05/02/2013 | 15:15:17 349 lượt xem

Trên địa bàn huyện Bù Đăng hiện có 4 đơn vị chủ rừng là Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng và Hạt kiểm lâm Bù Đăng. Những năm qua, dù huyện đã nỗ lực trong việc ngăn chặn phá rừng, xâm canh, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Theo số liệu thống kê của Hạt kiểm lâm huyện, tổng diện tích đất lâm nghiệp bị xâm canh, lấn chiếm trái phép trên địa bàn đến tháng 12-2012 là 2.104,36 ha, chủ yếu thuộc các lâm phần do Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé và Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng quản lý. Cụ thể, dự án Công ty cổ phần SX-XD-TM&NN Hải Vương với diện tích 594 ha tại các tiểu khu 309, 313, 315, 316 bị xâm canh lấn chiếm 100%; dự án Công ty cổ phần Kinh Thành với diện tích 462,2 ha thuộc Tiểu khu 319 bị xâm canh lấn chiếm 83%; dự án thực hiện Quyết định số 33/QĐ-TTg của huyện Bù Đăng với diện tích 226 ha tại các tiểu khu 311, 316 bị xâm canh, lấn chiếm 66,4%...

Một khoảnh rừng bị xâm canh, lấn chiếm

Ông Nguyễn Anh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết: Nguyên nhân dẫn đến phá rừng và lấn chiếm đất rừng là do các chủ rừng buông lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng, không phát hiện kịp thời các điểm phá rừng, lấn chiếm đất để phối hợp kịp thời với Ban bảo vệ rừng xã và kiểm lâm địa bàn đề ra biện pháp xử lý. Sự phối hợp giữa chủ rừng với chủ dự án, ban bảo vệ rừng của các xã và kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng tại các khu vực quy hoạch cho các dự án chưa chặt chẽ, nhất là diện tích rừng khoanh nuôi để lại trong vùng dự án. Một số dự án thời gian hoàn thiện các thủ tục kéo dài hoặc chậm triển khai theo tiến độ được duyệt. Thậm chí một số dự án không đủ năng lực thực hiện dẫn đến tình trạng người dân phá rừng lấy đất sản xuất... Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng vẫn là trách nhiệm chính trong bảo vệ rừng giữa chủ rừng và chủ dự án chưa rõ ràng. Cụ thể, theo quy định hiện nay, khi chưa có quyết định của UBND tỉnh về việc thu hồi đất của chủ rừng để giao cho các chủ dự án thì trách nhiệm quản lý vẫn thuộc chủ rừng. Trong khi đó một số văn bản của UBND tỉnh cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chỉ đạo giao trách nhiệm cho chủ dự án có nhiệm vụ giữ rừng, dẫn đến sự đùn đẩy trách nhiệm giữa 2 chủ thể.

Theo đề xuất của ông Nguyễn Anh Hoàng tại hội nghị tổng kết công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh năm 2012, để hạn chế tình trạng xâm canh, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, với diện tích rừng khoanh nuôi nằm rải rác trong cùng dự án, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các chủ rừng lập hợp đồng giao khoán để giao và quy định trách nhiệm cho chủ dự án nếu để xảy ra mất rừng. Đối với diện tích rừng khoanh nuôi sau khi bị mất rừng có diện tích nhỏ lẻ, không tập trung đã được các chủ dự án trồng cao su, đề nghị UBND tỉnh thuận chủ trương thu hồi cùng với diện tích 10% chủ dự án liên doanh giao lại cho chủ rừng quản lý. Ông Hoàng cũng mong muốn, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tư vấn, quy hoạch rừng của tỉnh khảo sát đánh giá lại trữ lượng, hiệu quả rừng khoanh nuôi để có kế hoạch bảo vệ hoặc tiếp tục thu hồi, chỉ chuyển đổi mục đích khác có hiệu quả hơn. Các dự án chậm tiến độ thực hiện trên lâm phần Nông lâm trường Nghĩa Trung (thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé) và Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng phải thu hồi để thực hiện nghiêm công tác bảo vệ rừng và sử dụng hiệu quả đất lâm nghiệp...               

L.P

  • Từ khóa
92175

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu